Cần chính sách thiết thực để phát triển kinh tế tư nhân

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, ngày 16/5, Quốc hội tiến hành thảo luận về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia kỳ họp. Ảnh: THÙY LÂM

Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia kỳ họp. Ảnh: THÙY LÂM

Các ĐBQH tán thành với việc xây dựng và ban hành nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân để tạo động lực mới, giải phóng nguồn lực, phát triển đất nước. Tại buổi thảo luận chiều 15/5, ĐBQH Lê Đào An Xuân cho rằng trước nay đã có nhiều quy định, chính sách để phát triển doanh nghiệp nói chung, kinh tế tư nhân nói riêng. Nhiều chính sách tốt nhưng việc triển khai thực tế các quy định gặp nhiều khó khăn do không chuẩn bị kỹ về nguồn lực, thủ tục để hưởng chính sách rườm rà, thiếu nhất quán,… nên doanh nghiệp không mặn mà. Đây là điểm nghẽn cần tháo gỡ khi xây dựng nghị quyết.

Đại biểu Lê Đào An Xuân cũng đề nghị làm rõ hơn đối với quy định tại Điều 4 về nguyên tắc, tần suất thanh tra, kiểm tra và đề nghị bổ sung trong quá trình thanh tra, kiểm tra cơ quan nhà nước không yêu cầu doanh nghiệp xuất trình các loại giấy tờ do chính cơ quan nhà nước đó đã cấp, các loại giấy tờ đã được công bố hoặc đã được cập nhật trên các cơ sở dữ liệu quốc gia mà cơ quan đó có quyền truy cập. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, cấp phép, ngoài việc viện dẫn quy định của pháp luật, doanh nghiệp có quyền viện dẫn các trường hợp tương tự đã có kết luận trước đó của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để bảo vệ quyền lợi của mình.

Theo ĐBQH Lê Đào An Xuân, dự thảo nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân cần tiếp tục thể chế hóa Nghị quyết 68-NQ/TW, có giải pháp để cắt giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính; do đó, cần rà soát các thủ tục hành chính không cần thiết để sớm loại bỏ. Đồng thời, Nghị quyết 68-NQ/TW đặt mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, nghĩa là 5 năm tới, chúng ta phải có thêm 1 triệu doanh nghiệp; để đạt mục tiêu này, dự thảo nghị quyết cần có các giải pháp cụ thể như cải thiện môi trường kinh doanh; các thủ tục thành lập doanh nghiệp phải thật sự thuận lợi hơn.

Phát biểu thảo luận dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị bổ sung thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh, UBND cấp tỉnh và HĐND cấp xã, UBND cấp xã được quy định thủ tục hành chính trong trường hợp được luật, nghị quyết của Quốc hội giao.

Về dự thảo Luật xử lý vi phạm hành chính, các ĐBQH tỉnh góp ý các nội dung liên quan đến thủ tục xử lý vi phạm hành chính, việc xử lý các tài sản tạm giữ… để đảm bảo quyền lợi của các bên.

THÙY LÂM

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/chinh-tri/202505/can-chinh-sach-thiet-thuc-de-phat-trien-kinh-te-tu-nhan-dfb5d7d/