Khu di tích Nhà đày tọa lạc tại số 18 đường Tán Thuật (phường Tự An, TP Buôn Ma Thuột) từng là nơi từng giam giữ các nhà hoạt động cách mạng như: Hồ Tùng Mậu, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu, Võ Chí Công…
Nhà đày Buôn Ma Thuột được thực dân Pháp xây dựng vào năm 1930 để đày biệt xứ và giam giữ những nhà yêu nước, những đảng viên cộng sản bị bắt, xử án nặng ở các tỉnh Trung Kỳ và những người đi đầu trong các cuộc đấu tranh phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Từ năm 1954 - 1975, Nhà đày Buôn Ma Thuột được đế quốc Mỹ sử dụng để biệt giam, đày ải, tra tấn tàn bạo các chiến sĩ yêu nước.
Nhà đày tọa lạc trên một ngọn đồi rộng gần 2ha, có tường cao dày bao bọc xung quanh. Nhà đày được chia ra 6 lao, mỗi lao giam giữ những tù nhân có mức độ nặng nhẹ khác nhau.
Dãy xà lim có 21 phòng, mỗi phòng rộng 2,5m2 bao gồm một sạp nằm, thanh cùm chân và 2 ống tre được đặt ở cuối sạp. Đây là nơi giam giữ những tù nhân mà thực dân Pháp cho là nguy hiểm nhất.
Bên ngoài khu vực xà lim là khoảng sân mà thực dân Pháp dùng để phơi nắng các tù nhân. Mỗi tù nhân bị cùm chân bằng những cục tạ to và nặng, bị bắt ngồi nhiều giờ dưới thời tiết nắng nóng gay gắt.
Ở nhà đày Buôn Ma Thuột, ngoài việc bị giam giữ trong không gian chật hẹp, mất vệ sinh, ăn uống thiếu thốn thì các tù nhân thường xuyên bị đánh đập, tra tấn tàn nhẫn. Nhiều tù nhân đã tử vong dưới đòn roi của thực dân Pháp.
Ngoài thời gian bị giam giữ, các tù nhân bị ép làm việc khổ cực trong các đồn điền, nhà xưởng.
Nhà đày Buôn Ma Thuột thường xuyên mở cửa đón công chúng đến tham quan và tìm hiểu lịch sử, về sự gan dạ của những chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày. Anh Hùng (40 tuổi) chia sẻ: "Tôi tình cờ biết đến Nhà đày từ một người bạn trong chuyến tri ân tại Đắk Lắk, tôi thực sự biết ơn và tự hào về những gì ông cha ta đã làm cho đất nước".
Tại Nhà đày, những phương tiện thông tin liên lạc giữa các tù nhân như: Đôi dép gỗ có khe giấu thư mật, hòn đá, đôi đũa khoét lõi nhét tài liệu… còn được lưu giữ và trưng bày.
Dưới sự áp bức tàn bạo của thực dân - đế quốc thì ý chí chiến đấu và lòng yêu nước của những người chiến sĩ cộng sản ngày càng tăng lên. Họ đã biến nhà tù thành "trường học cách mạng", nơi truyền bá cho các tù nhân khác những tư tưởng nâng cao, tinh thần yêu nước cùng quyết tâm tìm ra con đường giải phóng dân tộc. Nhiều chiến sĩ cộng sản đã trưởng thành từ "Trường học cách mạng" này.
Tháng 7/1980, Nhà đày Buôn Ma Thuột được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) đặc cách xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa quốc gia. Tháng 12/2018, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt xếp hạng Nhà đày Buôn Ma Thuột là Di tích quốc gia đặc biệt.
Theo Nam Anh/Dân trí