Ngày 17/11, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước) và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (UBND tỉnh Thừa Thiên Huế) phối hợp khai mạc không gian trưng bày “Châu bản triều Nguyễn - Ký ức một triều đại”.
Đây là hoạt động thiết thực hướng tới ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11).
Triều Nguyễn, triều đại quân chủ cuối cùng trong lịch sử Việt Nam đã để lại cho hậu thế nhiều di sản quý giá, trong đó có Châu bản. Đây là tài liệu hành chính gốc duy nhất ở Việt Nam và thuộc số ít trên thế giới còn lưu được bút tích phê duyệt trực tiếp của các hoàng đế trên văn bản.
Châu bản triều Nguyễn gồm các tập tấu, sớ, phụng thượng dụ, chiếu, chỉ dụ, tư trình, bẩm, truyền, sai, phó, khiển... được đích thân vua ngự lãm hoặc ngự phê bằng mực màu son, truyền đạt ý chỉ hoặc giải quyết các vấn đề trong quản trị đất nước. Hệ thống văn bản này được giao cho Nội các triều Nguyễn tập hợp và quản lý thống nhất thành một khối văn thư của triều đình.
Những sự kiện được ghi chép trong Châu bản mang tính xác thực cao bởi đó là những thông tin phục vụ cho công tác quản lý xã hội và được tiếp nhận, xử lý bởi chính các vua triều Nguyễn.
Châu bản cũng là nguồn sử liệu quan trọng để biên soạn các bộ sử và các sách điển lệ chính thống như: Đại Nam thực lục chính biên, Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam liệt truyện, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (chính biên, tục biên), Quốc triều chính biên toát yếu, Tự Đức chiếu dụ, Hà đê bộ văn tập, Hà đê tấu tư tập…
Hiện nay, Châu bản triều Nguyễn đang được lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ.
Trải qua 143 năm tồn tại (1802 - 1945), triều Nguyễn đã lưu dấu ấn trong lịch sử về thống nhất giang sơn, xác lập chủ quyền, quan hệ bang giao, kiến thiết kinh đô, văn hóa giáo dục, đời sống xã hội, thiết chế hành chính, chế định luật pháp, khoa cử thư tịch…, tất cả đều được phản ánh rõ nét qua Châu bản triều Nguyễn.
Từ những nội dung trên, trưng bày giới thiệu đến công chúng hàng trăm trang tài liệu đặc sắc được lựa chọn từ khối Châu bản triều Nguyễn – Di sản tư liệu thế giới và nhiều hiện vật tiêu biểu. Trong đó, nhiều văn bản quan trọng lần đầu tiên được công bố.
Châu bản năm Minh Mạng 19 (1838) cho biết từ đây quốc hiệu nước ta là Đại Nam.
Châu bản triều Nguyễn cho thấy nỗi niềm trăn trở của vua Tự Đức đối với các tướng sĩ nơi chiến trường, văn bản năm Tự Đức 12 (1859).
Đại Nam nhất thống toàn đồ vẽ năm 1838, đời Minh Mạng
Châu bản năm Thiệu Trị thứ 7 (1847) Bộ Công phụng mệnh cho tạm hoãn thăm dò Hoàng Sa theo định kỳ do gió mùa đang thổi mạnh.
Châu bản về việc Bố Chánh sứ Quảng Ngãi xin miễn thuế cho các thuyền của hai tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi phái đi khảo sát, đo vẽ tại Hoàng Sa đã trở về năm Minh Mạng 19 (1838).
Kim sách bằng vàng năm Gia Long năm thứ 18 (1819) ghi chép việc lên ngôi Hoàng đế của vua Minh Mạng.
Ấn mệnh đức chi bảo, bằng vàng, niên hiệu Gia Long (1802 - 1819), được dùng đóng trên các văn bản ban thưởng cho quan viên có công lao hoặc thành tích đặc biệt.
Bài thơ khắc tại gian chính giữa của Điện Thái Hòa, như một tuyên ngôn độc lập của triều Nguyễn.
Ngự chế thi (tập thơ ngự chế của vua Tự Đức).
Bộ tranh của họa sĩ Nguyễn Văn Nhân, Biên tu Hàn Lâm viện dưới thời vua Thành Thái về năm 1895.
Một trong những điểm đáng chú ý của trưng bày lần này là không gian thiết kế ấn tượng kết hợp công nghệ trình chiếu, nghệ thuật sắp đặt, làm tôn lên giá trị của tài liệu, hiện vật trưng bày, hứa hẹn đem đến cho người xem những trải nghiệm sống động.
Khách tham quan có thể trực tiếp tương tác để tìm hiểu, khám phá thêm nhiều thông tin lịch sử bổ ích, thú vị từ Châu bản.
Khu vực trưng bày đặc biệt thích hợp với học sinh, sinh viên, đem đến cho các bạn trẻ những bài học lịch sử bổ ích nhìn từ Châu bản, từ đó, có thể bổ trợ và làm phong phú thêm kiến thức về lịch sử, văn hóa trong nhà trường.
Năm 2014, Châu bản triều Nguyễn được UNESCO vinh danh là Di sản tư liệu khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Châu bản triều Nguyễn được UNESCO vinh danh là Di sản tư liệu thế giới vào năm 2017.
Lê Mạnh Quốc