Cần chế độ đãi ngộ tương xứng với đặc thù công việc của cán bộ y tế
Ngành Y tế là một ngành đặc thù với trình độ và chất lượng lao động cao, tuy nhiên, hiện nay nhiều chế độ, chính sách dành cho bác sĩ, nhân viên y tế chưa tương xứng. Làm sao để giải quyết vấn đề này nhằm tạo động lực, thu hút nhân tài, cũng như 'giữ chân' nhân viên y tế tại các bệnh viện công luôn là vấn đề được quan tâm. Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2), đồng chí Trịnh Tố Tâm, Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế Hà Nội đã có cuộc trao đổi với phóng viên (PV) Báo Lao động Thủ đô xoay quanh nội dung này.
PV: Xin ông cho biết nhận định của mình về vai trò của các y, bác sĩ, nhân viên ngành Y tế Thủ đô trong sự nghiệp bảo vệ sức khỏe nhân dân suốt thời gian qua?
Đồng chí Trịnh Tố Tâm: Hiện nay, ngành Y tế Hà Nội đang quản lý 42 bệnh viện, trong đó có 8 bệnh viện đa khoa và chuyên khoa hạng I; 22 bệnh viện đa khoa và chuyên khoa hạng II và 12 bệnh viện đa khoa tuyến huyện; 30 trung tâm y tế quận, huyện, thị xã; 8 đơn vị quản lý nhà nước và trung tâm chuyên khoa với tổng số có 27.155 người.
Đây là nguồn nhân lực chất lượng cao đóng góp đáng kể vào thành tựu chung và là niềm tự hào của ngành Y tế Thủ đô. Ngoài ra, trên địa bàn Hà Nội còn có hàng nghìn cơ sở y tế tư nhân là các bệnh viện, phòng khám đa khoa, chuyên khoa tham gia hoạt động khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân.
Trong những năm qua, nhân dân trên địa bàn Thủ đô đã được chăm sóc sức khỏe tốt hơn; tốc độ phát triển dân số được kiểm soát, chính sách, chiến lược, chương trình, kế hoạch liên quan y tế đã được quan tâm, đầu tư và đã phát huy hiệu quả tích cực trong đời sống xã hội.
Thành công trong việc triển khai các kỹ thuật cao, kỹ thuật mới hiện đại ngang tầm các bệnh viện trung ương và khu vực Đông Nam Á, tập trung ở các lĩnh vực như: Tim mạch, điều trị ung thư, chấn đoán hình ảnh, ngoại khoa, sản phụ khoa, phẫu thuật tạo hình, ghép thận... Đặc biệt, ngành Y tế Thủ đô đã có 1 cơ sở y tế chất lượng quốc tế là Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, giúp người bệnh được thụ hưởng dịch vụ y tế chất lượng quốc tế ngay tại Việt Nam.
Không chỉ tập trung phát triển chuyên môn, ngành Y tế Thủ đô còn đẩy mạnh việc đổi mới phong cách, thái độ phục vụ người bệnh của nhân viên y tế. Đến nay, 100% cơ sở khám chữa bệnh của Thành phố đã xây dựng kế hoạch triển khai “Đối mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ Y tế, góp phần giảm phiền hà, hướng tới sự hài lòng của người bệnh”…
Những thành tựu đó là sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Y tế Thủ đô, trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe của nhân dân.
PV: Hiện nhiều chế độ, chính sách đãi ngộ dành cho cán bộ, nhân viên ngành Y tế chưa tương xứng. Vậy theo ông cần có sự điều chỉnh chính sách như thế nào để họ có thêm động lực phấn đấu, và gắn bó hơn với nghề?
Đồng chí Trịnh Tố Tâm: Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành Y tế nói chung và ngành Y tế Thủ đô nói riêng cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Điển hình như tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nạn ôi nhiễm môi trường, cơ cấu bệnh tật thay đổi… Những vấn đề đó đã là ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của ngành Y tế.
