Cần chủ động gỡ vướng bất động sản

Luật liên quan đến nhiều vấn đề, khía cạnh đời sống xã hội, quy trình thảo luận và cho ý kiến khó làm đồng thời cùng lúc.

Vì thế, trong tình hình hiện nay, chờ đến khi Quốc hội thông qua 3 dự án luật Luật Kinh doanh Bất động sản (BĐS) (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi) để gỡ vướng cho các dự án BĐS còn lại, khả năng sẽ ảnh hưởng tăng trưởng kinh tế năm 2023; doanh nghiệp mất cơ hội kinh doanh, giảm nguồn cung trên thị trường, người dân càng khó mua nhà tại thời điểm quan trọng.

Đã có chủ trương về mặt pháp lý, chính quyền địa phương nên chủ động gỡ vướng cho các dự án BĐS bởi đó cũng là trách nhiệm phải giải quyết.

Tổ công tác của Thủ tướng đã tháo gỡ các khó khăn, trở ngại trong thời gian qua dễ thấy phần lớn chỉ là hướng dẫn, giải đáp; vừa đôn đốc các địa phương thực hiện, có nơi làm tốt và nhiều nơi thì vẫn tắc.

Thủ tướng cũng ban hành nhiều chỉ đạo giải quyết, biện pháp rất cụ thể và quyết liệt để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho thị trường BĐS tại nhiều văn bản. Tháo gỡ trở ngại về mặt thể chế, Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), dự thảo Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi).

Phát biểu tại Hội nghị gỡ khó cho thị trường BĐS, Thủ tướng đã phê bình "Một số cán bộ, công chức, cơ quan, đơn vị thực thi pháp luật có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, sợ rủi ro pháp lý dẫn đến đùn đẩy, chậm xử lý, không dám đề xuất, không dám quyết định".

Thủ tục hành chính, giải ngân vốn đầu tư cũng vậy. Nếu người có thẩm quyền biết làm, dám quyết sẽ hạn chế các văn bản qua lại hỏi ý kiến. Hay cá nhân được giao thụ lý giải quyết nếu xét thấy hồ sơ chưa đầy đủ sẽ yêu cầu bổ sung, sai sót sẽ tìm cách tốt nhất và góp ý khắc phục với tinh thần sớm thông qua. Những hồ sơ còn thiếu, sai sót không đáng kể, không ảnh hưởng chất lượng dự án, dịch vụ vẫn có thể linh hoạt đề xuất tham mưu, giải quyết thông qua và ghi rõ trong đó nội dung cần khắc phục hay bổ sung. Còn nếu lo sợ trách nhiệm, đùn đẩy công việc, trì hoãn giải quyết thủ tục thì tất nhiên sẽ chọn khâu dễ dàng nhất là trả hồ sơ.

Nhìn nhận một cách khách quan, mỗi dự án có quy mô lớn thường liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị. Một khi gắn trách nhiệm cá nhân, phân công nhiệm vụ cụ thể và ràng buộc lộ trình sẽ nâng cao tính tự giác. Riêng các trường hợp cán bộ muốn trong phạm vi an toàn, quan niệm làm ít sai ít làm nhiều sai nhiều, hay đùn đẩy trách nhiệm rồi nhìn nhau trong thực thi công vụ thì cần "liều thuốc đặc trị" đủ mạnh.

Chính phủ đã quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, miễn trừ trách nhiệm khi động cơ trong sáng thì không còn lý do gì thoái thác.

Thúc đẩy tăng trưởng phát triển kinh tế, gỡ vướng cho các dự án BĐS có yếu tố quan trọng. Một dự án BĐS thường có quy mô lớn đáp ứng tiêu chuẩn được triển khai xây dựng kéo theo hàng loạt nhu cầu nguyên vật liệu, nhân công, máy móc, thiết bị. Ngoài ra, góp phần đáp ứng nguồn cung trên thị trường. Hàng trăm dự án như vậy nếu được triển khai càng tạo sự lan tỏa gấp nhiều lần, nhu cầu vốn sẽ tăng, vừa giải bài toán tồn kho tiền tại ngân hàng cũng như các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế giải ngân đến nay quá ít.

Rõ ràng các vướng mắc pháp lý đã được Chính phủ và Quốc hội nỗ lực giải quyết và có thể hy vọng sớm khắc phục, chủ trương khai thông ách tắc giải quyết các trở ngại liên quan cũng đã có, bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm. Lúc này rất cần thái độ làm việc của cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu để các chủ trương của trung ương được thực hiện một cách thông suốt. Nếu còn tình trạng có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, sợ rủi ro pháp lý, chờ hướng dẫn hay hối thúc mới làm thì mọi chuyện vẫn như cũ.

Trần Văn Trãi

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ban-doc/can-chu-dong-go-vuong-bat-dong-san-20231110211740318.htm