Cần 'chiếc áo đủ rộng' để thu hút hàng trăm tỷ đô đến Việt Nam

Nghị quyết 39-NQ/TW năm 2019 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế đặt mục tiêu đa dạng hóa các hình thức huy động và sử dụng nguồn lực; thúc đẩy xã hội hóa, thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước. Theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG), việc lập trung tâm tài chính tầm cỡ quốc tế sẽ là điểm đột phá giúp thu hút dòng vốn lên đến hàng trăm tỷ USD để thúc đẩy phát triển kinh tế.

TP. Hồ Chí Minh được đánh giá là địa điểm lý tưởng để hình thành một trung tâm tài chính tầm cỡ quốc tế.

TP. Hồ Chí Minh được đánh giá là địa điểm lý tưởng để hình thành một trung tâm tài chính tầm cỡ quốc tế.

PV: Thưa ông, việc thu hút và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực tài chính đang là một trong những vấn đề then chốt đối với sự phát triển bền vững của kinh tế Việt Nam. Nhìn nhận từ vị thế một tập đoàn lớn hàng đầu, ông có chia sẻ gì về cơ chế để thu hút được các nguồn lực tài chính cho nền kinh tế?

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn: Nhiều năm qua, Việt Nam đã đạt được những bước tiến quan trọng trong việc huy động và phân bổ nguồn lực tài chính cho phát triển. Tuy nhiên, chúng ta cũng đang đối diện với một số hạn chế như nguồn lực tài chính chưa được phân bổ hiệu quả, thiếu cơ chế kết nối giữa các nguồn vốn trong và ngoài nước, công cụ tài chính hiện đại và các dịch vụ tài chính số chưa phát triển đồng bộ. Theo tôi, một số giải pháp chính để nâng cao hiệu quả khai thác nguồn lực tài chính là:

Thứ nhất là có cơ chế thúc đẩy hợp tác công tư (PPP). Hiện nay thu hút đầu tư PPP đa số tại các dự án hạ tầng, chúng ta nên mở rộng sang các dự án tài chính, các dự án lớn về cơ sở hạ tầng tài chính, quỹ đầu tư mạo hiểm và các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, năng lượng, công nghệ thông tin và các dự án công cộng có ý nghĩa chiến lược.

Để làm được điều này, cần tiếp tục hoàn thiện luật pháp về PPP để minh bạch và ổn định hơn, đặc biệt là về quy trình đấu thầu, phân chia rủi ro giữa các bên, bảo đảm quyền lợi cho các nhà đầu tư tư nhân; đa dạng hóa các hình thức đầu tư…

Thứ hai là có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp và tập đoàn kinh tế tư nhân tiếp cận vốn từ thị trường vốn quốc tế. Theo đó, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc phát hành trái phiếu quốc tế, thúc đẩy quá trình niêm yết trên các sàn giao dịch quốc tế, tạo điều kiện để họ tiếp cận được nguồn vốn lớn từ nhà đầu tư nước ngoài. Tăng cường hợp tác với các tổ chức tài chính quốc tế.

Thứ ba là mở rộng và cải thiện khung pháp lý để thu hút vốn ngoại: Chính phủ cần xem xét mở rộng room giới hạn sở hữu và điều chỉnh các chính sách ưu đãi để thu hút các tập đoàn tài chính quốc tế lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho họ tham gia vào việc phát triển thị trường tài chính. Điều này không chỉ giúp tăng cường nguồn lực mà còn mang lại công nghệ quản trị hiện đại và tri thức tài chính tiên tiến.

Thứ tư chú trọng vai trò của trung tâm tài chính quốc tế trong việc huy động nguồn lực tài chính cho Việt Nam và xây dựng cơ chế để hình thành trung tâm tài chính quốc tế.

PV: Định hướng từng bước thành lập trung tâm tài chính quốc tế đã được nêu trong các văn kiện của Đảng, Nghị quyết của Bộ Chính trị. Các đề xuất về thành lập trung tâm tài chính ở Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội cũng được nêu đã lâu nhưng chưa thành hiện thực. Được biết IPPG cũng rất tâm huyết với vấn đề này, xin ông cho biết một số thông tin về quá trình hình thành, xây dựng đề án này?

Tạo sự kết nối tốt hơn giữa các nguồn vốn trong nước và quốc tế

Hiện tại, Việt Nam đã có nền tảng tốt với hệ thống ngân hàng và thị trường tài chính đang phát triển. Tuy nhiên, việc tập trung các dịch vụ tài chính vào một trung tâm quy mô lớn sẽ tạo ra sự kết nối tốt hơn giữa các nguồn vốn trong nước và quốc tế. Điều này sẽ nâng cao khả năng huy động vốn cho các dự án quan trọng, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho hay.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn: Việc xây dựng một trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam là chiến lược dài hạn có ý nghĩa quan trọng, không chỉ để thu hút nguồn lực tài chính mà còn nâng tầm vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh tế toàn cầu. Vì thế, chúng tôi rất tâm huyết với việc này và từ năm 2014 đã làm việc với các tập đoàn tài chính lớn ở Anh, Mỹ, Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản...