Thế nhưng, với tinh thần cầu thiện không né tránh và nghị lực vươn lên vượt qua mọi khó khăn, thách thức tất cả vì người bệnh, vì sức khỏe nhân dân, ngành Y tế Thủ đô đã đoàn kết vượt khó, quyết tâm triển khai nhiều giải pháp tích cực, đồng bộ; cải cách qui trình khám chữa bệnh, tăng cường đầu tư, xử lý thông tin ngăn chặn kịp thời những hành vi tiêu cực trong khám chữa bệnh phục vụ nhân dân.
Mặc dù công việc đặc thù, áp lực và vất vả, nhưng hiện chế độ dành cho cán bộ, nhân viên y tế chưa được tương xứng, cụ thể như tiền lương, phụ cấp… Nhất là sau đại dịch Covid-19 đã có thực trạng nhiều nhân viên y tế bỏ việc, “nhảy việc” sang các bệnh viện tư nhân… Bởi vậy rất cần có chế độ đãi ngộ tương xứng với đặc thù công việc của lực lượng lao động đặc biệt này.
Cũng theo dự kiến từ 1/7/2024 theo chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương về cải cách tiền lương, sẽ trả lương theo vị trí việc làm. Những phụ cấp, đặc thù ngành nghề sẽ bị bãi bỏ. Với vai trò là Chủ tịch công đoàn ngành Y tế Hà Nội, tôi nghĩ rằng Nhà nước nên duy trì phụ cấp đặc thù cho cán bộ y tế thêm một thời gian nữa. Để khi ổn định về chính sách tiền lương sẽ xem xét, nếu không cán bộ y tế sẽ băn khoăn về vấn đề này. Hoặc, vẫn cần có cơ chế đặc thù tính vào lương mới cho cán bộ, nhân viên y tế.
Đặc biệt, nhằm đảm bảo quyền lợi cho nhân viên y tế, đối với chính sách lương khởi điểm của bác sĩ ngành Y tế cần có sự điều chỉnh. Bởi ngành y là một ngành đặc biệt theo Nghị quyết 46/NQ-BCT của Bộ Chính trị, nhân lực y tế phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn và y đức, có cơ chế đào tạo đặc thù. Riêng đối với bác sĩ, thời gian đào tạo kéo dài 6 năm so với các ngành khác thời gian đào tạo chỉ là 4 năm. Tuy nhiên, phải mất thêm 18 tháng thực hành mới được hưởng lương bậc 1. Đề nghị chế độ chính sách tiền lương khởi điểm riêng với bác sĩ ngành y được áp dụng mức khởi điểm tương được bậc 2 là 2,67.
Còn đối với chính sách thâm niên nghề, so sánh với ngành Giáo dục, lao động trong ngành Y tế có phần vất vả, độc hại hơn nhiều nhưng họ không được hưởng chế độ thâm niên nghề như hiện nay ngành Giáo dục được hưởng. Đề nghị Đảng, Chính phủ quan tâm đến chế độ được hưởng chế độ thâm niên nghề y như đối với ngành Giáo dục.
PV: Xác định nhiệm vụ đặt ra với ngành Y tế Thủ đô năm 2024 và các năm tiếp theo là rất nặng nề. Vậy thời gian tới, Công đoàn ngành Y tế Hà Nội sẽ có những hoạt động gì để chia sẻ những khó khăn cũng như động viên cán bộ, nhân viên của ngành?
Đồng chí Trịnh Tố Tâm: Thời gian tới, ngành Y tế Hà Nội cần thực hiện đồng bộ các đề án, chương trình về nâng cao sức khỏe và tầm vóc người dân; tích cự triển khai Đề án 06 của Chính phủ về chuyển đồi số quốc gia, chú trọng đưa công nghệ mới vào việc chăm sóc sức khỏe, giảm thời gian khám và điều trị. Mặt khác, thực hiện cơ chế tự chủ đối với các bệnh viện đã được giao, tích cực triển khai các dự án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất của ngành Y tế; tăng cường năng lực hệ thống kiểm nghiệm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm... Bởi vậy, nhiệm vụ đặt lên vai của ngành Y tế Hà Nội, cũng như cán bộ, nhân viên y tế trong ngành là vô cùng lớn.
Phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn, trong thời gian tới Công đoàn ngành Y tế Hà Nội sẽ tiếp tục tập trung thực hiện tốt chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động. Thông qua việc thực hiện nhiệm vụ với nhiều hoạt động ý nghĩa và thiết thực, hướng về cơ sở như: Tổng kết phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, khen thưởng nữ cán bộ y tế; hỗ trợ nữ cán bộ y tế mắc bệnh hiểm nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; Tổ chức hội nghị biểu dương công nhân, điều dưỡng, kỹ thuật viên giỏi ngành y tế Thủ đô; biểu dương cán bộ Công đoàn tiêu biểu; khen thưởng phong trào sáng kiến, sáng tạo...
Mặt khác, Công đoàn ngành sẽ chỉ đạo các công đoàn cơ sở tăng cường công tác phối hợp, đề xuất với thủ trưởng đơn vị quan tâm, chăm lo cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động, mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh nghề nghiệp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho đoàn viên, người lao động; đổi mới và triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước một cách sâu rộng, đạt kết quả thực chất góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của ngành và thành phố trong năm 2024.
Bên cạnh đó, tiếp tục làm tốt công tác tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, nghiệp vụ công tác công đoàn cho đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở, góp phần xây dựng tổ chức Công đoàn ngành ngày càng vững mạnh.
PV: Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, Công đoàn ngành Y tế Hà Nội đã có những hoạt động gì nhằm biểu dương, khen thưởng cho đoàn viên, nhân viên trong ngành, thưa ông?
Đồng chí Trịnh Tố Tâm: Ngay từ đầu năm, Công đoàn ngành đã triển khai kế hoach, hướng dẫn các công đoàn cơ sở tổ chức các hoạt động chào mừng kỷ niệm 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2/1955- 27/2/2024. Bằng nhiều hình thức phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế, các đơn vị đã tổ chức liên hoan văn nghệ, thi thể dục thể thao, gặp mặt cán bộ nhân viên y tế… nhân ngày truyền thống của ngành. Việc tổ chức các hoạt động truyền thông đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, tránh phô trương, hình thức.
Còn đối với Công đoàn ngành Y tế Hà Nội, truyền thống hàng năm tới ngày 27/2 Công đoàn ngành đều tổ chức các hoạt động nhằm biểu dương, khen thưởng, tôn vinh thầy thuốc, cán bộ y tế có thành tích trong ngành; đồng thời đề xuất lên cấp ngành những thầy thuốc, cán bộ y tế có thành tích trong năm để biểu dương, khen thưởng.
Và ngày 20/2 vừa qua, Công đoàn ngành đã tổ chức gặp mặt thân mật các đồng chí cán bộ Công đoàn làm công tác chuyên môn trong ngành Y tế Hà Nội và tôn vinh 187 cá nhân là các y, bác sĩ, nhân viên y tế là cán bộ công đoàn cơ sở trực thuộc công đoàn ngành, nhân kỷ niệm 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam.
Cũng trong dịp 27/2, Công đoàn ngành cũng tổ chức đoàn công tác đi thăm, chúc mừng một số đơn vị trong ngành y tế Hà Nội như: Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, Trung tâm Y tế quận Ba Đình… Đây là những hoạt động ý nghĩa và thiết thực nhất nhằm ghi nhận những đóng góp to lớn của các tập thể cũng như cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên y tế đã nỗ lực cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh, điều trị, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân.
PV: Xin chân thành cảm ơn ông!
Minh Khuê (thực hiện)