Cận cảnh khắc phục sạt lở tuyến La Sơn - Túy Loan qua Đà Nẵng
Đơn vị quản lý bảo trì huy động phương tiện, nhân lực, vật tư hót dọn bùn đất, khắc phục sạt lở, đảm bảo giao thông qua tuyến La Sơn - Túy Loan.
Ngày 13/11, điểm sạt lở tại Km46+300 tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan tiếp tục phát sinh sạt lở với khối lượng bùn đất lớn. Bùn đất từ mái taluy dương sụt trượt xô đẩy tường chắn vùi lấp hơn 1/2 mặt đường, kéo dài gần 100 m.
Ngay sau khi nhận được thông tin sạt lở phát sinh trên tuyến, Văn phòng QLĐB III.1, Khu QLĐB III (Cục Đường bộ Việt Nam) đã chỉ đạo đơn vị quản lý bảo trì bố trí công nhân, điều động máy móc để xúc dọn đất đá, thông tuyến.
Theo ông Nguyễn Danh Tiến, Trưởng Văn phòng QLĐB III.1, tại vị trí Km46+300 trên tuyến là điểm sạt lở nghiêm trọng nhất. Khối lượng lớn đất đá trên núi bị sạt xuống, tràn ra mặt đường khiến các phương tiện lưu thông gặp khó khăn.
Để đảm bảo giao thông, Công ty cổ phần xây dựng đường bộ Phú Yên (đơn vị quản lý bảo trì), huy động phương tiện, nhân lực bố trí 2 mũi thi công khắc phục sạt lở, hót dọn, thanh thải bùn đất.
Chiều tối 13/11, có mặt tại hiện trường, phóng viên Tạp chí GTVT ghi nhận, công tác khắc phục điểm sạt lở được thực hiện khẩn trương. Trong quá trình hót dọn bùn đất, mưa to diễn ra, tuy nhiên công tác khắc phục vẫn được duy trì. Xe máy hoạt động hết công suất, xe ben nối đuôi nhau vào vị trí tiếp nhận bùn đất vận chuyển đến điểm thanh thải.
Phía 2 đầu điểm khắc phục sạt lở, đơn vị quản lý bảo trì bố trí lực lượng cảnh giới, phân luồng, hướng dẫn, đảm bảo giao thông. Nhờ công tác phân luồng, cảnh giới giao thông nhịp nhàng, khoa học nên phương tiện lưu thông trên tuyến qua vị trí khắc phục sạt lở đảm bảo an toàn, trật tự, thông suốt, tuyệt nhiên không có cảnh ùn tắc giao thông trên tuyến.
Trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục sạt lở, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Giám đốc Khu QLĐB III (Cục Đường bộ Việt Nam) yêu cầu đơn vị quản lý bảo trì tăng cường thêm các biện pháp đảm bảo an toàn trong quá trình thi công khắc phục sạt lở, đảm bảo sức khỏe cho công nhân làm việc trong điều kiện mưa to, ẩm ướt. Bố trí thêm các biển cảnh báo đường trơn trượt qua khu vực sạt lở, đèn tín hiệu cảnh báo vào ban đêm.
"Trước tình huống mưa to kéo dài, nguy cơ sạt lở tiếp tục phát sinh, cần khảo sát thêm các điểm thanh thải bùn đất, phục vụ công tác khắc phục sạt lở. Đặc biệt, trong quá trình thi công khắc phục sạt lở, đảm bảo giao thông, đơn vị thi công phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho cho lực lượng công nhân làm nhiệm vụ trong thời tiết mưa to, bất lợi và sẵn sàng ứng phó với các tình huống giao thông, đảm bảo giao thông trên tuyến thông suốt, an toàn", ông Bình nói.