Cần chế độ hỗ trợ phù hợp nạn nhân bị mua bán người

ĐBP - Thời gian qua, tỉnh ta đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống nạn mua bán người cũng như các hoạt động hỗ trợ cho nạn nhân bị mua bán ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng. Thống kê cho thấy, từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã phát hiện, điều tra làm rõ 39 vụ mua bán người, bắt giữ 77 đối tượng về hành vi mua bán người. Lực lượng chức năng đã tiếp nhận, xác minh 209 trường hợp bị mua bán và được Công an Trung Quốc trao trả.

Nhằm tạo điều kiện cho các nạn nhân được chăm sóc sức khỏe, được bảo vệ, hòa nhập cộng đồng, ngày 4/8/2016, HÐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 19/2016/NQ-HÐND về Quy định nội dung, mức chi cho công tác hỗ trợ nạn nhân; chế độ hỗ trợ nạn nhân của tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh; UBND tỉnh đã ra Quyết định số 16/2016/QÐ-UBND Quy định nội dung, mức chi cho công tác hỗ trợ nạn nhân; chế độ hỗ trợ nạn nhân của tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh.

Dự ước giai đoạn 2016 - 2020, kinh phí thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân trên địa bàn tỉnh là trên 9,6 tỷ đồng, trong đó: Kinh phí từ ngân sách Nhà nước hơn 1,9 tỷ đồng; các nguồn kinh phí từ tổ chức quốc tế trên 7,7 tỷ đồng và từ các nguồn huy động khác khoảng 3 triệu đồng. 100% nạn nhân sau khi được tiếp nhận đã được lực lượng chức năng của tỉnh tổ chức gặp gỡ, động viên, tư vấn, trợ giúp pháp lý để họ ổn định tâm lý, tinh thần và được hỗ trợ tiền tàu xe, sinh hoạt, trở về địa phương. Ðối với số nạn nhân có hộ khẩu trên địa bàn tỉnh khi trở về đã được ngành Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát nhu cầu, hướng dẫn làm hồ sơ đề nghị được hỗ trợ khó khăn ban đầu, hỗ trợ học nghề để ổn định cuộc sống.

Tuy nhiên, sau hơn 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 19/2016/NQ-HÐND và Quyết định 16/2016/QÐ-UBND, trong quá trình triển khai có một số mục chi chưa phù hợp. Cụ thể: Nhiều mức chi đã được thay đổi như mức chi công tác phí, tiền nước uống cho hội nghị, hội thảo, chi tiền ăn cho đại biểu không lương tham dự hội nghị tập huấn; chi hỗ trợ tiền ăn cho những ngày nạn nhân đi trên đường có thời gian hỗ trợ ngắn, tiền thuốc chữa bệnh thông thường cũng gặp nhiều vướng mắc... Ðơn cử như chế độ hỗ trợ y tế, các nạn nhân chủ yếu được khám sức khỏe ban đầu và điều trị các bệnh thông thường. Nhưng thực tế nhiều nạn nhân trong quá trình bị mua bán đã bị xâm hại, cưỡng bức, đánh đập, bị mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục cần phải chữa trị ngay, với chi phí khám và điều trị lên đến hàng triệu đồng, vượt quá khả năng chi trả của nạn nhân và cơ sở. Ngoài ra, một số nội dung chi cần thiết chưa được quy định như: Cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; chi thù lao cho cán bộ không hưởng lương được giao làm nhiệm vụ tư vấn tâm lý cho nạn nhân; chi hỗ trợ nước uống cho nạn nhân trong những ngày đi trên đường...

Trước thực tế trên, sau khi có ý kiến chấp thuận của Thường trực HÐND tỉnh, ngày 24/8/2020 UBND tỉnh đã có Công văn số 2464/UBND-TH giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Nghị quyết của HÐND tỉnh quy định nội dung, mức chi cho công tác hỗ trợ nạn nhân và chế độ hỗ trợ nạn nhân của tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh cho phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tiễn hiện nay trên địa bàn tỉnh.

Theo dự thảo Nghị quyết, ngoài quy định rõ nội dung và mức chi cho công tác hỗ trợ nạn nhân thì nội dung và mức chi chế độ hỗ trợ trực tiếp cho nạn nhân cũng được đưa ra cụ thể. Theo đó, trong thời gian nạn nhân tạm trú tại cơ sở hỗ trợ nạn nhân, trung tâm bảo trợ sẽ được hỗ trợ tiền ăn 40.000 đồng/người/ngày; thời gian hỗ trợ không quá 3 tháng; trong thời gian lưu trú tại cơ sở nạn nhân được hỗ trợ quần áo, vật dụng sinh hoạt cá nhân cần thiết với mức chi không quá 400.000 đồng/người; mức chi tiền ăn cho nạn nhân có nguyện vọng trở về nơi cư trú nhưng không có khả năng chi trả trong những ngày đi đường là 70.000 đồng/người/ngày (bao gồm cả tiền nước uống đi đường)... Ngoài ra, dự thảo Nghị quyết cũng quy định rõ nội dung và mức chi hỗ trợ về y tế; học văn hóa, học nghề, trợ cấp khó khăn ban đầu cho nạn nhân bị mua bán người. Trong đó, hỗ trợ một lần tiền trợ cấp khó khăn ban đầu đối với nạn nhân thuộc hộ nghèo khi trở về nơi cư trú (áp dụng đối với hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập) là 1.000.000 đồng/người.

Tại kỳ họp lần thứ 16, HÐND tỉnh khóa XIV dự kiến diễn ra trong tháng 12/2020, sẽ xem xét dự thảo Nghị quyết quy định nội dung, mức chi cho công tác hỗ trợ nạn nhân và chế độ hỗ trợ nạn nhân của tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh Ðiện Biên. Nếu thông qua, Nghị quyết sẽ góp phần bảo đảm và tạo điều kiện giúp các nạn nhân bị mua bán người trên địa bàn tỉnh sớm ổn định, yên tâm tái hòa nhập cộng đồng.

Thu Hằng

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/phap-luat/182979/can-che-do-ho-tro-phu-hop-nan-nhan-bi-mua-ban-nguoi