Cần chiến lược tốt và đôi tay dạn dày kinh nghiệm

Đối với các bác sĩ can thiệp, điều trị tái tưới máu cơ tim cho những bệnh nhân bị tổn thương thân chung động mạch vành và tổn thương chỗ phân nhánh gần luôn là thử thách, bởi thủ thuật này có nguy cơ cao, tỉ lệ biến chứng lớn. Nhưng đổi lại, trái tim bệnh nhân sẽ được tái tưới máu một vùng cơ tim rất lớn; kết quả lâu dài là giảm được triệu chứng, cải thiện chất lượng sống và đặc biệt giảm được tỉ lệ tử vong mà không phải trải qua một cuộc mổ lớn như trước đây(*).

Động mạch vành của bệnh nhân T trước và sau khi can thiệp. Ảnh: YÊN LAN

Trong những trường hợp như thế này, bác sĩ can thiệp phải phân tích, đánh giá và đưa ra chiến lược tốt nhất cho bệnh nhân. Thực hiện thủ thuật này phải là thủ thuật viên dạn dày kinh nghiệm.

Hai ca can thiệp mạch vành rất phức tạp về kỹ thuật vừa được chuyên gia Bệnh viện Thống Nhất TP Hồ Chí Minh thực hiện cùng ê kíp Đơn nguyên Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên trong đợt chuyển giao kỹ thuật mới đây. Các bệnh nhân được điều trị tái tưới máu cơ tim bằng kỹ thuật tiên tiến, còn các bác sĩ can thiệp trẻ ở Bệnh viện Đa khoa Phú Yên học hỏi về việc lựa chọn chiến lược can thiệp.

Được Bệnh viện Thống Nhất chuyển giao kỹ thuật, sau ba năm đi vào hoạt động (ngày 24/12/2016), Đơn nguyên Tim mạch can thiệp Bệnh viện Đa khoa Phú Yên từng bước làm chủ kỹ thuật can thiệp mạch vành qua da, đã thực hiện thành công một số ca can thiệp thường quy và cấp cứu. Các ca can thiệp phức tạp về kỹ thuật như trên do chuyên gia thực hiện cùng các bác sĩ can thiệp của đơn nguyên giúp ê kíp trẻ tiếp tục nâng cao tay nghề.

Cách đây hơn 3 tuần, bệnh nhân Đ.X.T (sinh năm 1955, ở xã An Ninh Tây, huyện Tuy An) nhập viện với những cơn đau thắt ngực. Chụp động mạch vành cung cấp máu nuôi cơ tim bằng thiết bị DSA, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị bệnh mạch vành 2 nhánh có tổn thương phức tạp liên quan đến thân chung mạch vành trái.

Khi đó, ê kíp can thiệp do ThS-BS Phan Văn Trực, Phó Trưởng Khoa Tim mạch cấp cứu can thiệp, Bệnh viện Thống Nhất TP Hồ Chí Minh làm thủ thuật viên chính đã can thiệp, mở trước vị trí hẹp nặng ở đoạn giữa động mạch liên thất trước cho bệnh nhân. Sau 3 tuần, bệnh nhân T trở lại Đơn nguyên Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên để được tiếp tục can thiệp tổn thương thân chung động mạch vành trái ở ngay “ngã ba” chia ra các nhánh mạch máu lớn.

Đây là ca khó về kỹ thuật và nguy cơ cao, vì thân chung là nơi xuất phát hai nhánh lớn động mạch vành (động mạch liên thất trước và động mạch mũ) cung cấp 70-80% máu nuôi toàn bộ cơ tim trái. Trong quá trình thực hiện can thiệp, nếu có sự cố gì thì toàn bộ cơ tim trái không có máu tưới, rất nguy hiểm, đòi hỏi bác sĩ can thiệp phải có nhiều kinh nghiệm.

