Cần chủ động mọi kịch bản khi thực hiện phổ cập giáo dục mầm non trẻ 3-4 tuổi

Số lượng và chất lượng đội ngũ giáo viên đóng vai trò quyết định đến thành quả thực hiện đề án phổ cập giáo dục mầm non trẻ em 3-4 tuổi.

Đề án “Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo (3-4 tuổi) và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2023-2030” đang được ngành giáo dục nỗ lực hoàn thiện, trình Chính phủ để tiến tới thực hiện.

Song, khó khăn mà hầu hết các địa phương đang phải đối mặt đó là thiếu cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học, đặc biệt là đội ngũ giáo viên, trình độ giáo viên vẫn chưa đạt chuẩn theo Luật Giáo dục 2019.

Thiếu giáo viên mầm non nhưng 400 chỉ tiêu tồn đọng vẫn chưa tuyển đủ

Đề án “Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo (3-4 tuổi) và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2023-2030” với mục tiêu cụ thể là đảm bảo tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo được huy động đến cơ sở giáo dục mầm non để thực hiện nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục theo Chương trình giáo dục mầm non đạt 95% vào năm 2025, đạt 97% vào năm 2030.

Tiết học của cô và trò khối mầm non ở tỉnh Gia Lai. (Ảnh: Báo Gia Lai)

Tiết học của cô và trò khối mầm non ở tỉnh Gia Lai. (Ảnh: Báo Gia Lai)

Trao đổi về vấn đề này với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Thị Phương Huệ, Phó Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai cho biết, đề án với những nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể được kỳ vọng là "đòn bẩy" nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo bậc mầm non của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.

“Mục tiêu của đề án mang ý nghĩa thực tiễn lớn, nâng cao và duy trì chất lượng, từng bước củng cố mạng lưới các trường, lớp. Đặc biệt, thúc đẩy tỷ lệ trẻ em mẫu giáo đến tuổi được tiếp cận và hưởng quyền lợi từ chương trình giáo dục mầm non một cách công bằng.

Tuy nhiên, hiện tại, thực tế ngành giáo dục mầm non đang thiếu từ nguồn lực con người đến cơ sở vật chất nên nếu việc triển khai phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3-4 tuổi được thực hiện, sẽ dự báo nhiều bất cập”, Thạc sĩ Nguyễn Thị Phương Huệ nhận định.

Chia sẻ về công tác tổ chức huy động trẻ mầm non 5 tuổi ra lớp để thực hiện phổ cập giáo dục 5 tuổi tại địa phương, cô Huệ cho hay, tỉnh Gia Lai vẫn còn nhiều khó khăn cả về nhân lực và vật lực.

“Việc thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi luôn được ngành giáo dục tỉnh Gia Lai quan tâm. Song, do đặc thù địa bàn trải rộng, vùng núi hiểm trở, nhiều điểm trường rải rác, định biên giáo viên/lớp không đảm bảo yêu cầu, thiếu thiết bị, đồ dùng dạy học, nên phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi còn khó chứ chưa tính đến việc phổ cập giáo dục mầm non trẻ 3-4 tuổi. Nhất là lực lượng giáo viên đang thiếu trầm trọng.

Khi tiến hành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3-4 tuổi, việc khắc phục khó khăn về thiếu cơ sở vật chất là vấn đề liên quan đến kinh phí nên ngành giáo dục tỉnh có thể sẽ ưu tiên đầu tư nhiều hơn. Còn về đội ngũ giáo viên thì phải căn cứ vào nguồn tuyển và chỉ tiêu thực tế.

Phòng Giáo dục Mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai chỉ quản lý về thực hiện chuyên môn. Còn công tác tuyển dụng giáo viên là do Phòng Tổ chức cán bộ và Sở Nội vụ phối hợp phụ trách”, cô Huệ cho biết.

Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh cũng đã có văn bản chỉ đạo các cơ sở phòng giáo dục và đào tạo trên địa bàn toàn tỉnh tiến hành kiểm tra, rà soát, sắp xếp các nhóm lớp sao cho phù hợp với từng điều kiện, bối cảnh của địa phương. Đồng thời, vận động trẻ đến tuổi ra lớp tại các điểm trường để tăng mức định biên.

Đối mặt với những thách thức, tỉnh xác định và quán triệt tư tưởng phải từng bước tháo gỡ.

Thứ nhất, về đội ngũ giáo viên.

"Lực lượng giáo viên mầm non trên địa bàn toàn tỉnh đang thiếu, chỉ tiêu cũ tồn đọng, nhu cầu thực tế cao, nhưng không có nguồn tham gia ứng tuyển. Điều này liên quan đến công tác đào tạo đội ngũ sư phạm, sức hút giáo sinh tham gia công tác trong ngành giáo dục, nhất là bậc mầm non. Do vậy, tới đây, nếu nguồn giáo viên không dồi dào thì việc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3-4 tuổi không thể đáp ứng mục tiêu yêu cầu đề ra. Khi đó, "gánh nặng lại đè thêm lên vai đội ngũ giáo viên hiện có khi sĩ số học sinh tăng mà lực lượng giáo viên vẫn mỏng”, cô Huệ chia sẻ.

