Cần cấu trúc lại tổng cầu của nền kinh tế

TS. LÊ DUY BÌNH - Giám đốc điều hành Economica VietnamKhi chi tiêu Chính phủ, tổng mức đầu tư công không còn được duy trì ở mức cao, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chậm lại thì tiêu dùng nội địa cần phải tăng lên để thế chỗ. Cùng với đó, các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp, hộ gia đình cũng cần được đẩy mạnh, qua đó tạo lập một cơ cấu về tổng cầu bền vững hơn.

Vấn đề nằm ở tổng cầu

Trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 3,72%, chỉ cao hơn mức 1,74% cùng kỳ trong giai đoạn 2011 - 2023 và thấp hơn so với mục tiêu đề ra là 6,2%. Đây là mức trung bình khá trong khu vực ASEAN.

Tiêu dùng nội địa cần phải tăng lên để thế chỗ cho xuất khẩu suy giảm. Ảnh: Đan Thanh

Tiêu dùng nội địa cần phải tăng lên để thế chỗ cho xuất khẩu suy giảm. Ảnh: Đan Thanh

Dù vậy, vẫn có những điểm nhấn là năng lực sản xuất và cung ứng của nền kinh tế vẫn được duy trì. Trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, số lượng doanh nghiệp đăng ký mới và quay trở lại hoạt động bắt đầu gia tăng trở lại. Tổng đầu tư toàn xã hội vẫn tiếp tục gia tăng (tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước). Đầu tư công được đẩy mạnh. Năng lực cơ sở hạ tầng vẫn được tập trung cải thiện.

Trong thời gian qua, tốc độ xây dựng cơ sở hạ tầng được đẩy mạnh với tốc độ trung bình mỗi ngày nước ta xây xong hơn 1km đường cao tốc. Trong ba năm tới, dự kiến tốc độ này vẫn còn tiếp tục, tức là trung bình mỗi ngày hơn 1km đường cao tốc được hoàn thiện. Bên cạnh đó còn hàng loạt các cảng biển, cảng đường sông, hệ thống viễn thông… được hoàn thành, nhờ đó cải thiện đáng kể năng lực sản xuất của nền kinh tế. Tuy nhiên, năng lực sản xuất đó vẫn chưa chuyển hóa thành kết quả tăng trưởng kinh tế như mục tiêu đề ra. Vấn đề hiện nay của nền kinh tế dường như đang nằm ở tổng cầu.

Từ góc độ tổng cầu, tiêu dùng nội địa, với chỉ dấu quan trọng là tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ hàng hóa tiêu dùng, vẫn tiếp tục tăng (tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước). Chi tiêu Chính phủ tăng mạnh so với các năm trước về con số tuyệt đối, với khoảng 226.000 tỷ đồng vốn đầu tư công được giải ngân. Đầu tư của doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp trong nước và đầu tư nước ngoài bắt đầu tăng trở lại, lần lượt tăng 2,1% và 1,7% trong 6 tháng đầu năm nay, và có những dấu hiệu tăng tích cực hơn trong những quý tới. Tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu đã suy giảm và đây được cho là nguyên nhân chính làm suy giảm tổng cầu của nền kinh tế, là trở lực lớn nhất khiến tốc độ tăng trưởng GDP không đạt mục tiêu.

Theo Tổng cục Thống kê, xuất khẩu của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm giảm 12,1%. Trong khi đó, Bộ Công Thương cho biết, cùng kỳ, mức suy giảm của Thái Lan chỉ là 5,1%, Indonesia 6%, Malaysia giảm 2,3%. Điều này cho thấy cần đặt ra các câu hỏi nghiêm túc về cơ cấu tổng cầu của nền kinh tế không chỉ dành cho 6 tháng cuối năm nay mà còn cho những năm tới.

