Ga ngầm Bến Thành là nhà ga trung tâm của hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM, là đầu mối kết nối giao thông giữa các tuyến metro số 1, số 2, số 3A, số 4.
Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) cho biết, dự kiến cuối tháng 8 này sẽ hoàn thiện cơ bản phần kiến trúc, cơ điện tại nhà ga Bến Thành. Phần mua sắm, lắp đặt thiết bị, đầu máy toa xe... của nhà thầu Hitachi sẽ tiếp tục triển khai, sớm hoàn thành.
Nhà ga này được chia thành ba khu vực chính: Khu vực công cộng, khu vực kỹ thuật và khu vực nhân viên nhà ga, phụ trợ. Hiện, tiến độ thi công dự án metro số 1 đã hoàn thành hơn 95%, trong đó ga ngầm Bến Thành đạt hơn 99,8%.
Một số hình ảnh nhà ga Bến Thành đang được hoàn thiện:
Ga ngầm Bến Thành được xây dựng trên khu đất rộng 45.000m² tại công trường Quách Thị Trang, phường Bến Thành (quận 1, TP.HCM), có chiều dài 236m, rộng 60m, gồm 4 tầng ngầm, sâu hơn 30m.
Theo thiết kế, ga ngầm Bến Thành có 6 lối tiếp cận (từ lối F1 đến lối F6). Cụ thể, lối F1 và F2 phục vụ khách đi từ Công viên 23/9 - Công trường Quách Thị Trang.
Lối F3 nằm trên đường Phan Chu Trinh, cạnh chợ Bến Thành. Lối F4 và F5 nối trực tiếp vào tầng hầm B1 của dự án khu tứ giác Bến Thành. Lối F6 tại giao lộ Lê Lai - Huỳnh Thúc Kháng - Hàm Nghi. Các lối lên xuống ga ngầm Bến Thành đóng vai trò là lối thoát hiểm khi có sự cố xảy ra.
Tầng hầm đầu thiết kế với màu trắng chủ đạo, có hệ thống 174 cột trụ bê tông ốp nhôm. Tầng này có diện tích khoảng 45.000m2, ngoài chức năng sảnh chờ, bán vé sẽ tích hợp trung tâm thương mại rộng 18.100m2, hành lang và quảng trường ngầm rộng 21.500m2.
Tại lối vào ga sẽ được lắp đặt hệ thống kiểm soát vé tự động. Hiện nay, tiến độ nhà ga Bến Thành đã đạt hơn 99,8%, trong đó phần kết cấu đã hoàn thiện 100%.
Bên cạnh khu vực soát vé là phòng bán vé và giám sát an ninh. Nhà ga ngầm được thiết kế bao gồm các khu vực và các phòng phục vụ vận hành nhà ga như sảnh chờ, sảnh thu phí, ke ga, lối lên xuống, văn phòng ga, phòng nghỉ của nhân viên…
Điểm nhấn của ga ngầm Bến Thành là phần Toplight - giếng trời lấy sáng cho ga metro Bến Thành được thiết kế với mái vòm, nhìn từ trên xuống có hình hoa sen, đan xen bởi kính và tấm nhôm tổ ong, cùng chiều cao 6m, đường kính 21,6m.
Anh Tuấn Trần (30 tuổi) đang hoàn thiện công đoạn cuối của hệ thống chiếu sáng. Anh cho biết, đã làm việc ở đây hơn một năm và rất vui khi là một phần của công trình lịch sử này.
Không gian sân ga ở tầng 1 và 2 được thiết kế thoáng rộng, liên kết với nhau. Theo thiết kế, tầng 1 và 2 được sử dụng cho tuyến số 1. Tầng 3 và 4 sẽ sử dụng cho các tuyến còn lại.
Các tầng của nhà ga được liên kết bằng thang cuốn, thang bộ và thang máy.
Hai bên sân ga là đường ray, nơi tàu metro dừng, đỗ để đón và trả khách cho hai hướng. Trên tường gắn các bảng chỉ dẫn hướng tàu di chuyển, những ô trống dùng để lắp bảng quảng cáo. Các cửa đón trả khách tự động sẽ được lắp đặt trong thời gian tới.
Phần cơ điện thuộc gói thầu CP3 vẫn khẩn trương thi công cho kịp tiến độ.
Ngoài ra, tại tầng 2 còn có văn phòng kiểm soát, phòng thiết bị phòng cháy chữa cháy - bơm cấp nước, phòng thiết bị hút và thông gió. (Trong ảnh, phòng kỹ thuật là nơi lắp đặt hệ thống thông gió, cấp lạnh, máy bơm… đảm bảo vận hành cho ga ngầm).
Hệ thống làm lạnh đã được lắp đặt. Hiện tại, các nhóm công nhân đang tiếp tục hoàn thiện các hạng mục còn lại về kiến trúc, nội thất, thiết bị…
Metro số 1 dài 19,7km, từ Bến Thành (quận 1, TP.HCM) đến depot Long Bình. Tổng vốn đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng (khoảng 2 tỷ USD). Công trình có 3 ga ngầm và 11 ga trên cao.
Cuối năm 2022, đoàn tàu đầu tiên trong số 17 đoàn tàu metro đã được vận hành thử nghiệm 18km qua 5 nhà ga trên cao với vận tốc 20km/h. Hệ thống kỹ thuật tàu sau đó cũng được đánh giá hoạt động ổn định.
Công trình hiện đạt gần 95% tổng khối lượng. Trước đó, Thủ tướng ban hành Quyết định 65, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án metro số 1, lùi thời gian hoàn thành tuyến này đến cuối quý IV/2023 với cam kết không phát sinh chi phí.
Chí Hùng