Cận cảnh Vietnam Airlines trước thềm được giải cứu
Phương án 'giải cứu' Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã chứng khoán HVN) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tại cuộc họp đầu tuần qua, trước khi đưa ra trình Quốc hội.
10 tháng, lỗ 13.000 tỷ đồng
2020 có thể nói là năm đại hạn của ngành hàng không. Đại dịch Covid-19 lan ra toàn cầu và lệnh đóng cửa biên giới, giãn cách xã hội triển khai ở hầu hết các quốc gia trên toàn cầu đã giáng một đòn mạnh vào các hãng hàng không quốc tế. Theo Công ty nghiên cứu dữ liệu hàng không Cirium, đã có 43 hãng hàng không thương mại ngừng hoạt động hoàn toàn hoặc tạm dừng từ tháng 1 năm nay. Công ty này cũng dự báo sẽ có thêm nhiều hãng hàng không tạm ngưng hoạt động hoặc phá sản vào quý cuối năm nay và quý đầu năm sau.
Tại Việt Nam, do đường bay quốc tế chưa mở cửa trở lại, nhu cầu di chuyển nội địa hạn chế, nên kết quả kinh doanh của các hãng hàng không, trong đó có Vietnam Airlines sụt giảm mạnh.
Báo cáo tài chính hợp nhất 9 tháng của Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu giảm 56,8% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 32.410 tỷ đồng, thua lỗ 10.675 tỷ đồng. Riêng công ty mẹ lỗ 10.471 tỷ đồng.
Tiền gửi ngắn hạn của Vietnam Airlines đã giảm mạnh từ 3.579 tỷ đồng về còn 656 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm nay.
Trong khi đó, theo số liệu lãnh đạo Vietnam Airlines đưa ra tại cuộc họp của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước mới đây, trong 10 tháng, Tổng công ty lỗ tới 13.000 tỷ đồng.
Trước khi đại dịch diễn ra, Vietnam Airlines Group (bao gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO) khẳng định vị trí chủ lực tại thị trường nội địa với 51,7% thị phần vận chuyển hành khách. Trong 9 tháng đầu năm, Vietnam Airlines Group đã thực hiện an toàn tuyệt đối 46.700 chuyến bay, vận chuyển gần 11,9 triệu lượt hành khách và 146.000 tấn hàng hóa. Tuy quý III/2020 ghi nhận sự tăng trưởng tích cực về sản lượng vận chuyển hành khách so với quý II, nhưng do các hãng hàng không trong nước tăng tải ồ ạt, đồng thời thực hiện nhiều chương trình kích cầu nhằm thúc đẩy du lịch theo mục tiêu lớn của Chính phủ và thị trường hàng không quốc tế chưa được khai thác trở lại nên hiệu quả trực tiếp cho Vietnam Airlines Group còn ở mức độ rất hạn chế.
Tình hình kinh doanh của Vietnam Airlines trong ngắn hạn dự báo vẫn tiếp tục khó khăn, do đường bay quốc tế khó có thể được mở lại trong bối cảnh dịch bệnh tại châu Âu đang có xu hướng bùng phát trở lại, trong khi 60% doanh thu của Vietnam Airlines đến từ khai thác các đường bay quốc tế.
Chỉ có mảnh đất nội địa để khai thác, các hãng hàng không đang đua nhau cạnh tranh giảm giá bán, kích thích tiêu dùng nên biên lợi nhuận mỏng dần đi.
Ngập trong nợ vay
Nguồn thu sụt giảm mạnh, để cân đối bài toán dòng tiền, một mặt Tổng công ty phải giảm lương, cắt giảm việc làm, mặt khác phải gia tăng nợ vay. Tính đến hết ngày 30/9/2020, nợ phải trả 55.759 tỷ đồng, cao gấp 8,4 lần vốn chủ sở hữu (6.610 tỷ đồng). Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tính đến 30/9 là hơn 11.684 tỷ đồng, tăng 79,5% so với hồi đầu năm, tương đương tăng 5.177 tỷ đồng. Vay và nợ thuê tài chính dài hạn 27.871 tỷ đồng. Tổng hợp các khoản vay và nợ thuê tài chính của Vietnam Airlines tính đến thời điểm 30/9 là 39.555 tỷ đồng, tăng gần 24% so với hồi đầu năm.
Trong 9 tháng đầu năm 2020, chi phí tài chính mà Vietnam Airlines phải chi trả là 1.386 tỷ đồng, trong đó riêng chi phí lãi vay hơn 725 tỷ đồng.
Tiền gửi ngắn hạn của Tổng công ty đã giảm mạnh từ 3.579 tỷ đồng về còn 656 tỷ đồng.
Gần đây, lãnh đạo Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cho biết, đơn vị này đã xây dựng Đề án Tái cơ cấu Vietnam Airlines và báo cáo Ủy ban Quản lý vốn, báo cáo Chính phủ để đảm bảo tăng vốn là một những giải pháp để thực hiện tái cơ cấu Vietnam Airlines. Các bước chuẩn bị được khẩn trương thực hiện suốt thời gian qua và đến nay, SCIC đã sẵn sàng cho việc đầu tư vào Vietnam Airlines.
Theo nhu cầu tăng vốn mà Vietnam Airlines xây dựng, Tổng công ty có nhu cầu bổ sung hơn 10.000 tỷ đồng thông qua hai nguồn tái cấp vốn và phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ. SCIC sẽ tham gia mua cổ phần phát hành cho cổ đông hiện hữu của Vietnam Airlines.
Dù SCIC cho biết đã sẵn sàng và với tình trạng hoạt động của Vietnam Airlines hiện tại, việc tăng vốn là rất cần kíp, nhưng với quy mô lớn, gói “giải cứu” Vietnam Airlines có được triển khai hay không còn phụ thuộc vào lá phiếu biểu quyết của Quốc hội trong kỳ họp này.