Cần chế tài xử lý mạnh hơn với hành vi vi phạm nghiêm trọng về dữ liệu cá nhân

Tình trạng mua bán, trao đổi, làm lộ thông tin cá nhân thời gian qua diễn ra phổ biến là do các quy định về xử lý hành chính, dân sự, hình sự trong lĩnh vực này còn nhiều hạn chế, chưa cập nhật đầy đủ các hành vi vi phạm.

Trao đổi với phóng viên, Luật sư Phạm Thành Tài, Giám đốc Công ty Luật Phạm Danh cho rằng, trước thực trạng này, nhu cầu hoàn thiện khung pháp lý về bảo vệ dữ liệu cá nhân trở nên cấp thiết, để bảo vệ quyền riêng tư của công dân cũng như đảm bảo tính bền vững của nền kinh tế và sự phát triển của xã hội.

Quy định hiện hành còn hạn chế

PV: Hiến pháp năm 2013 khẳng định, quyền riêng tư của cá nhân là bất khả xâm phạm, đồng thời phát triển mở rộng phạm vi quyền riêng tư không chỉ là quyền bất khả xâm phạm về thân thể, nhà ở, thư tín mà còn bao gồm quyền bảo vệ bí mật cá nhân, trong đó có thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình (Điều 21). Chúng ta đã có những bộ luật, luật, pháp lệnh, nghị định nào sát với quy định này của Hiến pháp thưa luật sư?

Luật sư Phạm Thành Tài: Hiện nay, Việt Nam đã xây dựng được một hệ thống văn bản pháp luật về việc bảo vệ quyền bí mật đời tư. Sau Hiến pháp là các văn bản luật như Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại, Luật Giao dịch điện tử, Luật An ninh mạng,… và rất nhiều văn bản dưới luật đã có những quy định về dữ liệu điện tử, dữ liệu cá nhân, quy định về thu thập, sử dụng, bảo vệ dữ liệu cá nhân, dữ liệu của người tiêu dùng, của khách hàng, của công dân.

Với những hành vi thu thập trái phép dữ liệu cá nhân, sử dụng trái phép dữ liệu cá nhân, chia sẻ, mua bán, chiếm đoạt trái phép dữ liệu cá nhân, hoặc các hành vi xâm nhập vào mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử, thư tín, điện tín, điện thoại của người khác thì đều là các hành vi vi phạm pháp luật.

Đối tượng thực hiện hành vi vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại các nghị định về xử phạt hành chính như Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử và Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Luật sư Phạm Thành Tài, Giám đốc Công ty Luật Phạm Danh

Luật sư Phạm Thành Tài, Giám đốc Công ty Luật Phạm Danh

PV: Theo thống kê của Bộ Công an, hiện có 69 văn bản quy phạm pháp luật liên quan trực tiếp đến bảo vệ dữ liệu cá nhân tại Việt Nam, trong đó có: Hiến pháp, 4 bộ luật, 39 luật, 1 pháp lệnh, 19 nghị định, 4 thông tư/thông tư liên tịch, 1 quyết định của bộ trưởng. Những văn bản này đã có sự thống nhất, hoàn chỉnh chưa thưa luật sư?

Luật sư Phạm Thành Tài: Hệ thống pháp luật Việt Nam ghi nhận sự tồn tại của 69 văn bản quy phạm pháp luật đề cập đến các khía cạnh liên quan tới dữ liệu cá nhân (như thông tin cá nhân, bí mật cá nhân, dữ liệu số...), nhưng với phạm vi và nội hàm khác nhau, chưa tạo thành một hệ thống hoàn chỉnh và vẫn tồn tại sự thiếu thống nhất.

Dễ thấy nhất là có tới 10 thuật ngữ liên quan đến thông tin cá nhân, được diễn giải theo nhiều cách khác nhau tại các văn bản quy phạm pháp luật này, bao gồm: “dữ liệu cá nhân”, “thông tin cá nhân”, “thông tin riêng”, “thông tin riêng tư”, “thông tin số”, “thông tin cá nhân trên môi trường mạng”, “thông tin bí mật đời tư”, “thông tin về đời sống riêng tư”, “bí mật gia đình”, “quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư”, “cơ sở dữ liệu điện tử” và “thông tin của người tiêu dùng”.

Như vậy rõ ràng là đã có sự thiếu thống nhất ngay từ việc định nghĩa và xác định nội hàm của các khái niệm “dữ liệu cá nhân” và “bảo vệ dữ liệu cá nhân” tại các văn bản quy phạm pháp luật này.

PV: Thưa luật sư, Nghị định số 13/2023/NĐ-CP quy định không được mua, bán dữ liệu cá nhân dưới mọi hình thức nhưng vì sao trên thực tế tình trạng mua bán, trao đổi, làm lộ thông tin cá nhân vẫn diễn ra phổ biến?

