Cần câu giúp nông dân thoát nghèo

'Nông dân nuôi bò thì ở xã có nhiều lắm. Nhưng muốn tìm người nuôi bò giỏi phải gặp chị Biên, thôn Gành Nà'- Đó là lời giới thiệu của đồng chí Chủ tịch Hội Nông dân xã Công Đa (Yên Sơn) Nguyễn Văn Sinh khi giới thiệu về mô hình chăn nuôi bò của chị Biên.

Chị Ma Thị Biên, thôn Gành Nà, xã Công Đa (Yên Sơn) chăm sóc đàn bò của gia đình.

Chị Ma Thị Biên, thôn Gành Nà, xã Công Đa (Yên Sơn) chăm sóc đàn bò của gia đình.

Năm 2007, chị Ma Thị Biên, hội viên nông dân thôn Gành Nà, xã Công Đa được vay 1 con bò theo Chương trình “Vay bò trả bê” của Hội Nông dân tỉnh. Sau hơn 1 năm, gia đình chị đã trả cho Hội Nông dân xã một con bê cái và giữ lại con mẹ làm giống. Từ con bò mẹ, gia đình chị Biên đã phát triển lên một đàn bò. Thời điểm nhiều nhất, gia đình chị có tới 6 con bò.

Chị Biên chia sẻ: “Khi nhận được bò, gia đình tôi vui lắm. Cả nhà thay nhau chăm sóc. Đàn bò cứ thế sinh trưởng phát triển khỏe mạnh, béo tròn, đẻ sòn sòn toàn bê cái. Bình quân 1 năm, bò mẹ đẻ 1 con bê con. Thời điểm nhiều nhất, gia đình có tới 6 con bò. Sau 17 năm chăn nuôi, gia đình tôi đã được bán trên 10 con bò. Hiện tại trong chuồng còn 4 con. Nhờ tiền bán bò cộng với các nguồn thu nhập trồng cây đã giúp gia đình tôi thoát nghèo, xây được nhà cửa khang trang, nuôi con cái ăn học”.

Theo chị Biên, việc nuôi bò không mất nhiều chi phí vì chỉ cần có thời gian chăn thả hoặc cắt cỏ tận dụng thức ăn xanh trong tự nhiên. Từ mô hình đã tạo ra sinh kế, cần câu cơm bền vững cho các hộ nông dân nông thôn nói chung và gia đình chị nói riêng.

Anh Nguyễn Văn Sinh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Công Đa cho biết, gia đình chị Biên là 1 trong 34 hộ nông dân trong xã tham gia chương trình “Vay bò trả bê”. Sau hơn chục năm thực hiện chương trình, xã đã luân chuyển được 7 vòng với tổng 305 hộ nông dân được hưởng lợi. Trong đó, nhiều hộ sau khi trả được bê con đã phát triển đàn bò lên từ 3 đến 5 con.

Cùng với việc cho vay bò, các cấp Hội Nông dân tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, giúp các hộ tham gia chương trình có thêm kiến thức, chăm sóc bò được tốt hơn. Đặc biệt, đối với những hộ là hội viên nông dân thuộc vùng dân tộc thiểu số, giúp hội viên thay đổi tập quán chăn nuôi gia súc từ thả rông sang nhốt chuồng, tạo điều kiện chăm sóc bò được tốt hơn. Đàn bò sinh trưởng và phát triển tốt đã tạo việc làm cho gia đình hội viên, giúp hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững, có thêm vốn để phát triển kinh tế.

Bàn Thanh

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/can-cau-giup-nong-dan-thoat-ngheo-194275.html