Cần chấm dứt tâm lý 'sợ sai, sợ trách nhiệm'
Các vị đại biểu Quốc hội cần tìm ra giải pháp để giải tỏa một câu hỏi lớn: Vì sao có tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám làm, né tránh trách nhiệm, đùn đẩy công việc ở nhiều cấp, nhiều ngành.
Tâm lý sợ sai lan tràn
Quốc hội sẽ dành mấy ngày tới đây để thảo luận về kinh tế - xã hội, trong đó nhiều vấn đề bức bách của cuộc sống, các điểm nghẽn phát triển sẽ được thảo luận, chất vấn.
Trong số đó, có một điểm nghẽn cần phải được thảo luận kỹ lưỡng: Làm thế nào để giải tỏa tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám làm, né tránh trách nhiệm, đùn đẩy công việc lên cơ quan quản lý cấp trên hoặc sang bộ, ngành khác đã kéo dài nhiều năm nay.
Báo cáo của Thủ tướng trước Quốc hội đã 3 lần dùng đến từ sợ: sợ sai, sợ trách nhiệm. Báo cáo thừa nhận thực tế: Một bộ phận không nhỏ cán bộ còn có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, sợ sai, làm việc cầm chừng, hiệu quả thấp.
Tâm lý này cũng được đề cập nhiều lần trong các báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Tình trạng này cũng được Tổng Bí thư Tô Lâm nhắc đến trong nhiều bài viết gần đây: Tình trạng nhiều cán bộ, công chức sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh trong xử lý công việc, sợ đổi mới, không dám nghĩ, dám làm, ảnh hưởng đến chất lượng thực thi công vụ, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế-xã hội.
Tâm lý đó của nhiều cán bộ, công chức nhà nước là cực ký đáng quan tâm, cần được giải tỏa vì đã kéo dài nhiều năm, làm ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu lực, hiệu quả của bộ máy Nhà nước, làm cho nhiều dự án, công trình của cả Nhà nước, doanh nghiệp và người dân bị đình trệ, chậm được triển khai, chậm được đưa vào sử dụng, làm cho niềm tin kinh doanh bị tác động xấu.
Nhiều kinh nghiệm tốt
Cũng là Luật Đầu tư công, cũng là khung khổ luật pháp đó mà trước đây, các bộ, ngành và địa phương phải cạnh tranh nhau rất quyết liệt để xin bằng được các dự án đầu tư công về cho ngành và địa phương mình. Tỷ lệ giải ngân cũng rất nhanh chóng, đưa nhiều công trình vào phục vụ sản xuất, nâng cao đời sống của nhân dân.
Vì sao cũng dưới hành lang pháp lý như vậy mà trước đây nhiều công chức Nhà việc được giải quyết nhanh, hiệu quả?
Vì sao cũng là Luật Đầu tư công mà Đường dây 500 kV mạch 3 lại được thi công thần tốc, lập nhiều kỷ lục đến vậy? Cần nhắc lại đây là dự án hạ tầng quy mô lớn, xây dựng đường dây tải điện 500 kV mạch 3 kéo dài từ Quảng Trạch đến Phố Nối dài khoảng 519 km, đi qua 9 tỉnh, có tổng mức đầu tư hơn 22.300 tỷ đồng. Dự án này được khởi công tháng 1/2024 và đến cuối tháng 8/2024 đã được khánh thành.
Việc triển khai dự án này thành công đến mức, Tổng Bí thư Tô Lâm đã yêu cầu tổng kết, nhân rộng kinh nghiệm để rút ngắn thời gian thực hiện các công trình, dự án đầu tư công trọng điểm, quan trọng quốc gia, đường cao tốc, công trình trọng điểm, liên vùng, dự án có tác động lan tỏa.
Đó là nhờ Thủ tướng Phạm Minh Chính đã luôn sát sao, kiên quyết, tháo gỡ từng điểm nghẽn, động viên tinh thần cho cán bộ tham gia dự án. Tinh thần của Thủ tướng vừa tạo động lực, vừa tạo áp lực lên cả hệ thống, làm nên một dự án kỳ tích hôm nay.