Theo thông tin từ Phòng Giáo dục Mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai, toàn tỉnh hiện thiếu hơn 1.000 giáo viên mầm non.

Năm học 2018-2019, tỉnh được giao 1.201 chỉ tiêu biên chế giáo viên mầm non, nhưng đến nay vẫn còn 400 chỉ tiêu chưa được tuyển dụng.

Đến năm học 2022-2023, với tổng số biên chế được giao, ngành giáo dục tỉnh dự kiến ưu tiên phân cho bậc mầm non hơn 500 chỉ tiêu biên chế giáo viên.

"Gộp 400 chỉ tiêu tồn đọng và chỉ tiêu mới được giao cũng chỉ đáp ứng được yêu cầu đào tạo ở thời điểm hiện tại. Nếu huy động trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 100% và tiến hành song song thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3-4 tuổi thì nhu cầu tuyển dụng giáo viên chắc chắn phải tăng lên.

Hiện tỉnh đang tổ chức, sắp xếp gom đầu mối giáo viên. Tham mưu báo cáo các ngành để tạo nguồn và đẩy nhanh tiến độ tuyển dụng giáo viên trong thời gian tới”, cô Huệ cho biết.

Thứ 2, về cơ sở vật chất.

Thực hiện theo Thông tư 13, các cơ sở giáo dục mầm non thuộc địa bàn vùng III (vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khó khăn) của tỉnh đang từng bước khắc phục khó khăn và được ưu tiên đầu tư các nguồn vốn từ nhà nước. Tuy nhiên, để thực hiện đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 3-4 tuổi thì cần phải kết hợp huy động thêm các nguồn lực xã hội khác.

"Ở Gia Lai, người dân sinh sống tại vùng III hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số, nghèo đói, nên để họ tự nguyện đóng góp, thực hiện xã hội hóa đầu tư cho giáo dục về cơ sở vật chất vẫn là điều rất khó.

Chính vì thế, từ việc thiếu cơ sở vật chất đến đội ngũ giáo viên sẽ làm chiến lược phổ cập giáo dục mầm non khó càng thêm khó”

- Thạc sĩ Nguyễn Thị Phương Huệ, Phó Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai chia sẻ -

Chú trọng phát triển đội ngũ giáo viên - nhân tố quyết định thành công của việc phổ cập giáo dục cho trẻ 3-4 tuổi

Không chỉ thiếu giáo viên mầm non, tỉnh Gia Lai hiện có 35% tỷ lệ giáo viên mầm non chưa đạt chuẩn trình độ (cao đẳng) theo quy định.

“Số lượng và chất lượng đội ngũ giáo viên đóng vai trò quyết định đến thành quả thực hiện đề án phổ cập giáo dục mầm non nói riêng và sự nghiệp giáo dục đào tạo nói chung. Do vậy, ngành giáo dục tỉnh kết hợp với một số trường đào tạo sư phạm để thực hiện nâng chuẩn trình độ cho giáo viên mầm non.

Việc bồi dưỡng chuyên môn theo 2 hình thức trực tuyến và trực tiếp sẽ thực hiện theo hướng dẫn của Bộ. Với tinh thần không để giáo viên mầm non bị bỏ lại phía sau, đội ngũ giáo viên cốt cán sau khi tham gia bồi dưỡng cấp Bộ sẽ về địa phương phổ biến, thực hiện đại trà ở các cơ sở giáo dục. Như vậy, tất cả giáo viên ở các trường mầm non đều được bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, đảm bảo chất lượng công tác giáo dục đào tạo”, cô Huệ cho biết.

Cũng theo chia sẻ, năm học 2022-2023, đội ngũ giáo viên mầm non đạt chuẩn trình độ theo quy định là 65%. Số còn lại sẽ tiếp tục thực hiện nâng chuẩn trong thời gian tới.

Thực tế ghi nhận cho thấy, không đủ điều kiện dạy học khiến một số cơ sở mầm non, nhất là khu vực vùng cao, biên giới đói nghèo chỉ ưu tiên và đáp ứng cho trẻ 5 tuổi ra lớp nên trẻ 3-4 tuổi có nguy cơ không được tiếp cận đầy đủ với giáo dục mầm non.

Được biết, đầu tháng 10/2022, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai đã có công văn gửi các sở, ngành, đơn vị địa phương về nêu góp ý đối với dự thảo Đề án “Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo (3-4 tuổi) và nâng cao chất lượng Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2023-2030” và Đề án “Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2023-2030”.

Theo đó, Sở đề nghị các sở, ngành, đơn vị nghiên cứu, tham gia góp ý kiến bổ sung, điều chỉnh, bảo đảm phù hợp với điều kiện địa phương và nhiệm vụ của đơn vị mình. Các văn bản góp ý gửi về Sở để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Liên quan đến vấn đề này, vị hiệu trưởng của một trường mầm non thuộc địa bàn tỉnh Quảng Nam cho hay, chủ trương lùi độ tuổi cho trẻ ra lớp là điều kiện để trẻ em sớm được tiếp cận với chương trình giáo dục đào tạo.