Luật sư Phạm Thành Tài: Tình trạng mua bán, trao đổi, làm lộ thông tin cá nhân vẫn diễn ra phổ biến nguyên nhân là do các quy định về xử lý hành chính, dân sự, hình sự trong lĩnh vực này còn hạn chế, chưa cập nhật đầy đủ các hành vi vi phạm mặc dù ai cũng biết các hành vi làm lộ, làm lọt, chiếm đoạt, mua bán,… dữ liệu cá nhân mà không có sự đồng ý của chủ thể đều là hành vi vi phạm pháp luật.

Hiện nay, chỉ có một số hành vi vi phạm sẽ bị xử lý trong lĩnh vực tiết lộ thông tin cá nhân theo quy định tại Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ. Bên cạnh đó, chế tài xử lý hình sự các tội liên quan đến xâm phạm thông tin cá nhân và dữ liệu cá nhân còn chưa đầy đủ, chưa bao hàm hết các hành vi vi phạm pháp luật liên quan tới thông tin cá nhân và dữ liệu cá nhân đang diễn ra tràn lan hiện nay.

Bước tiến quan trọng trong xây dựng hành lang pháp lý bảo vệ quyền lợi của cá nhân trong môi trường số

PV: Xin luật sư cho biết, tính cấp thiết của việc ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân trong bối cảnh hiện nay?

Luật sư Phạm Thành Tài: Nghị định 13/2023/NĐ-CP ngày 17/4/2023 về bảo vệ dữ liệu cá nhân đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc xây dựng hành lang pháp lý nhằm bảo vệ quyền lợi của cá nhân trong môi trường số. Tuy nhiên, quá trình thực thi Nghị định này gặp nhiều thách thức do người dân còn lúng túng trong việc tuân thủ quy định, đồng thời cũng tồn tại những khoảng trống pháp lý liên quan đến quyền kiểm soát dữ liệu, cơ chế chuyển dữ liệu, trách nhiệm của các bên liên quan...

Trước thực trạng này, nhu cầu hoàn thiện khung pháp lý về bảo vệ dữ liệu cá nhân trở nên cấp thiết, để bảo vệ quyền riêng tư của công dân cũng như đảm bảo tính bền vững của nền kinh tế và sự phát triển của xã hội.

Riêng đối với việc có những mâu thuẫn trong định nghĩa và xác định nội hàm của các khái niệm “dữ liệu cá nhân” và “bảo vệ dữ liệu cá nhân” tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện có, mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định số 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân nhằm đưa ra định nghĩa chính thức cho các khái niệm này, tuy nhiên, do tính chất là một văn bản dưới luật, Nghị định vẫn cần được củng cố bằng một văn bản luật để đảm bảo tính thống nhất và hiệu lực trong thực tiễn áp dụng.

Điều này đặt ra yêu cầu phải thống nhất về thuật ngữ “dữ liệu cá nhân” ở tầm văn bản luật, bảo đảm sự đồng bộ về nội dung, phạm vi và cách thức trong trường hợp áp dụng cụ thể. Do vậy, các cơ quan có thẩm quyền cần sớm nghiên cứu và ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, đưa vào áp dụng thống nhất các thuật ngữ, để tạo ra một hành lang pháp lý vững chắc cho việc sử dụng dữ liệu cá nhân, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý nhà nước, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

PV: Dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân chưa đưa ra mức xử lý hình sự cụ thể trong các trường hợp nghiêm trọng như đánh cắp, buôn bán dữ liệu cá nhân. Theo luật sư có cần thiết phải bổ sung quy định cụ thể về trách nhiệm hình sự với những vi phạm lớn trong luật hay không?

Luật sư Phạm Thành Tài: Việc bổ sung quy định chế tài mạnh hơn về trách nhiệm hình sự với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng như đánh cắp, buôn bán dữ liệu cá nhân là cần thiết để đảm bảo tính răn đe của pháp luật và hiệu quả thực thi khi triển khai trên thực tế.

Hiện nay, vi phạm các quy định về thông tin cá nhân có thể bị xử phạt hình sự theo 2 tội danh tại Điều 159 và Điều 288, với mức hình phạt cao nhất là 7 năm tù giam theo quy định của Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Tuy nhiên, do chưa có quy định cụ thể về các yếu tố cấu thành trong hoạt động mua, bán dữ liệu cá nhân, nhất là hoạt động có sự trung gian của nhiều cá nhân, tổ chức nên thường khó chứng minh tội phạm trong thực tế, dẫn đến việc xử lý hình sự đối với những hành vi này còn ít. Do vậy, Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân nếu như không đưa ra các quy định mức xử lý hình sự đối với các vi phạm nghiêm trọng quả thật là một thiếu sót. Vì vậy, các cơ quan có thẩm quyền nên cân nhắc thêm về nội dung này.

BOX: Dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân do Bộ Công an chủ trì xây dựng đã trình Quốc hội khóa XV xem xét, cho ý kiến và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 9 đang diễn ra.

Nguyễn Vân/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/phap-luat/can-che-tai-xu-ly-manh-hon-voi-hanh-vi-vi-pham-nghiem-trong-ve-du-lieu-ca-nhan-post1199352.vov