Cận cảnh 'đế chế' Tài Tâm Group của ông Đỗ Lê Quân
Bén duyên với năng lượng tái tạo, tổng tài sản của Tài Tâm Group tăng mạnh trong giai đoạn 2019 – 2021. Đến Đồng Tháp tìm đất, tập đoàn này vẫn không quên đề cập tới lĩnh vực được coi là 'thế mạnh' của mình.
Ngày 29/6, đại diện CTCP Tập đoàn Tài Tâm (Tài Tâm Group) đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp, đề xuất nghiên cứu, tài trợ quy hoạch đối với 3 dự án bất động sản.
Các dự án này bao gồm: Tổ hợp đô thị - du lịch Tài Tâm - Sa Đéc và Tổ hợp đô thị - Tài Tâm - Cao Lãnh; và Tổ hợp Thương mại, dịch vụ, khách sạn, căn hộ Cao Lãnh.
Ngoài ra, Tài Tâm Group cũng cho biết sẽ nghiên cứu đầu tư lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Đồng Tháp.
Lần mở lịch sử 26 năm hoạt động của Tài Tâm Group, bất động sản có thể xem như là lĩnh vực khởi tạo tích lũy, cả về nguồn lực, kinh nghiệm lẫn quan hệ cho giới chủ tập đoàn này. Điều ấy phần nào được thể hiện ở vai trò Phó Chủ tịch Hội đồng môi giới bất động sản Việt Nam của ông Đỗ Lê Quân – sinh năm 1974, Tổng giám đốc Tài Tâm Group.
Tính đến ngày 14/6/2022, Tài Tâm Group có quy mô vốn điều lệ 366 tỉ đồng. Trong đó, ông Quân góp 32,9 tỉ đồng, chiếm 9,01% vốn điều lệ.
Bà Lê Thị Ân (SN 1951) và ông Đỗ Kim Ngọc (SN 1943) – hai cá nhân có cùng địa chỉ thường trú với ông Đỗ Lê Quân tại một số nhà trên phố Bà Triệu, Hà Nội – lần lượt nắm giữ 46,59% và 44,4% vốn điều lệ của công ty này.
Bà Lê Thị Ân còn là Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật của CTCP Đầu tư và Xây dựng Hưng Phát (Hưng Phát). Ông Đỗ Kim Ngọc là Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Thương mại và Kinh doanh bất động sản Thăng Long.
Bên cạnh đó, bà Lê Thị Ân và ông Đỗ Kim Ngọc từng nắm giữ lượng lớn cổ phần của CTCP Đầu tư năng lượng Hoàng Hải Quảng Trị, CTCP Đầu tư năng lượng Tài Tâm Quảng Trị.
Sự nhạy bén của giới chủ Tài Tâm Group được thể hiện khi tập đoàn này lấn sân sang lĩnh vực năng lượng tái tạo. Từ một ‘tay ngang’, ít năm trở lại đây, Tài Tâm Group đã tích lũy được danh mục các dự án điện mặt trời, điện gió đáng nể.
Danh mục dự án điện tái tạo ‘khủng’ của Tài Tâm Group
Trong một tài liệu công bố đầu tháng 6/2021, Tài Tâm Group cho biết đang phát triển 5 dự án năng lượng tái tạo tại Quảng Trị, với tổng công suất 641,45MW; 7 dự án tại khu vực Tây Nguyên, tổng công suất 2.420 MW; và 6 dự án tại khu vực Tây Nam Bộ, tổng công suất 808 MW. Tổng vốn đầu tư các dự án này lên tới 99.957 tỉ đồng.
Lưu ý, cho tới giữa năm ngoái, nhiều dự án của Tài Tâm Group vẫn còn nằm ‘trên giấy’ hoặc chưa được bổ sung vào quy hoạch.
Trong đó, loạt dự án tại Quảng Trị như Tài Tâm, Hoàng Hải, Hưng Bắc, Phương Bắc đang chờ Thủ tướng phê duyệt bổ sung quy hoạch. Trạng thái tương tự cũng được Tài Tâm Group ghi nhận ở các dự án Viên An (Cà Mau), Thạnh Phú (Bến Tre).
Ngoài lĩnh vực điện gió, Tài Tâm Group còn thể hiện mối quan tâm đầu tư vào nhà máy điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) trên bờ và ngoài khơi ở tỉnh Quảng Trị.
Tài Tâm Group làm ăn thế nào?
Theo dữ liệu của VietTimes, tính đến ngày 31/12/2021, tổng tài sản của Tài Tâm Group đạt mức 621,5 tỉ đồng, tăng 23,73% so với cuối năm 2020 và tăng 32,49% so với thời điểm cuối năm 2019.
Trong khi đó, kết quả kinh doanh của Tài Tâm Group lại có chiều hướng đi xuống, đặc biệt là trong năm 2020 với mức doanh thu thấp nhất trong giai đoạn 3 năm gần nhất.
Cụ thể, năm 2019, Tài Tâm Group ghi nhận doanh thu thuần ở mức 117,3 tỉ đồng. Tuy nhiên, bước sang năm 2020, chỉ tiêu này của Tài Tâm Group giảm còn 1/3, xuống mức 30,9 tỉ đồng. Tới năm 2021, doanh thu thuần của tập đoàn này có sự hồi phục nhẹ, đạt mức 33,2 tỉ đồng.
Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên doanh thu thuần của Tài Tâm Group trong giai đoạn 2019 – 2021 cũng rất mỏng. Trong 3 năm gần nhất, tổng lợi nhuận sau thuế của tập đoàn này chưa tới 100 triệu đồng.
Tuy nhiên, các số liệu vừa nêu mới chỉ là báo cáo tài chính riêng lẻ của CTCP Tập đoàn Tài Tâm (Tài Tâm Group), chưa hợp nhất kết quả kinh doanh của các công ty thành viên.
Một nguồn dữ liệu khác cho thấy, quy mô tổng tài sản của Tài Tâm Group tại ngày 31/12/2018 đạt 7.224,2 tỉ đồng, cao gấp 4,2 lần so với thời điểm cuối năm 2017. Tới cuối năm 2019, chỉ tiêu này giảm về 7.206,9 tỉ đồng. Trong đó, tài sản ngắn hạn đạt 5.876,8 tỉ đồng, chiếm 81,54%.
Về kết quả kinh doanh, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của tập đoàn này trong năm 2019 lần lượt đạt 119,8 tỉ đồng và 5 tỉ đồng, tương ứng tỉ suất lợi nhuận trên doanh thu chỉ ở mức 4,1%.
Ngoài Tài Tâm Group, ông Đỗ Lê Quân còn đứng tên ở nhiều pháp nhân khác, trong đó có thể kể tới: CTCP Đầu tư năng lượng Tài Tâm Quảng Trị, CTCP Năng lượng Hoàng Hải Quảng Trị, CTCP Đầu tư năng lượng tái tạo Hà Nội, CTCP Đầu tư năng lượng Hưng Bắc./.