Ở những khu vực điều kiện kinh tế phát triển, ra lớp sớm sẽ giúp trẻ được học hỏi, vui chơi, phát triển toàn diện, tránh các tác nhân gây ảnh hưởng như điện thoại, máy tính, ti vi...

“Để làm được, vai trò của đội ngũ giáo viên hết sức quan trọng. Hay nói cách khác, giáo viên là nhân tố quyết định thực hiện thành công đề án phổ cập giáo dục mầm non. Việc quán triệt, tổ chức vận động, khích lệ phụ huynh cho trẻ mầm non đến tuổi ra lớp được nhà trường quan tâm thực hiện trong nhiều năm qua và cho thấy hiệu quả tích cực.

Đơn cử, năm học 2021-2022, nhờ làm tốt công tác vận động, gắn với trách nhiệm của đội ngũ giáo viên, 100% trẻ em 5 tuổi đã được ra lớp. Đội ngũ giáo viên của trường cơ bản đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục mầm non", vị này cho biết.

Song, để đảm bảo thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 3-4 tuổi thì trường chưa sẵn sàng về cả cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên.

“Bộ đồ chơi ngoài trời, các thiết bị, đồ dùng, đồ chơi theo quy định cho các lớp mẫu giáo vẫn chưa đảm bảo đầy đủ", vị Hiệu trưởng chia sẻ.

Đề án “Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo (3-4 tuổi) và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, giai đoạn 2023-2030” được kỳ vọng rút ngắn khoảng cách chất lượng giữa các nhóm tuổi trong bậc mầm non. Tuy nhiên, nếu chỉ tập trung vào mục đích mà quên chú trọng cách thức thực hiện phổ cập trong bối cảnh chưa chuẩn bị đầy đủ đội ngũ giáo viên sẽ khó hoàn thành mục tiêu đề ra".

Do đó, mong muốn chung của nhà trường là trong đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3-4 tuổi cần nêu rõ, hướng dẫn cụ thể kế hoạch cấp phát, trang bị đồ dùng, thiết bị dạy học, đồ chơi, đội ngũ giáo viên như thế nào?

“Việc “quy về một mối” các điểm trường cũng là cơ sở để tận dụng tối đa các nguồn lực, thuận lợi thực hiện phổ cập giáo dục, đảm bảo chất lượng dạy và học. Tuy nhiên, thực tế các điểm trường ở vùng cao thường cách xa nhau, nằm gần thôn bản, nếu không đảm bảo điều kiện thì không thể tiến hành gộp, ghép trường”, vị hiệu trưởng chia sẻ.

Cơ sở pháp lý của Đề án “Phổ cập Giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo (3-4 tuổi) và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2023- 2030”:

Luật Giáo dục, Điều 14 quy định: “Nhà nước thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi”; Điều 23 quy định: “Giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện con người Việt Nam, thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ 03 tháng tuổi đến 06 tuổi; Giáo dục mầm non nhằm phát triển toàn diện trẻ em về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ em vào học lớp một”.

Luật trẻ em, Điều 15, 19 quy định: “Trẻ em có quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng để phát triển toàn diện; Trẻ em có quyền được giáo dục, học tập để phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng của bản thân; Trẻ em được bình đẳng về cơ hội học tập và giáo dục; được phát triển tài năng, năng khiếu, sáng tạo, phát minh; Điều 44: “Nhà nước có chính sách hỗ trợ, bảo đảm mọi trẻ em được đi học, giảm thiểu tình trạng trẻ em bỏ học; có chính sách hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em đang sinh sống tại các xã biên giới, miền núi, hải đảo và các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được tiếp cận giáo dục phổ cập, giáo dục hòa nhập, để trẻ em trong độ tuổi được giáo dục mầm non phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ”.

Kết luận số 51-KL/TW ngày 30 tháng 5 năm 2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế: "Củng cố và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục và xóa mù chữ, nhất là phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi, tiến tới phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ dưới 5 tuổi".

Quyết định số 1983/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 92-KL/TW ngày 05/11/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI - Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020, yêu cầu “phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo” và giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng “đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo”.

Quyết định số 1373/QĐ-TTg ngày 30/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” đã đề ra mục tiêu đến năm 2025 cả nước có 70% các tỉnh hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo và đến năm 2030 cả nước phấn đấu 100% các tỉnh hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo.

Nghị quyết số 99/2021/NQ-CP ngày 30/8/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 thực hiện nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025: “Giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo (3-4 tuổi) và duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo; trình Chính phủ vào năm 2022”.

Ngọc Mai

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/can-chu-dong-moi-kich-ban-khi-thuc-hien-pho-cap-giao-duc-mam-non-tre-3-4-tuoi-post231361.gd