Sáng 20/10, ông Lê Trung Hiếu, Phó trưởng Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, 3h sáng nay đoàn xe vận chuyển đoàn tàu đầu tiên của tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội đã về đến Depot Nhổn an toàn.
“Sau gần 2 ngày kể từ khi cập cảng Nam Hải Đình Vũ (Hải Phòng), vượt qua quãng đường gần 190km, sáng 20/10, đoàn tàu đã cán đích tới Depot Nhổn, Hà Nội. Các toa tàu sẽ được cẩu lên ray về khu vực tập kết để tiến hành công tác lắp ráp và thử nghiệm”, ông Hiếu thông tin và cho biết, đối với 9 đoàn tàu còn lại của dự án, đang được sản xuất tại Pháp, dự kiến sẽ đưa về Hà Nội bắt đầu từ đầu năm 2021.
Các toa tàu được cẩu lên ray tại Depot bằng cẩu 120 và 180 tấn để lắp ráp, thử nghiệm.
Theo thiết kế, cấu hình mỗi đoàn tàu gồm 4 toa (2 toa động cơ có cabin cho lái tàu, 1 toa động cơ và 1 toa kéo), với 3 toa/4 toa sử dụng động cơ xoay chiều 3 pha, giá chuyển hướng lò xo không khí lắp đặt để tăng cao độ tin cậy khi vận hành.
Đoàn tàu có khả năng chuyên chở 944-1.124 người, với mật độ khoảng từ 6,6 - 8 người/m2 và khai thác với tốc độ thương mại 35km/h, tốc độ thiết kế 80km/h.
Đoàn tàu sử dụng sức kéo điện áp thấp một chiều 750VDC ray thứ ba với kết cấu gọn, đơn giản, chắc chắn, chi phí xây lắp và bảo dưỡng thấp, đảm bảo mỹ quan đô thị. Hệ thống phanh hãm được trang bị tính năng hãm tái sinh để giảm tiêu thụ năng lượng và giúp giảm chi phí bảo trì.
Đoàn tàu được chế tạo tại Pháp, bắt đầu rời cảng biển ở Pháp từ 2/9 và cập cảng biển Hải Phòng rạng sáng 18/10. Đêm 18/10 bắt đầu được chở bằng xe đầu kéo về Depot, quãng đường vận chuyển là 189km và chỉ chạy ban đêm. Trước khi về đến Depot, đoàn xe chở đoàn tàu dừng nghỉ tại Phủ Lý, Hà Nam.
Tuy nhiên, theo Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, dự kiến phải đến cuối năm 2021 mới có thể khai thác đoạn trên cao.
Trước đó, rạng sáng 18/10, tàu biển chở đoàn tàu đầu tiên của tuyến tàu điện Nhổn - ga Hà Nội từ Pháp về đã cập cảng biển Nam Hải Đình Vũ (Hải Phòng).
Sau đó, đoàn tàu được cẩu lên các xe chuyên dụng, di chuyển tổng chiều dài quãng đường là 189km từ cảng Nam Hải Đình Vũ - QL5 kéo dài - QL10, đường nối Thái Bình - Hà Nam, nút giao Liêm Tuyền - QL21 để ra QL1 cũ từ TP. Phủ Lý (Hà Nam). Sau đó đi theo QL1 cũ - đường Giải Phóng (Hà Nội) - đường Vành đai 3 - Lê Đức Thọ (sân vận động Mỹ Đình) - Hồ Tùng Mậu để về Depot. Ảnh MRB cung cấp.
Phi Long/VOV.VN