Chậm giải ngân 200 tỉ đồng hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai
Tỉnh Nghệ An được Thủ tướng Chính phủ phân bổ 200 tỉ đồng hỗ trợ khẩn cấp khắc phục hậu quả thiên tai năm 2023 nhưng đến nay chưa thể giải ngân nguồn vốn đã bố trí.
UBND tỉnh Nghệ An cho biết, để giải ngân 200 tỉ đồng nguồn dự phòng ngân sách Trung ương khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, HĐND tỉnh phải điều chỉnh một số nội dung trong Nghị quyết đã ban hành.
Cuối tháng 12/2023, Thủ tướng Chính phủ phân bổ cho tỉnh Nghệ An 200 tỉ đồng hỗ trợ khẩn cấp khắc phục hậu quả thiên tai năm 2023.
Tại quyết định, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương tổ chức thực hiện và giải ngân vốn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023 được bổ sung nêu trên chậm nhất đến ngày 31/12/2024 theo đúng quy định pháp luật.
Sau khi có chủ trương của Chính phủ, vào ngày 7/6/2024, HĐND tỉnh Nghệ An chính thức thông qua Nghị quyết số 29 "Phân bổ dự toán ngân sách Trung ương hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở" số tiền nói trên cho các đơn vị, địa phương thực hiện 85 công trình nhằm khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở.
Phụ lục phân bổ dự toán ngân sách điều chỉnh cho thấy tổng số tiền 82,4 tỉ đồng đã được phân bổ cho các huyện. Cụ thể, huyện Anh Sơn được phân bổ 4,7 tỉ đồng cho 3 dự án; huyện Quỳ Châu được phân bổ 5,8 tỉ đồng cho 2 dự án; huyện Thanh Chương với 5,4 tỉ đồng cho 2 dự án. Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Nghệ An được cấp 100 tỉ đồng để thực hiện 17 dự án. Số tiền còn lại được phân bổ cho các công ty thủy lợi, nhằm phục vụ việc sửa chữa và khắc phục tình trạng sạt lở các kênh tiêu, thoát lũ bị ảnh hưởng bởi bão. Tuy nhiên, đến nay, số tiền này vẫn chưa được giải ngân, gây ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.
Trước thực trạng có tiền nhưng không thể sử dụng, cuối tháng 9 vừa qua, ông Nguyễn Văn Đệ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, tỉnh giao các địa phương, đơn vị tập trung triển khai thực hiện, kịp thời báo cáo các vướng mắc về UBND tỉnh để được xử lý, đảm bảo hoàn thành các dự án đúng tiến độ và giải ngân hết số kinh phí được bố trí trước ngày 30/12/2024.
Đồng thời, ông Đệ khẳng đinh, việc triển khai thực hiện vẫn còn lúng túng. Trách nhiệm trước tiên thuộc về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, là cơ quan được giao chủ trì thực hiện.
Theo UBND tỉnh Nghệ An, việc tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 1793/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có một số khó khăn, vướng mắc, chồng chéo giữa các quy định của pháp luật nên chưa thể giải ngân.
Để kịp thời giải ngân nguồn vốn đã bố trí, tại kỳ họp thứ 23 vào nửa cuối tháng 10/2024 vừa qua, UBND tỉnh Nghệ An đã trình HĐND tỉnh dự thảo Nghị quyết về việc điều chỉnh một số nội dung tại NQ29.
Theo UBND tỉnh, việc điều chỉnh là cần thiết để làm rõ các chủ thể (các địa phương, đơn vị) được thụ hưởng, từ đó tạo cơ sở để nhập dữ liệu vào hệ thống TABMIS và thực hiện giải ngân cho các dự án. Đồng thời, việc điều chỉnh này cũng nhằm đảm bảo tính phù hợp với nội dung và phạm vi của Nghị quyết, cũng như tình hình thực tế triển khai các dự án.
Trên cơ sở Tờ trình của UBND tỉnh và Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh đã thông qua dự thảo Nghị quyết. Trong đó, quyết định điều chỉnh Phụ lục kèm theo Nghị quyết số 29, với những thay đổi như sau: Bỏ các cột "Hiện trạng hư hỏng", "Giải pháp", và "Cơ quan tổ chức lập Báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng". Đồng thời, sắp xếp lại các hạng mục công trình thuộc các địa phương, đơn vị được hỗ trợ và đính chính tên của hai hạng mục.
Năm 2023, thiên tai đã tác động lớn đến dân sinh, kinh tế - xã hội, ảnh hưởng lớn đến người dân, sản xuất nông, lâm nghiệp, cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Thiên tai đã làm 3 người chết, 5 người bị thương; 39 nhà bị sập, thiệt hại trên 70%; 793 nhà tốc mái, hư hỏng; 15 nhà phải di dời khẩn cấp. Ước tính thiệt hại về kinh tế do thiên tai gây ra cho tỉnh Nghệ An khoảng 667 tỉ đồng.