PGS.TS.BS Hồ Thượng Dũng, Chủ tịch Hội Tim mạch can thiệp Việt Nam, Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, thủ thuật viên chính, cho biết: “Vấn đề đặt ra là làm sao mở được vị trí bị hẹp trên thân chung mà vẫn giữ cho “ngã ba” mạch máu thông suốt. Vì khi can thiệp tại “ngã ba” mạch máu, lúc mở thông vị trí bị tắc nghẽn do xơ vữa ở một mạch máu này thì có nguy cơ đẩy hoặc lùa khối xơ vữa sang nhánh khác gây tắc hẹp nhánh mạch máu khác trong “ngã ba” (từ chuyên môn gọi là chuyển dịch mảng xơ vữa - plaque shift hay hiện tượng đùa tuyết - snow plough, giống như khi người ta ủi tuyết trên đường đóng tuyết trong mùa đông ở xứ lạnh, sẽ làm tuyết dồn sang hai bên và gây tắc ở nơi con đường chia nhánh).

Ca can thiệp này đã được thực hiện thành công bằng kỹ thuật can thiệp 2 stent ở tổn thương phân nhánh, mở thông thân chung đoạn xa, giữ thông lỗ và đường vào các nhánh lớn nuôi cơ tim trái và đã tái tưới máu toàn bộ cơ tim trái.

Ca khó thứ hai được chuyển đến từ Trung tâm Y tế TP Tuy Hòa. Bệnh nhân L.V.L (sinh năm 1961, ở huyện Đông Hòa) bị đau ngực, khó thở từ 3 ngày trước đó, nhập viện trong tình trạng suy tim cấp và phù phổi cấp (một bệnh cảnh nguy kịch của suy tim cấp) do bị nhồi máu cơ tim cấp trên nền bệnh mạch vành mạn tính. Kết quả chụp DSA cho thấy động mạch vành trái bị tổn thương nặng nề ở đoạn gần ngay sát thân chung (hẹp 60-70%) và tắc ở đoạn giữa. Phần cơ tim bên trái xa nhận máu nuôi dưỡng từ động mạch vành phải (tuần hoàn bàng hệ), mà chính nhánh này cũng bị hai tổn thương hẹp khít nặng.

PGS Hồ Thượng Dũng cho biết có hai chiến lược điều trị tái tưới máu cho ca này. Thứ nhất là mở tổn thương tắc ở động mạch bên trái trước để giúp cơ tim trái hồi phục tốt, nhưng sẽ rất khó khăn về kỹ thuật do đã tắc lâu ngày. Chiến lược thứ hai là mở các chỗ bị tổn thương hẹp ở động mạch vành phải, giúp tăng tuần hoàn bàng hệ sang nuôi dưỡng bên trái. “Chúng tôi chọn chiến lược thứ nhất, vì nhận định có thể mở được tổn thương tắc ở động mạch liên thất trước bên trái, và như vậy một vùng cơ tim của bệnh nhân sẽ được tái tưới máu trực tiếp nhiều hơn và có lợi cho bệnh nhân hơn nhiều. Thủ thuật được thực hiện thành công, mở thông mạch vành trực tiếp bên trái. Sau này, bệnh nhân sẽ được can thiệp một lần nữa để mở nhánh bên phải dễ dàng hơn và an toàn hơn”, PGS Hồ Thượng Dũng nói.

Bác sĩ Lê Duy (Đơn nguyên Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên), chia sẻ: “Tham gia can thiệp những ca này, chúng tôi được học hỏi về chiến lược can thiệp. Có nhiều chiến lược can thiệp khác nhau cho những ca phức tạp. Bác sĩ can thiệp phải phân tích, đánh giá và đưa ra chiến lược hợp lý nhất. Với những ca phức tạp thì thủ thuật cân bằng giữa hiệu quả đạt được và nguy cơ có thể xảy ra, để bệnh nhân đạt được lợi ích tối đa từ thủ thuật nhưng vẫn đảm bảo an toàn”.

---------------------

(*) Trước đây, những trường hợp như thế này đều bắt buộc phải mổ tim hở

YÊN LAN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/233319/can-chien-luoc-tot-va-doi-tay-dan-day-kinh-nghiem.html