Chúng tôi đã xây dựng một đề án với khối lượng tài liệu lên đến 20kg, sau đó, qua các lần tham gia ý kiến được rút gọn còn khoảng 700 trang. Từ năm 2016, chúng tôi đã đệ trình một cơ chế cho trung tâm tài chính với sự cố vấn của một công ty tài chính của Luân Đôn. Chúng tôi đã nhận được những góp ý của các nhiều bộ, ban ngành, sửa đổi, đóng góp thêm cho phù hợp, tuy nhiên đến nay đề án vẫn chưa có thêm tiến triển gì.

Cách đây 2 năm, nếu được thông qua, phía nhà đầu tư Mỹ đã cam kết trước mắt họ sẽ đồng ý rót vốn khoảng 10 tỷ USD vào Việt Nam để lập 2 trung tâm tài chính ở TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Văn bản cam kết này tôi vẫn đang giữ và cũng đã gửi cho các bộ ban, ngành.

Khoản vốn 10 tỷ USD ban đầu này sẽ là bước đệm để thu hút đầu tư thêm khoảng 120 tỷ USD nữa cho các trung tâm này, đưa nguồn vốn vào luân chuyển cho các nhu cầu phát triển kinh tế Việt Nam.

PV: Theo ông, điều các nhà đầu tư cần nhất khi quyết định rót vốn vào Việt Nam là gì?

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn: Các nhà đầu tư cần một cơ chế cởi mở và đột phá hơn. Họ cần sự cam kết từ Chính phủ và một chiến lược rõ ràng để thấy rằng đây là một kế hoạch bền vững và có tiềm năng. Hiện tại, chúng ta thiếu một chiến lược tổng thể rõ ràng về phát triển trung tâm tài chính. “Chiếc áo” cơ chế hiện nay quá chật, cần có chiếc áo mới phù hợp với nhu cầu phát triển mới. Nếu chúng ta chỉ chọn phương án an toàn thì sẽ không có sự đột phá.

Cơ chế trung tâm tài chính hiện nay vẫn đang dừng ở việc thành lập Ban chỉ đạo đề án thành lập trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. Để ra cơ chế rõ ràng phải có người chấp bút và người chấp bút đó phải hiểu được doanh nghiệp nội địa cần gì, doanh nghiệp quốc tế cần gì. Điều này trong cơ chế chúng tôi trình 8 năm trước đã có đầy đủ.

Chúng ta có nguồn lực tài chính tốt, có sự nỗ lực nhưng nhu cầu của Việt Nam quá lớn. Muốn phát triển vượt trội lên thì phải có vốn nước ngoài. Để thu hút được họ thì tất nhiên chúng ta phải hiểu họ cần gì, có cơ chế tạo sân chơi an toàn và hấp dẫn cho họ, chứ không phải tự nhiên họ mang tiền đến cho chúng ta.

PV: Xin cảm ơn ông!

Nâng cao vị thế của Việt Nam trong bản đồ kinh tế toàn cầu

Theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, việc thành lập trung tâm tài chính sẽ thu hút các định chế tài chính quốc tế và dòng vốn FDI chất lượng cao.

Với việc xây dựng một môi trường đầu tư minh bạch, pháp lý rõ ràng và cơ sở hạ tầng hiện đại, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một điểm đến lý tưởng cho các tập đoàn tài chính và nhà đầu tư quốc tế. Điều này không chỉ mang lại nguồn vốn dồi dào mà còn thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ và tri thức tài chính tiên tiến cho nền kinh tế Việt Nam.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh cạnh tranh khu vực ngày càng gay gắt, việc có một trung tâm tài chính tầm cỡ quốc tế sẽ giúp Việt Nam khẳng định vai trò và vị trí của mình trong mạng lưới kinh tế toàn cầu, qua đó mở rộng thêm cơ hội hợp tác quốc tế và tham gia sâu hơn vào các tổ chức tài chính quốc tế.

Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam sẽ liên kết với các trung tâm tài chính lớn trong khu vực như Singapore, Hồng Kông và Thượng Hải để tận dụng mạng lưới vốn và dòng chảy tài chính quốc tế. Đồng thời, thúc đẩy các cơ chế hợp tác tài chính và thương mại với các quốc gia khác, tạo điều kiện cho dòng vốn xuyên biên giới đổ về Việt Nam.

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/can-chiec-ao-du-rong-de-thu-hut-hang-tram-ty-do-den-viet-nam-158175-158175.html