Cần chủ động tiêm vắc xin cho trâu, bò

Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh, phun tiêu độc khử trùng và thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo khuyến cáo của ngành thú y là những giải pháp bảo vệ đàn trâu, bò trước nguy cơ bệnh viêm da nổi cục (VDNC) xâm nhiễm.

Cần chủ động tiêm vắc xin cho tr

Hộ nuôi cần ý thức phòng bệnh VDNC (ảnh tư liệu).

Hộ nuôi cần ý thức phòng bệnh VDNC (ảnh tư liệu).

TP. Phan Thiết hiện có tổng đàn trâu, bò với khoảng 1.253 con nuôi tập trung nhiều nhất ở các xã Thiện Nghiệp, Tiến Lợi. Phòng Kinh tế thành phố xác định phòng chống dịch VDNC cho trâu, bò là việc làm cấp bách, cần được thực hiện ngay. Phòng đã yêu các xã, phường thống kê số lượng trâu, bò cũng như cung cấp dung dịch sát khuẩn để thực hiện tiêu độc khử trùng. Xã Thiện Nghiệp nơi có một số hộ nuôi bò quy mô lớn từ 30 đến 150 con. Gia đình ông Nguyễn Văn Đức ở thôn Thiện Trung, xã Thiện Nghiệp duy trì đàn bò 30 con từ nhiều năm nay. Để đàn bò phát triển tốt, ông Đức luôn tuân thủ đúng lịch tiêm phòng, 1 năm 2 lần. Mỗi con bò được tiêm đủ 6 mũi vắc xin phòng bệnh tụ huyết trùng, dịch tả, lở mồm long móng. Ông Đức cho biết, thời điểm tiêm phòng nếu gia súc chửa, sức khỏe không đảm bảo để tiêm sẽ được ghi lại để tiêm bổ sung sau. Ngoài tiêm đúng, đủ các loại vắc xin, ông cũng thực hiện tẩy ký sinh trùng và bảo đảm chế độ ăn, uống đầy đủ dưỡng chất nên đàn gia súc của gia đình luôn khỏe mạnh, không bị nhiễm dịch bệnh.

Toàn tỉnh hiện có khoảng 8.650 con trâu, 170.330 con bò, tình hình chăn nuôi diễn ra ổn định và chưa xuất hiện bệnh VDNC. Tuy nhiên, trước áp lực dịch bệnh VDNC ngày càng tăng, dịch bệnh lây lan trên diện rộng ở nhiều tỉnh thì nguy cơ xâm nhiễm và lây lan dịch bệnh VDNC ở trâu, bò vào tỉnh là rất cao do việc vận chuyển, buôn bán trâu, bò giữa tỉnh ta và các tỉnh đang xảy ra dịch bệnh chưa được kiểm soát tốt. Mặt khác, điều kiện thời tiết thay đổi, mùa phát triển của các loại véc-tơ truyền bệnh VDNC (ruồi, muỗi, ve, mòng...) là yếu tố thuận lợi để dịch bệnh lây lan nhanh. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố bố trí các nguồn lực để tổ chức triển khai tốt các giải pháp phòng chống bệnh VDNC trên trâu, bò. Từ đầu năm đến nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã chủ động tiêm phòng 84.524 liều vắc xin các loại cho trâu, bò. Tổ chức cấp phát 6.540 lít hóa chất sát trùng cho trên 3.400 lượt hộ chăn nuôi, 923 lượt các chủ lò giết mổ gia súc, gia cầm để họ tự tổ chức phun xịt trong Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi năm 2021.

Ông Lê Tấn Bật – Trưởng phòng Dịch tễ, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, cho biết: Hiện nay, tình hình nắng nóng xen kẽ mưa ảnh hưởng đến đề kháng của đàn gia súc, để hạn chế nguy cơ bùng dịch bệnh nguy hiểm, nhất là bệnh VDNC trên trâu, bò đang lây lan với tốc độ nhanh, phức tạp tại nhiều tỉnh, thành cả nước, chi cục liên tục giám sát tại cơ sở, phối hợp với chính quyền, cơ quan thú y địa phương đẩy mạnh tuyên truyền hộ chăn nuôi chủ động phòng chống dịch. Hiện nay, vắc xin viêm VDNC trên đàn trâu, bò đã có trên thị trường, người chăn nuôi có nhu cầu mua có thể đăng ký với Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp các huyện mua giúp hoặc tự mua vắc xin để tiêm phòng cho đàn trâu, bò ngay cả khi dịch bệnh chưa xuất hiện nhằm thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch.

UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch phòng chống bệnh VDNC ở trâu, bò trên địa bàn tỉnh nhằm giảm thiểu nguy cơ xâm nhiễm bệnh VDNC vào địa bàn tỉnh. Theo quyết định này thì tổng đàn trâu, bò toàn tỉnh thuộc diện tiêm phòng vắc xin VDNC là 129.366 con với 129.525 liều.

T.Duyên

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/kinh-te/can-chu-dong-tiem-vac-xin-cho-trau-bo-139075.html