Cần chấm dứt việc dùng voi làm du lịch

Ngày 19-7, một nữ du khách cùng 2 con nhỏ đang cưỡi voi đi tham quan tại Trung tâm Du lịch Buôn Đôn, Đắk Lắk thì bị ngã xuống đất, người mẹ bị chấn thương vùng ngực, dập phổi, gãy 4 xương sườn… do va vào đá.

Đây không phải là chuyện hy hữu. Trước đó đã xảy ra nhiều trường hợp voi đã thuần dưỡng làm chết người cũng như nhiều cảnh báo từ việc sử dụng voi phục vụ giải trí, du lịch. Mới nhất là rạng sáng 22-5, một nài voi trú tại buôn Bhôk, xã Yang Tao, huyện Lắk (Đắk Lắk) đưa một con voi từ khu du lịch ở hồ Lắk đi tắm, bất ngờ bị voi quật chết.

Không chỉ tại Việt Nam, nhiều quốc gia khác ở châu Á sử dụng voi phục vụ du lịch, biểu diễn, lễ hội... cũng đã xảy ra không ít tai nạn thương tâm.

Theo ông Nguyễn Công Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, việc voi phải mang bành chở khách, chân bị xích, dùng gậy móc sắt để điều khiển… đã gây ra những vết thương trên cơ thể voi. Không chỉ vậy, việc voi phải làm việc quá sức gây ra những khó khăn, thách thức cho công tác bảo tồn đàn do voi không có thời gian để bắt cặp và giao phối để sinh sản.

Theo Tổ chức Động vật châu Á, vào những năm 80 của thế kỷ trước, tỉnh Đắk Lắk có trên 500 voi nhà nhưng đến nay chỉ còn lại 45 con. Đa phần voi nhà được sử dụng để chở khách du lịch thưởng ngoạn núi rừng Tây Nguyên. Điều đáng nói, hơn 30 năm qua, không có cá thể voi nhà nào ở Đắk Lắk sinh sản được. Việc voi nhà không sinh được có nhiều lý do như già yếu, chở khách nhiều khiến sức khỏe giảm sút, không có môi trường sinh sản tự nhiên...

Trước tình hình đó, Tổ chức Động vật châu Á đã hỗ trợ số tiền 65.000 USD trong thời gian 5 năm cho Vườn Quốc gia Yok Đôn (huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) chuyển đổi mô hình du lịch cưỡi voi sang mô hình "du lịch thân thiện" cùng voi.

Mô hình mới là hình thức vào rừng tham quan, tìm hiểu các hoạt động, sinh hoạt hằng ngày của voi. Du khách được ngắm voi từ xa, theo dõi voi ăn, tắm, ngủ, đi dạo cùng voi trong rừng... Bên cạnh đó, các hoạt động du lịch truyền thống, trực tiếp tác động đến voi như cưỡi, tiếp xúc trực tiếp với voi sẽ bị cấm, để tránh ảnh hưởng đến voi.

Đây là dấu hiệu khả quan nhất trong vấn đề bảo vệ đàn voi nhà trong du lịch. Trước mắt, có thể thực hiện phương án cho những con voi nhà đã lớn tuổi ngừng chở khách rồi tập hợp chúng lại ở một khu vực để du khách đến đây có thể ngắm và chăm sóc. Khi du khách đã quen với loại hình du lịch này thì sẽ nhân rộng ra. Tuy nhiên, để làm được điều này, nhà nước cần phải có cơ chế hỗ trợ bởi nếu ngưng chở khách sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của người nuôi voi.

Ngoài ra, voi châu Á được xếp vào danh mục động vật nguy cấp, quý, hiếm, nhóm IA được ghi nhận tại Nghị định số 06/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Bên cạnh đó, công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) và Nghị định số 06/2019/NĐ-CP đều nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại với loài voi.

Từ những sự việc voi gây ra tai nạn, húc chết người như vừa xảy ra, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần siết chặt việc áp các quy định pháp luật trong lĩnh vực sử dụng voi nói riêng và các loài động vật hoang dã nói chung trong hoạt động du lịch để tiến tới loại bỏ hoạt động không phù hợp quy định pháp luật hiện hành.

Đừng để hình ảnh những con voi chỉ còn là ký ức nếu chúng ta không kịp thời có những biện pháp hữu hiệu trong việc bảo tồn và phát triển đàn voi.

Chung Thanh Huy

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ban-doc/can-cham-dut-viec-dung-voi-lam-du-lich-20200727205416539.htm