Video: Cận cảnh hòn Vọng Phu ở Thanh Hóa trước nguy cơ đổ sập
Hòn Vọng Phu là một cột đá cao khoảng 20 m trên đỉnh núi Nhồi, đây được xem là thắng cảnh nổi tiếng của tỉnh Thanh Hóa, thuộc Cụm di tích quốc gia về nghệ thuật và thắng cảnh núi An Hoạch (núi Nhồi), phường An Hưng, TP Thanh Hóa (Thanh Hóa). Hòn Vọng Phu bị sét đánh, gây sạt lở vào tháng 6-2023.
Tuy nhiên, suốt gần 4 tháng qua chính quyền địa phương thành phố Thanh Hóa vẫn chưa có những giải pháp cụ thể trong việc bảo vệ hòn Vọng Phu.
Theo ghi nhận của PLO, sau khi sét đánh trúng nhiều mảng đá bị bong tróc, rạn nứt nghiêm trọng.
Sạt lở đá ở phần thân khiến cho phần ngọn của hòn Vọng Phu có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào.
Nhìn ngang từ góc ảnh này cho thấy hòn Vọng Phu chia làm ba phần rõ rệt khi xuất hiện các mặt cắt bằng phẳng.
Trong khi một phần của hòn Vọng Phu đã không còn dấu tích của đá cũ rêu xanh.
Toàn bộ phần đá của hòn Vọng Phu bị sạt lở, rơi xuống với khối lượng lớn.
Ông Lê Văn Trường (65 tuổi) người trông coi khu di tích hòn Vọng Phu bày tỏ sự đau đớn, tiếc nuối khi thấy hòn bị sạt lở liên tiếp trong hai năm qua, mỗi lần sét đánh trúng.
"Nhìn từ dưới chân hòn Vọng Phu ngược lên, nhiều người thấy được sự chông chênh, bất an lo sợ hòn Vọng Phu sụp đổ", ông Lê Văn Trường chia sẻ.
Trước thực trạng hòn Vọng Phu nguy cấp, ngày 1-10, Sở VHTT&DL Thanh Hóa đã tổ chức hội thảo khoa học đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp bảo tồn di tích thắng cảnh hòn Vọng Phu.
Hội thảo có 12 tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học chỉ đều khẳng định tính cấp thiết trong việc bảo tồn, bảo vệ di tích quốc gia hòn Vọng Phu.
Hòn Vọng Phu được các chuyên gia địa chất đánh giá đang có độ nghiêng theo phương thẳng đứng từ 10 - 15 độ.
Tại hội thảo, ông Trần Đình Thành Phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ VHTT&DL nêu các giải pháp trước mắt là lập biển cảnh báo khu vực nguy hiểm, khu vực có nguy cơ sạt lở.
Cũng theo ông Thành, chính quyền cần sử dụng các giải pháp như lưới thép, hàng rào để đảm bảo an toàn và thẩm mỹ, hạn chế tác động của hiện tượng đá lăn, đá đổ rơi xuống nhà dân.
Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa lập phương án chống sét để tránh việc sét tiếp tục đánh vào hòn Vọng Phu gây sạt lở thêm, ông Thành nêu giải pháp.
Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa ông Trần Đình Thành nhấn mạnh, hòn Vọng Phu hiện trong tình trạng nguy cấp nên cần bảo tồn ngay bằng dự án cấp bách, tổng thể nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di tích, di sản, tài nguyên nhân văn tiềm tàng ở thành phố Thanh Hóa. Trong ảnh, từ hòn Vọng Phu nhìn về phía thành phố Thanh Hóa.
Hòn Vọng Phu cách thành phố Thanh Hóa 3km về phía Tây Nam, hình tượng này gắn với truyền thuyết người đàn bà chung thủy chờ chồng đến hóa đá.
Chóp hòn Vọng Phu là một khối đá hoa cương khổng lồ, đứng thẳng lên trời, bên cạnh lại có một khối đá khác nhỏ.
Ngọn núi đá vôi được thiên nhiên tạo nên giống hình tượng một người phụ nữ đang quay mặt về phía biển Đông.
Nhìn từ xa, nhiều người hình tượng ra một người mẹ hóa đá đang bồng đứa con, phóng tầm mắt về biển khơi xa mong chờ người chồng trong vô vọng.
Vì những lẽ đó, danh thắng hòn Vọng Phu không chỉ mang giá trị về mặt lịch sử còn là cảnh quan kỳ vĩ giữa lòng xứ Thanh. Năm1992, hòn Vọng Phu thuộc Cụm di tích nghệ thuật và thắng cảnh núi Anh Hoạch (núi Nhồi) ở phường An Hưng, TP Thanh Hóa, được Bộ VHTT&DL xếp hạng di tích quốc gia.