Ngôi nhà của Bá Kiến, nhân vật có thật được cố nhà văn Nam Cao miêu tả trong tác phẩm “Chí Phèo” tọa lạc trên một khu đất rộng chừng 900m2 tại làng Đại Hoàng (xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) nay gọi là làng Vũ Đại.
Cổng vào ngôi nhà Bá Kiến. Hiện ngôi nhà là địa điểm tham quan du lịch nổi tiếng.
Dù đã nhuộm màu thời gian nhưng ngôi nhà vẫn giữ được nét cổ kính của giai đoạn 1940 – 1945. Trải qua “thăng trầm” của chiến tranh cũng như những câu chuyện “ba chìm bảy nổi” của 7 đời chủ nhà. Chính vì vậy, đến nay ngôi nhà được coi như “báu vật” của làng Vũ Đại.
Nhà của Bá Kiến là ngôi nhà kiểu thôn quê Bắc Bộ những năm đầu thế kỷ 20.
Nhà có mặt nhìn về hướng Đông Nam, theo đúng phong thủy của người Việt xưa.
Vào đầu năm 1910, chủ nhân ngôi nhà là cụ Trần Duy Hạnh (một lái buôn giàu có), ngôi nhà được hơn 20 thợ tài hoa làm nghề mộc ở phủ Lý Nhân về làm ròng rã gần 1 năm mới xong.
Đây cũng là ngôi nhà gỗ đặc biệt công phu mà khắp cả phủ Lý Nhân và các tỉnh lân cận thời này đều chưa có.
Tất cả gỗ của ngôi nhà này đều bằng lim. Trên các văng, kèo, li tô được chạm khắc nhiều chữ nho, hình rồng...
Nhà có 3 gian theo truyền thống người Việt Nam, có 4 hàng cột với tổng cộng 16 cây cột lim, chân cột được kê đá tảng là một loại đá xanh được đẽo gọt công phu.
Ngôi nhà đã hơn 100 năm tuổi với mái ngói rêu phong.
Gạch dùng xây tường và lát nền nhà thì được nung bằng rơm nên dù qua thời gian dài nhưng vẫn rất bền.
Sau khi trải qua 7 đời chủ, đến tháng 11/2007, ngành Văn hóa - Thông tin Hà Nam đã mua lại ngôi nhà này với giá 700 triệu đồng từ vợ ông Trần Hữu Hòa và giao cho Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lý Nhân quản lý.
Hiện nay ngôi nhà đang được giao cho UBND xã Hòa Hậu phụ trách trông coi, đón tiếp du khách về tìm hiểu, tham quan góp phần cho việc nghiên cứu sự nghiệp nhà văn Nam Cao.
Ngoài ra, ngôi nhà này hiện nay đã được lắp đặt camera an ninh.
Ở đây cũng được sắp xếp hàng ghế đá khi du khách đến tham quan có thể ngồi nghỉ ngơi.
Xem thêm video: Cận cảnh ngôi nhà Bá Kiến hơn 100 năm tuổi ở “làng Vũ Đại”. Nguồn: Vietnamplus.
Gia Đạt