Cận cảnh những 'ông 30' tại trung tâm nuôi hổ lớn nhất cả nước
Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội đang nuôi 36 con hổ và nhiều cá thể động vật quý hiếm, vốn là tang vật của các vụ buôn bán và nuôi nhốt động vật hoang dã trái phép.
Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội (xã Tiên Dược, H.Sóc Sơn, Hà Nội) là đơn vị trực thuộc Sở NN-PTNT Hà Nội. Được thành lập cách đây 25 năm, hiện tại nơi đây đang là ngôi nhà chung của hơn 71 loài động vật.
Toàn bộ trung tâm có 609 cá thể động vật các loại, trong đó có 36 con hổ được nuôi nhốt.
Ông Lương Xuân Hồng, Giám đốc Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội cho biết: “Có 36 cá thể hổ được nuôi nhốt ở đây, một phần là tang vật của các vụ buôn bán và nuôi nhốt động vật hoang dã trái phép, một phần là do hổ tự sinh sản trong quá trình nuôi nhốt. Mặc dù ở trung tâm có rất nhiều loài động vật quý hiếm khác được nuôi, nhưng đối với cá thể hổ chúng tôi vẫn dành nhiều diện tích nhất để chăm sóc.”
Mỗi cá thế hổ khi được đưa về đây đều được đặt tên để tiện chăm sóc. Chuồng nuôi nhốt hổ xây dựng từ 15 năm trước, được chia thành nhiều khoang, có phần được lợp mái hai tầng và không gian chơi. Bên ngoài chuồng gắn đồng hồ nhiệt kế đo nhiệt độ, để khi nóng sẽ hạ nhiệt bằng bật phun sương, tắm; khi lạnh phủ mái che nylon chắn mưa, gió.
Các nhân viên ở đây sẽ vào thực hiện dọn vệ sinh chuồng trại hằng ngày. Trước khi vào vệ sinh chuồng hổ, phải khử trùng giày ủng, đóng mở cửa đảm bảo an toàn
Các nhân viên chăm sóc thú dữ đang vệ sinh sạch sẽ chuồng hổ, nơi những cá thể hổ được nuôi nhốt sẽ được thả ra vào ban ngày để chạy nhảy. Việc làm này đảm bảo chuồng sạch sẽ, tránh vi khuẩn gây bệnh.
Trước khi thả hổ ra chuồng chơi, các nhân viên ở đây sẽ đưa các bao rơm, cành cây vào chuồng để hổ có "đồ chơi", giảm sự căng thẳng.
Những vật dụng này khiến hổ rất kích thích.
Những con hổ sau khi đưa về trung tâm sẽ được khám sàng lọc, theo dõi tập quán, hành động, sau đó ghép chung với những con cùng giới tính, cùng độ tuổi và sở thích. Nhiều hổ hung dữ sẽ được nhốt riêng.
Theo ông Hồng, trung bình một con hổ mỗi bữa ăn hết 5 -6 kg cân thịt, xương. Mỗi 1 tuần, độ khoảng 6 ngày sẽ cho hổ nhịn ăn 1 ngày. Việc làm này nhằm mục đích cho hổ theo tập tính tự nhiên, có ngày sẽ săn được mồi ăn và có ngày sẽ không săn được mồi và bị đói.
Hầu hết mỗi con hổ sau khi đưa về trung tâm đều được đặt tên để đánh dấu và theo dõi bệnh tật. Được biết, hổ ở đây hầu hết là hổ Đông Dương, hổ cái nặng tầm hơn 1 tạ, còn hổ đực có thể lên đến 3 tạ.
Chị Trịnh Thị Thu Hằng- bác sỹ thú y tại Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội cho biết: “Loài hổ là loài đặc biệt, hằng ngày tôi sẽ phải đi kiểm tra đánh giá tình trạng sức khỏe của động vật. Từng cá thể hổ tôi phải quan sát kỹ càng, mỗi 1 con có 1 tính cách riêng một sở thích riêng nên phải nắm rõ để thuận tiện trong việc chăm sóc.”
Chị Trịnh Thị Thu Hằng- bác sỹ thú y tại Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội đang đi đánh giá, ghi chép lại các dấu hiệu của hổ mỗi ngày.
Mỗi cá thể hổ đều có tập tính, thói quen hay sở thích khác nhau. Trên ảnh là một cá thể hổ được thả ra hằng ngày chỉ ôm lấy thùng bia cũ cho đến hết giờ gọi vào mới vào.