Chú ý tới thị trường bất động sản nhà ở, nhà cho thuê

Từ góc độ tổng cầu, rõ ràng không thể và không nên kỳ vọng chi tiêu Chính phủ sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao như năm 2023. Chi tiêu Chính phủ quá lớn sẽ dẫn đến những rủi ro về nợ công, về sự lấn át của đầu tư tư nhân. Cầu từ thị trường xuất khẩu đã và sẽ luôn là động lực quan trọng ít nhất trong giai đoạn trước mắt, nhưng tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu luôn ở mức gấp 1,5, thậm chí gấp 2 lần so với mức tiêu dùng nội địa, sẽ khiến nền kinh tế ngày một phụ thuộc hơn vào thị trường toàn cầu, khiến nền kinh tế rất dễ bị tổn thương khi thị trường thế giới có biến động lớn.

Trong bối cảnh hiện nay, đặt ra yêu cầu quan trọng là cần tái cấu trúc tổng cầu của nền kinh tế, từ đó có những chỉ dấu cho việc tái cấu trúc hoạt động sản xuất kinh doanh. Khi chi tiêu Chính phủ, tổng mức đầu tư công không còn được duy trì ở mức cao, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chậm lại, thì tiêu dùng nội địa, tiêu dùng trong nước cần phải tăng lên để thế chỗ; các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp, hộ gia đình cũng cần được đẩy mạnh, qua đó giúp có một cơ cấu về tổng cầu bền vững hơn, đóng góp cho tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế.

Giữa tháng 4 vừa qua, chúng ta đón công dân thứ 100 triệu. Trong khi chúng ta vui mừng chào đón công dân thứ 100 triệu, thì các tập đoàn tiêu dùng nước ngoài đang vui mừng chào đón người tiêu dùng thứ 100 triệu ở thị trường Việt Nam. Điều này cho thấy tầm quan trọng ngày một lớn hơn của thị trường trong nước, của cầu về hàng hóa, dịch vụ trong nước.

Chúng ta luôn ăn mừng mỗi khi kim ngạch xuất khẩu cán mốc 200 tỷ USD, 300 tỷ USD, nhưng hiếm khi bày tỏ niềm vui khi tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ hàng hóa tiêu dùng đạt mốc 150 tỷ USD, 200 tỷ USD và tới đây là 250 tỷ USD. Do đó, chúng ta có thể học hỏi thêm kinh nghiệm từ các nền kinh tế khác, khi tiêu dùng trong nước luôn tăng trưởng ổn định, song hành cùng xuất khẩu như Malaysia, Indonesia hay Thái Lan. Hoặc tại Trung Quốc, trong 2 năm qua, tốc độ tăng trưởng của doanh thu bán lẻ liên tục đạt mức 18,4%; chỉ trong tháng 5 và 6.2023, tốc độ này có chậm lại nhưng vẫn ở mức 12,7% so với mức tăng xuất khẩu chỉ ở mức 0,3%.

Một vấn đề nữa cũng cần hết sức lưu ý, sự trầm lắng của thị trường bất động sản, đặc biệt là phân khúc nhà ở, nhà cho thuê trong thời gian qua là một nguyên nhân quan trọng khiến tổng cầu suy giảm và ảnh hưởng trực tiếp tới tăng trưởng GDP. Tiềm năng cầu đối với nhà ở và khả năng chi tiêu cho nhà ở, nhà cho thuê là có thực, có quy mô lớn và là cầu có khả năng chi trả, người dân sẵn lòng chi trả. Tuy nhiên, nó đã không được hiện thực hóa để đóng góp vào tổng cầu của nền kinh tế trong năm 2023. Lý do lớn nhất là nguồn cung nhà ở cho những người có nhu cầu thực hiện đang rất khan hiếm, trong khi cung của các sản phẩm bất động sản cao cấp hay nghỉ dưỡng lại đang dư thừa. Do đó, phát triển bền vững thị trường nhà ở, nhà cho thuê và dịch vụ nhà cần được khẳng định một cách rõ ràng hơn, vì nó đóng góp đối với tổng cầu của nền kinh tế không chỉ trong trước mắt mà cả trung và dài hạn.

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/can-cau-truc-lai-tong-cau-cua-nen-kinh-te-i336560/