Cận cảnh rừng mai hàng trăm năm tuổi giữa đại ngàn Đakrông
Giữa đại ngàn Đakrông (Quảng Trị) hiện nay có hơn 200 gốc mai cổ thụ với tuổi đời ước tính hàng trăm năm. Rừng mai này được lực lượng chức năng phát hiện và âm thầm bảo vệ trong một vài năm trở lại đây.
Ngày 4/4, ông Trương Quang Trung, Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng tỉnh Quảng Trị cho biết, khu rừng mai nằm giữa đại ngàn Đakrông được đơn vị phát hiện và âm thầm bảo vệ trong những năm trở lại đây.

Đoàn khảo sát rừng mai cổ thụ.
Theo Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng tỉnh Quảng Trị, qua kiểm đếm có khoảng 200 - 300 gốc mai cổ thụ với đường kính từ 20 - 60cm. Những cây mai cổ thụ sinh trưởng rải rác trong diện tích rừng rộng lớn, ước tính hàng trăm năm tuổi. Ngoài ra, có rất nhiều cây mai đường kính gốc dưới 10cm.

Nhánh cây mai vươn mình giữa rừng già.

Hoa mai khoe sắc giữa đại ngàn.
Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng tỉnh Quảng Trị thông tin, trước đây, khi xuất hiện thông tin về rừng mai, có người đã vào rừng với ý định đào mai đưa về nhưng được ngăn chặn kịp thời.
Việc thông tin về rừng mai được đưa ra ngoài cũng sẽ gây ra áp lực trong quản lý, bảo vệ nhưng điều này là cần thiết để có những biện pháp bảo tồn, phát triển loài mai cổ thụ.
"Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuần tra, giám sát để bảo vệ tốt hơn đối với khu rừng mai cổ thụ này", ông Trương Quang Trung chia sẻ.

Khu rừng mai cổ thụ giữa đại ngàn Đakrông. Ảnh: Anh Trung.
Trước đó, UBND tỉnh Quảng Trị có quyết định hợp nhất Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông và Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa thành Ban quản lý rừng đặc dụng tỉnh Quảng Trị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh.
Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông trước đây có tổng diện tích tự nhiên 37.469,44 héc-ta với thực vật rừng đa dạng. Về động vật rừng có 95 loài thú, 201 loài chim, 32 loài bò sát và 17 loài lưỡng cư.
Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa có diện tích 23.456,7 héc-ta có độ che phủ trên 92,96%. Nơi đây ghi nhận 1.327 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 158 họ. Riêng khu hệ thú có 110 loài thuộc 30 họ, 10 bộ.