Nằm cách TP Nha Trang khoảng 10 km, di tích thành cổ Diên Khánh (thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa), được xây dựng và hoàn thành vào năm 1793, trên diện tích khoảng 36.000 m2 là một quần thể kiến trúc quân sự theo kiểu Vauban (Pháp). Thành được đắp bằng đất là chính, dài 2.693 m, xưa kia có sáu cổng ra vào nhưng nay chỉ còn bốn cổng, gồm cửa Đông, cửa Tây, cửa Hậu (cửa Bắc) và cửa Tiền.
Thành cổ Diên Khánh đến nay tròn 230 năm, được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1988.
Thành cổ Diên Khánh là một trong những di tích nổi tiếng tại Khánh Hòa được trùng tu nhiều lần, tuy nhiên hiện nơi này đang xuống cấp, thành địa điểm tổ chức ăn nhậu, xả rác, phóng uế bừa bãi.
Ghi nhận tại bốn cổng tình trạng chung là rác thải, mùi nước tiểu bốc lên nồng nặc.
Tại cửa Hậu (cửa Bắc) của thành cổ Diên Khánh, rác thải vứt bừa bãi, trên các bức tường chi chít chữ viết, vẽ bậy.
Còn ở cửa Tiền trở thành điểm phóng uế, tiểu tiện. “Lâu lắm rồi chúng tôi không dám lên trên thành để chơi vì quá ô nhiễm. Nhiều lần kiến nghị với chính quyền nhưng không thấy ai đến dọn dẹp, bảo vệ. Lâu lâu có trận mưa lớn mới bớt mùi thối, rác trôi bớt đi”, ông Nguyễn Công, người dân thị trấn Diên Khánh bày tỏ.
Ngoài vấn đề rác thải, ô nhiễm môi trường thì tình trạng chung ở bốn cổng thành cỏ dại, cây cối mọc um tùm không ai dọn dẹp. Trong ảnh, cửa Hậu bị cây cối, cỏ dại bao vây kín mít.
Lối vào cửa Hậu tối om, cây cối không ai dọn dẹp.
Xung quanh cửa Hậu bị người dân lấn chiếm, trồng chuối, rau màu.
Cỏ dại mọc um tùm ở cửa Đông.
Trên tường thành của cửa Đông trở thành nơi tập kết rác.
Cỏ dại mọc che kín lối đi ở thành cổ Diên Khánh.
Ở cửa Đông xuất hiện tình trạng sụt lún, tường thành có vết nứt kéo dài hàng chục mét.
Tình trạng nứt, xuống cấp cũng xuất hiện ở cửa Hậu.
Tại cửa Đông và cửa Tây nhiều vị trí còn bị đóng đinh vào tường để treo dây điện, đèn trang trí một cách không thương tiếc.
Cây cối, cỏ dại bao phủ di tích thành cổ Diên Khánh, nhìn từ trên cao. Theo Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa, di tích lịch sử quốc gia thành cổ Diên Khánh hiện được giao cho UBND thị trấn Diên Khánh (huyện Diên Khánh) quản lý.
Bà Nguyễn Thị Thu Ny, Phó chủ tịch UBND thị trấn Diên Khánh, thừa nhận có việc ở một số cửa di tích người nghiện hay vào tụ tập và tình trạng cỏ dại mọc um tùm. Bà Ny tỏ ra bất ngờ khi xem hình ảnh, clip ghi lại lại cảnh mất vệ sinh, rác thải ở các cổng của di tích. "Tôi sẽ yêu cầu đơn vị liên quan lập tức kiểm tra, dọn dẹp chứ không thể để di tích thành cổ bị ô nhiễm như vậy", bà Ny nói.
Thành cổ Diên Khánh - Di tích lịch sử cấp quốc gia
Thành cổ Diên Khánh được xây dựng và hoàn thành vào năm 1793, trên diện tích khoảng 36.000 m2 là một quần thể kiến trúc quân sự theo kiểu Vauban.
Thành cổ có hình lục giác nhưng các cạnh không đều nhau, tường thành đắp bằng đất cao khoảng 3,5 m. Bên ngoài tường thành là hào nước sâu từ 3-5 m, rộng từ 20-30 m, hợp cùng với những hàng tre gai trên tường thành tạo nên hàng rào phòng ngự bao quanh bảo vệ thành theo truyền thống người Việt. Theo sử liệu, thành cổ Diên Khánh có sáu cửa, nhưng hai cửa Tả và cửa Hữu đã bị lấp năm 1823.
Di tích thành cổ Diên Khánh xây dựng cách đây tròn 230 năm, được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1988