Ngày 21/7, TS.BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, kiêm Giám đốc Bệnh viện Hồi sức COVID-19 cho biết, bệnh viện đang tích cực liên hệ chuyển 106 bệnh nhân nặng đã hồi phục và chuyển nhẹ về các bệnh viện cấp 1, cấp 2 trong điều trị COVID-19 để nhường chỗ cho các bệnh nhân nặng khác điều trị.
Theo bác sĩ Nguyễn Tri Thức, chỉ sau ít ngày hoạt động với tần suất công việc rất cao, đến ngày 20/7, có 106 bệnh nhân đã chuyển sang nhẹ. Trong đó, 67 bệnh nhân không cần thở ô xy, 39 bệnh nhân còn thở ô xy qua mũi.
Bệnh viện Hồi sức COVID-19 đi vào hoạt động từ ngày 15/7, đến ngày 20/7 đã tiếp nhận 249 bệnh nhân nặng và nguy kịch ở cấp độ 3, độ 4 về điều trị.
"Đây là thành quả ban đầu ghi nhận sự nỗ lực không mệt mỏi của cả tập thể các nhân viên của bệnh viện trong thời gian rất ngắn vừa qua", bác sĩ Nguyễn Tri Thức chia sẻ.
Dự kiến, trong tuần này, bệnh viện hoàn thành giai đoạn 1 với khả năng tiếp nhận 460 bệnh nhân; tuần kế tiếp sẽ nâng công suất tiếp nhận lên mức 700 giường bệnh và tiếp tục có kế hoạch nâng cao khả năng tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân trong thời gian tới.
Để đáp ứng nhu cầu về nhân lực, Bệnh viện đã làm việc với Sở Y tế TPHCM để bổ sung đội ngũ nhân viên y tế cho Bệnh viện trong thời gian tới.
Về nhân lực, hiện tại, bệnh viện có tổng số 651 nhân viên đến từ Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện 71 Trung ương, Bệnh viện 74 Trung ương, Sở Y tế Phú Thọ, Hải Phòng.
Trước tình trạng số lượng bệnh nhân nặng tăng cao, Ban lãnh đạo Bệnh viện Hồi sức COVID-19 đã quyết định thay đổi chiến lược, điều bác sĩ Chợ Rẫy đến các bệnh viện COVID-19 cấp 2 của TPHCM cắm chốt để phát hiện sớm các bệnh nhân có diễn tiến nặng nhằm xử lý kịp thời, tránh tình trạng diễn tiến nặng, phải thở máy mới chuyển về Bệnh viện Hồi sức COVID-19.
Bên cạnh đó, Bệnh viện cũng đã thiết lập hệ thống hội chẩn từ xa đến tất cả các bệnh viện tuyến quận, huyện và bệnh viện điều trị COVID-19 tầng 2 để khi phát hiện bệnh nhân trở nặng sẽ hội chẩn ngay nhằm đánh giá đúng, kịp thời tình trạng của bệnh nhân và đưa ra hướng điều trị hợp lý.
Theo bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Bệnh viện Hồi sức COVID-19 được thành lập từ bệnh viện chưa từng đưa vào hoạt động, khi đi vào hoạt động lại hoạt động với công suất lớn nhất nên có một số vấn đề về hậu cần quản trị chưa đảm bảo trong những ngày đầu. Sau khi điều chỉnh và có sự tăng cường nhân lực, đến thời điểm hiện tại đã cơ bản ổn định.
Còn về chuyên môn và trang thiết bị thì được đảm bảo ngay từ đầu sau khi Bộ Y tế xuất cấp khẩn cấp kho trang thiết bị để đáp ứng ngay lập tức máy thở chức năng cao, bơm tiêm tự động và các thiết bị y tế khác cho bệnh viện. TP.HCM cũng cung cấp các thiết bị y tế rất khẩn cấp giúp bệnh viện có đủ cơ sở vật chất để chăm sóc, điều trị các bệnh nhân nặng.
Để đáp ứng quy mô hoạt động của bệnh viện, Bộ Y tế đã điều động nhiều lực lượng từ các bệnh viện thuộc Bộ Y tế và các bệnh viện thuộc Sở Y tế TP.HCM, bệnh viện đã trộn lẫn các lực lượng với nhau thành nhiều nhóm, chia thành 3 ca 4 kíp.
Mỗi ca mỗi kíp đều có lực lượng nóng cốt về hồi sức bên cạnh là các lực lượng khác để đảm bảo hoạt động trôi chảy, đoàn kết và tạo điều kiện cho nhân viên y tế học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.
Đặt tại cơ sở 2 của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, Bệnh viện Hồi sức Covid-19 có quy mô 1.000 giường, trong đó có 100 giường hồi sức nguy kịch, 900 giường hồi sức nặng. Theo chiến lược “Tháp 4 tầng” trong điều trị Covid-19 tại TP.HCM, Bệnh viện Hồi sức Covid-19 chịu trách nhiệm điều trị cho các trường hợp bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch, đây được xem là chốt chặn cuối cùng trong công tác điều trị Covid-19 tại TP.HCM.
Ngô Bình