'Cần chấn chỉnh thái độ nhân viên y tế, đề xuất dừng lấy mẫu cộng đồng'

Qua sự việc nhóm người dân ẩu đả với nhân viên y tế khi lấy mẫu xét nghiệm Covid-19, PGS.TS. Bác sĩ Vũ Minh Phúc cho rằng cần phải chấn chỉnh lại tác phong làm việc của một số nhân viên y tế, tình nguyện viên.

Ngày 24/9, mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh xô xát giữa nhân viên y tế và nhóm người dân. Được biết, cuộc ẩu đả xảy ra do mâu thuẫn trong quá trình lấy mẫu xét nghiệm Covid-19.

Bài liên quan

Nguyên nhân vụ xô xát giữa nhân viên y tế và nhóm người dân ở TP. HCM

Không đảm bảo việc xét nghiệm cho shipper doanh nghiệp sẽ bị tạm dừng hoạt động ứng dụng giao hàng

TP. Thủ Đức tổ chức xét nghiệm miễn phí cho shipper

TP. HCM: Hàng loạt tài xế công nghệ phải tự trả tiền xét nghiệm

X

Theo đó, trong quá trình lấy mẫu, một gia đình sống tại hẻm trên địa bàn phường 4 (quận 8, TP. HCM) đã đề nghị được tự test Covid-19 nhằm tránh tập trung đông người, dễ lây nhiễm chéo. Tuy nhiên, phía nhân viên y tế không đồng ý và cho rằng người dân tự test là không đúng quy trình, sẽ cho kết quả không chính xác. Do mâu thuẫn dẫn đến cự cãi, xô xát, 3 thành viên của gia đình này đã dùng bàn, ghế ném vào người các nhân viên y tế. Sự việc chỉ dừng lại khi người dân xung quanh đến can ngăn và các nhân viên y tế bỏ đi.

Nên chấn chỉnh thái độ, tác phong của nhân viên y tế, tình nguyện viên lấy mẫu

Trao đổi với phóng viên báo Nhà báo & Công luận, PGS.TS. Bác sĩ Vũ Minh Phúc (Cựu Phó khoa Y, Cựu chủ nhiệm Bộ môn Nhi Đại học Y dược) cho biết, gia đình bác sĩ và một số bác sĩ khác cũng đã từng gặp trường hợp tương tự như trên.

“Chẳng hạn như tôi và một số bạn bè của tôi đã từng gặp phải trường hợp bản thân chúng tôi là nhân viên y tế, có thẻ y tế trình ra nhưng vẫn không được tự test Covid-19 tại nhà. Vì sợ tập trung đông sẽ dễ lây nhiễm chéo, tôi đã cố thuyết phục rằng tôi là một bác sĩ và tôi tự test được, thế nhưng thứ mà tôi nhận lại là thái độ có phần quá đáng của một số bạn lấy mẫu. Tôi tự thử thì các bạn ấy cho rằng tôi đã thử sai trong khi đó nhân viên y tế này không thèm ngó tới que thử mà tôi đã đưa. Với cương vị là một bác sĩ, tôi thấy chuyện này rất không hợp lí. Có những khu vực, các nhân viên y tế, tình nguyện viên lấy mẫu xét nghiệm rất dễ thương, rất nghiêm chỉnh, họ hiểu ai có thể tự test được để tránh lây nhiễm chéo, nhưng cũng có một số nơi thì không được như vậy”, bác sĩ Minh Phúc nói.

PGS.TS. Bác sĩ Vũ Minh Phúc (Cựu Phó khoa Y, Cựu chủ nhiệm Bộ môn Nhi Đại học Y dược)

Những vụ “hiểu lầm” xảy ra giữa nhân viên y tế và người dân trong xét nghiệm Covid-19 đa phần là do tâm lí và cách ứng xử của hai bên. Việc nhiều bạn trẻ “xung phong” làm tình nguyện viên lấy mẫu là rất tốt, nhưng vẫn phải chấn chỉnh lại tác phong, thái độ làm việc của họ.

“Người dân mang tâm lí rằng họ luôn ở trong nhà, không đi đâu nên không bị nhiễm vì thế họ luôn rất ngại việc phải cứ mỗi 3 ngày lại xét nghiệm 1 lần. Nhiều người như tôi là một nhân viên y tế muốn tự test mà còn bị nạt nộ như vậy, tôi còn thấy bức xúc nói chi một số người dân. Nhiều người không kiềm được nóng giận thì sẽ xảy ra sự việc như đoạn clip. Vậy nên cần phải chấn chỉnh lại tác phong làm việc của các nhân viên y tế, tình nguyện viên lấy mẫu trong cách giao tiếp với người dân. Nếu ai có khả năng tự test cứ để cho họ test, nếu tự test sai thì có thể hướng dẫn họ làm đúng trong những lần test sau, nó mang lợi ích lâu dài hơn. Vậy vừa tránh lây nhiễm chéo, vừa tiết kiệm thời gian”, bác sĩ chia sẻ.

Xem xét ngưng xét nghiệm cộng đồng, đẩy mạnh tiêm vaccine

Bác sĩ Phúc cho rằng, việc xét nghiệm cộng đồng 3 ngày/ lần rất tốn chi phí, tốn thời gian và không hiệu quả. Việc ngưng xét nghiệm cộng đồng đã được nhiều chuyên gia y tế cho rằng không cần thiết và phí phạm.

“Thứ nhất, theo tôi chỉ nên xét nghiệm những bệnh nhân có triệu chứng hoặc những người từng tiếp xúc với F0, F1. Tỉ lệ dương tính khi tầm soát chỉ có 0,5%, muốn tìm ra được 1 ca dương tính phải mất tới 330 triệu đồng tiền kit test thì rất tốn kém. Thời gian tầm soát diện rộng như vậy thật sự không cần thiết. Thứ hai, ví dụ hôm nay test diện rộng, người đó âm tính nhưng đã chắc gì 3 ngày sau người đó không bị nhiễm. Chẳng lẽ chúng ta cứ phải test diện rộng 3 ngày/lần như vậy mãi? Tầm soát diện rộng liên tục để làm gì trong khi kết quả đó chỉ hiệu nghiệm trong 3 ngày. Sau này khi chúng ta dần bình thường trở lại, họ lại ra ngoài và có thể sẽ lây nhiễm nữa, thành ra việc làm ngày hôm nay rất vô nghĩa. Chúng ta cứ test diện rộng mãi như thế rất tốn kém”, bác sĩ Minh Phúc nói.

Theo PGS.TS. Bác sĩ Vũ Minh Phúc, việc cần làm lúc này chính là ngưng xét nghiệm tầm soát cộng đồng, mà tập trung nguồn lực cho việc tiêm vaccine. Từ đó, nhiều vấn đề trong công tác chống dịch sẽ được giải quyết và ngày “bình thường mới” sẽ đến nhanh hơn.

Thúy Vy

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/can-chan-chinh-thai-do-nhan-vien-y-te-de-xuat-dung-lay-mau-cong-dong-post158005.html