Với chiều rộng mặt cắt ngang đường bên dưới mỗi chiều 4 làn xe, dải phân cách giữa và vỉa hè rộng từ 3 đến 5 mét, tuyến đường Nguyễn Xiển (Vành đai 3) đang là một trong những tuyến phố đồng bộ nhất về hạ tầng tại Hà Nội.
Tuyến đường Thanh Xuân đi Linh Đàm giao thông thường rất ít ùn tắc, nhưng từ khi hàng rào thi công dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá mọc lên tại nhiều vị trí từ tháng 11/2022 đến nay, ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra.
Khi lòng đường bị hàng rào công trường chiếm dụng, vỉa hè là hạng mục đầu tiên để “chia sẻ” ùn tắc ở dưới lòng đường, trong đó có việc dành cho người đi bộ hoặc hoặc xén bớt mở rộng thêm các làn xe.
Tuy nhiên, hiện vỉa hè tuyến phố Nguyễn Xiển đi qua 3 đơn vị hành chính là quận Thanh Xuân, huyện Thanh Trì, quận Hoàng Mai đang bị chiếm dụng toàn bộ như thế này.
Vỉa hè đường Nguyễn Xiển không chỉ bị biến thành nơi kinh doanh xe ô tô, xưởng chế tác đá, buôn bán hoa - cây cảnh, vật liệu xây dựng từ nhiều năm nay mà ngay cả khi hàng rào công trường tại đây dựng lên, gây ùn tắc giao thông, đại diện nhiều sở ngành, UBND thành phố xuống kiểm tra, nắm bắt tình hình... Nhưng sau đó thực trạng lấn chiếm, vi phạm ở vỉa hè vẫn diễn ra.
Thậm chí, ngoài chiếm vỉa hè, nhiều cửa hàng kinh doanh trái cây còn lấn cả xuống lòng đường đoạn qua công trường thi công.
Cây dại, lều quán nước tạm bợ mọc lên, chắn cả vỉa hè.
Ngoài lấn chiếm toàn bộ vỉa hè, các cửa hàng kinh doanh còn đang thu hút lượng lớn khách đến để xe, mua hàng ở lòng đường.
Trong khi các cơ quan có trách nhiệm không đảm bảo được trật tự đô thị, buông vỉa hè cho nạn lấn chiếm, thì để giảm ùn tắc, ngân sách thành phố Hà Nội lại phải chi số tiền không nhỏ cho việc xén dải phân cách, thảm nhựa mở rộng đường Nguyễn Xiển từ diện tích trồng hoa, thảm cỏ.
Nhóm PV Thời sự