Cần chế độ đặc thù
Vào hè, các sở GD&ĐT cho phép các trường mầm non có thể tổ chức hoạt động theo điều kiện thực tế, nhu cầu của phụ huynh và giáo viên.
Nếu như khối tư thục bắt đầu nhận trẻ khá sớm, ngay sau khi kết thúc năm học cho đến cận khai giảng (khoảng 3 tháng), thì các trường công lập bắt đầu tầm 15/6 - 15/8 (khoảng 2 tháng).
Nhiều phụ huynh có con tuổi mầm non luôn đau đầu mỗi khi hè đến vì chuyện tìm chỗ gửi trẻ. Người thì xin nghỉ phép, người mang con lên cơ quan, nương rẫy; một số gia đình chọn phương án gửi ông bà, hàng xóm… Vì thế, việc trường mầm non tổ chức đón trẻ trong hè được đông đảo phụ huynh quan tâm, ủng hộ.
Mở cửa đón trẻ trong hè, các trường mầm non tạo mọi điều kiện thuận lợi cho phụ huynh và trẻ, nhưng có thể nói, cũng đồng thời nhận về mình nhiều vất vả, khó khăn.
Mùa Hè thường là thời điểm các trường tranh thủ thời gian nghỉ để cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất. Thế nhưng vì mở cửa đón trẻ, nhà trường phải vừa thi công, vừa tăng cường khâu đảm bảo an toàn, để không ảnh hưởng đến sức khỏe và hoạt động của cô, trò.
Mùa Hè cũng là mùa của dịch bệnh. Như năm nay, dịch bệnh chân tay miệng bùng phát nhiều ở nhóm trẻ 3 - 5 tuổi khắp cả nước, số ca nặng tăng. Mở cửa đón trẻ mầm non, các trường cũng phải đối mặt với công tác phòng, chống dịch bệnh; an toàn sức khỏe cho trẻ, an toàn trường học, an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhân sự tham gia hoạt động hè hạn chế so với trong năm học, chi phí các chất tẩy rửa, vệ sinh… gia tăng là những nỗi lo của nhiều trường.
Mùa Hè cũng là mùa nghỉ ngơi của giáo viên mầm non theo chế độ chung. Vì thế, các trường phải căng mình vận động, sắp xếp thời khóa biểu, xây dựng biên chế lớp để các cô được nghỉ luân phiên. Làm sao vẫn đảm bảo đủ số lượng giáo viên/trẻ theo quy định và mỗi thầy cô cũng phải được nghỉ ít nhất 15 ngày là bài toán cân não của ban giám hiệu. Song song đó, các trường vẫn phải đảm bảo chế độ sinh hoạt của trẻ, tăng cường tổ chức hoạt động giáo dục kỹ năng như tự phục vụ, hoạt động vui chơi, trải nghiệm, rèn luyện thể lực...
Học phí hè là trên cơ sở tự nguyện, nhờ đó giáo viên tham gia dạy hè được hỗ trợ chút ít. Thế nhưng huy động xã hội hóa chỉ triển khai thuận lợi ở vùng kinh tế - xã hội phát triển, còn ở vùng khó khăn, gia đình của trẻ thường không có điều kiện chi trả thêm khoản đóng góp khác để hỗ trợ cho người tham gia tổ chức dạy hè. Trong khi đó, nhiều hiệu trưởng vùng khó cho biết nếu không nỗ lực giữ trẻ trong hè, mỗi khi có “đà” nghỉ, sẽ khó duy trì được phổ cập giáo dục mầm non.
Không là nhiệm vụ bắt buộc, nhưng để tạo điều kiện cho phụ huynh yên tâm đi làm, trẻ có điều kiện được học và chơi tại trường, góp phần duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, hầu hết cơ sở GD đều cố gắng khắc phục khó khăn để tổ chức hoạt động giữ trẻ trong hè. Tuy vậy, về lâu dài, hoạt động này không nên dựa hoàn toàn vào mỗi sự nỗ lực vượt khó của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý.
Hiện, Nhà nước chưa có quy định chế độ chi trả cho các đối tượng tham gia tổ chức dạy hè. Một số địa phương như Quảng Ninh có hỗ trợ kinh phí tổ chức dạy hè cho trẻ mầm non tại cơ sở giáo dục công lập ở các xã thuộc vùng khó khăn, còn lại đa số nhiều nơi là chưa. Vì thế, để đáp ứng nhu cầu phụ huynh, bảo đảm quyền lợi giáo viên, gỡ khó cho các trường, cần nghiên cứu xem xét đến tính chất đặc thù của bậc học này và có chế độ hè phù hợp hơn.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/can-che-do-dac-thu-post642329.html