Nhiều nơi vẫn sợ trách nhiệm
Nhưng cũng dưới khung khổ của Luật Đầu tư công và các thể chế liên quan mà tinh thần làm việc lại thui chột đi ở nhiều dự án công.
Theo Bộ Tài chính, ước giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 10/2024 chỉ đạt hơn 47% kế hoạch, thấp hơn cùng kỳ năm 2023. Có tới 29 bộ, ngành và 22 địa phương giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước. Đặc biệt có một số bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân 0%.
Đặc biệt, theo Bộ Tài chính, việc một số địa phương được giao kế hoạch lớn nhưng tỷ lệ giải ngân không cao đã ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ giải ngân chung của cả nước. TP. Hồ Chí Minh đến hết tháng 10 mới giải ngân được gần 20%; TP. Hà Nội giải ngân cũng mới chỉ đạt 45%.
Điều gì đã làm cho cán bộ, công chức lâm vào tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám làm, né tránh trách nhiệm, đùn đẩy công việc? Vì sao họ lại mất động lực đến vậy?
Thay thế những cán bộ sợ trách nhiệm
Trên thực tế, đã xuất hiện một số trường hợp cán bộ chây ỳ, vô trách nhiệm bị xử lý ở các địa phương.
Tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản phê bình người đứng đầu 21 cơ quan, đơn vị là chủ đầu tư và 10 địa phương do không giải ngân đạt kế hoạch. Bên cạnh đó, tỉnh này cũng yêu cầu các đơn vị, địa phương thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, phiền hà, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong quản lý đầu tư công. Ông Lê Việt Hải, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Hạ Long, đã bị tạm đình chỉ công tác theo Quy định số 148-QĐ/TW ngày 23/5/2024 của Bộ Chính trị.
Ở Nghệ An, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã làm rõ sai phạm trong quá trình đầu tư, thực hiện Dự án hồ chứa nước Bản Mồng, bị chậm tiến độ, phải điều chỉnh tổng mức đầu tư nhiều lần, gây lãng phí lớn cho ngân sách nhà nước. Có 8 bị can trong vụ án xảy ra tại dự án gần 4.500 tỉ đồng chậm tiến độ, gây lãng phí đã bị khởi tố.
Đây là những biện pháp cần thiết để cảnh báo tình trạng vô trách nhiệm, sợ sai ở các cán bộ, công chức, vì đã làm công chức là phải tận tâm cống hiến thay vì tâm lý lờ vờ, không muốn làm chính những trách nhiệm, nghĩa vụ đã được giao phó.
Để thúc đẩy thêm động thái rất mạnh mẽ này ở các địa phương, Bộ trưởng Kế hoạch vầ Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã đề nghị Quốc hội có chế tài xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.
Ngoài ra thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, sợ sai, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh khi thực thi công vụ, trì trệ, gây nhũng nhiễu, phiền hà, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong quản lý đầu tư công.
Chính phủ đang trình Quốc hội sửa đổi Luật Đầu tư công theo hướng đơn giản hóa các thủ tục trong hoạt động đầu tư công, tăng cường phân cấp, phân quyền, cụ thể hóa một số chính sách được Quốc hội cho áp dụng thí điểm phát huy hiệu quả trong thời gian vừa qua.
Tất cả những biện pháp đó là cần thiết, nhưng chưa đầy đủ mà các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận, làm rõ hơn để hoàn thiện hệ thống luật pháp về đầu tư, tài chính trong kỳ họp này.
Tình trạng lãng phí cơ hội phát triển của địa phương, của đất nước do bộ máy nhà nước có nơi, có lúc hoạt động chưa hiệu quả, một bộ phận cán bộ nhũng nhiễu, thiếu năng lực, né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm, như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu, cần phải được chặn đứng. Trách nhiệm này đặt lên vai của các vị đại biểu Quốc hội.
Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/can-cham-dut-tam-ly-so-sai-so-trach-nhiem-2338529.html