Cận cảnh hợp long cầu Châu Đốc bắc qua sông Hậu
Cầu Châu Đốc dài gần 700m, tổng mức đầu tư hơn 500 tỉ đồng, bắc qua sông Hậu được hợp long chiều 8.12, vượt tiến độ 9 tháng so với kế hoạch.
Cầu có 13 nhịp, trong đó bốn nhịp chính dài 260 m, khoang thông thuyền rộng 75m, cao 11m. Mặt cầu thiết kế 4 làn xe, rộng 14m, vận tốc 60 km/h.
Đây là cầu thứ ba bắc qua sông Hậu sau cầu Cần Thơ, Vàm Cống. Sau khi hợp long, đơn vị thi công tiếp tục thi công phần đường dẫn, dự kiến công trình hoàn thành cuối năm 2024.
Cầu Châu Đốc là một phần của dự án tuyến liên kết vùng với tổng kinh phí 2.100 tỉ đồng, nối Kiên Giang - Đồng Tháp, trong đó phần đường dài hơn 20 km. Mặt bằng thi công đường hiện còn một số hộ chưa di dời.
Dự án khi hoàn thành sẽ hoàn chỉnh hệ thống giao thông liên vùng, rút ngắn thời gian từ các tỉnh miền Tây đến TP.HCM, thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch vùng biên giới.
Một công nhân tham dự lễ hợp long cầu Châu Đốc chia sẻ: “Anh em công nhân trên công trường nói riêng, người dân ở hai bên bờ Châu Đốc và Tân Châu và những vùng giáp ranh đều rất vui và mong muốn cầu Châu Đốc hoàn thành càng sớm càng tốt”.
Ông Nguyễn Văn Du, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh An Giang cho biết dự án vượt tiến độ so kế hoạch ban đầu.
“Theo tiến độ hợp đồng thi công dự án xây dựng tuyến đường liên kết vùng đoạn từ TX.Tân Châu đến TP.Châu Đốc, kết nối tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp, công trình sẽ được hoàn thành đưa vào sử dụng cuối tháng 12.2024.
Dự án sẽ góp phần thông tuyến quốc lộ N1 kết nối theo trục ngang của các tỉnh Tây Nam Bộ nằm trên trục hành lang biên giới (Long An - Đồng Tháp - An Giang - Kiên Giang) và hoàn thiện hệ thống giao thông liên vùng. Đến thời điểm này dự án đã đạt tiến độ 87%, vượt gần 30% so với kế hoạch đề ra. Đây là nỗ lực rất lớn của các nhà thầu thi công” ông Du khẳng định.
Ông Du cho biết thêm, cầu Châu Đốc là công trình vượt sông Hậu có tính chất kỹ thuật rất phức tạp. Tuy nhiên, với đội ngũ kỹ thuật từng có kinh nghiệm chuyên thực hiện các dự án lớn của cả nước. Chính vì thế, họ đã quy tụ những tinh túy, sáng tạo để thực hiện xây dựng cây cầu.
“Cầu Châu Đốc khi hoàn thành được xem là một dấu ấn của tỉnh An Giang do cầu được xây dựng với kỹ thuật cao. Việc cầu Châu Đốc có thể hoàn thành sớm hơn so với kế hoạch cũng là dấu mốc quan trọng tạo sự kết nối giao thông liên hoàn, hoàn chỉnh”, ông Du nhận định.
Tỉnh An Giang là một trong 4 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL gồm: An Giang, Kiên Giang, Cà Mau và Cần Thơ. Hệ thống giao thông kết nối khu vực, ngoài quốc lộ 1 là tuyến trục chính kết nối các tỉnh ĐBSCL, còn một số tuyến quan trọng như quốc lộ 62 nối từ quốc lộ 1 (Tân An) đến Mộc Hóa; tuyến quốc lộ 30 nối từ quốc lộ 1 qua Cao Lãnh, đến Hồng Ngự, Tân Hồng; quốc lộ 91 nối quốc lộ 1 đi Long Xuyên, Châu Đốc, tạo thành các tuyến đường ngang chính.
Cả khu vực biên giới giáp với Campuchia chưa hình thành các trục giao thông dọc. Do đó, nếu tuyến N1 (trong đó có đoạn tuyến từ TX.Tân Châu đến TP.Châu Đốc, tỉnh An Giang) hoàn chỉnh sau khi có cầu Châu Đốc, không những góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông theo quy hoạch mà còn kết nối các tỉnh ĐBSCL, làm cơ sở thúc đẩy sự phát triển kinh tế các huyện, xã vùng biên giới...
Về du lịch, cầu Châu Đốc góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch bởi nơi đây có nhiều điểm du lịch nổi tiếng như tràm Chim, dinh Bà, đền Bà Chúa xứ núi Sam, núi Cấm...
Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/can-canh-hop-long-cau-chau-doc-bac-qua-song-hau-210729.html