Cần chuẩn bị lớp cán bộ trẻ 30 - 40 tuổi
'Cần chuẩn bị lớp cán bộ trẻ từ 30 đến 40 tuổi, nếu không nhanh già lắm. Tôi thấy ở nhiều lĩnh vực, lĩnh vực nào cũng có người xuất sắc, chỉ có được quan tâm phát hiện đào tạo hay không, chứ không thể nói là không có'. Bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức T.Ư cho biết như vậy tại Tọa đàm 'Xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ trẻ đáp ứng yêu cầu giai đoạn mới', ngày 16/3.
Dự và chủ trì tọa đàm còn có ông Nguyễn Quang Dương, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức T.Ư; anh Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn.
Nuôi dưỡng tinh thần trong sáng, lành mạnh
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Bùi Quang Huy cho biết, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ được quan tâm thực hiện từ T.Ư tới địa phương, từng bước chuẩn hóa, góp phần đào tạo, bồi dưỡng, cung cấp nguồn cán bộ trẻ cho Đảng và hệ thống chính trị.
“Lớp trẻ hôm nay hãy cố gắng nuôi dưỡng tinh thần trong sáng, đừng nghĩ nhiều quá về lợi ích, vị trí. Cán bộ trẻ mà nghĩ nhiều về lợi ích, vị trí quá thì sự trong sáng lành mạnh không còn”.
Bà Trương Thị Mai, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức T.Ư.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác cán bộ Đoàn nói riêng và cán bộ trẻ nói chung vẫn còn những mặt chưa đáp ứng được yêu cầu trong thời kỳ mới. Tỉ lệ cán bộ trẻ giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý còn ít; năng lực cán bộ trẻ chưa đồng đều; trình độ ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp và khả năng làm việc trong môi trường quốc tế còn nhiều hạn chế. Không ít cán bộ trẻ thiếu bản lĩnh, ngại rèn luyện… Một số khâu trong công tác cán bộ đối với cán bộ trẻ chưa được quan tâm chú trọng dẫn đến kết quả chưa đạt yêu cầu đề ra.
Trao đổi tại tọa đàm, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai đánh giá, cán bộ Đoàn, thanh niên luôn là những lớp người giàu hoài bão, ước mơ, tinh thần trong sáng, tâm huyết, nỗ lực tất cả vì dân tộc, đất nước.
“Lớp trẻ hôm nay hãy cố gắng nuôi dưỡng tinh thần trong sáng đó, đừng nghĩ nhiều quá về lợi ích, vị trí. Cán bộ trẻ mà nghĩ nhiều về lợi ích, vị trí quá thì sự trong sáng lành mạnh không còn. Đây là chia sẻ rất riêng của tôi - một người từng có 28 năm trong Đoàn Thanh niên, trong đó, 10 năm làm việc ở T.Ư Đoàn. Tôi rất mong các bạn thanh niên giữ gìn sự trong sáng lành mạnh đó”, bà Trương Thị Mai nói.
Bà cho rằng, Đoàn Thanh niên phải luôn cổ vũ, động viên thanh niên Việt Nam tinh thần lý tưởng cách mạng, hoài bão, mơ ước cống hiến không ngừng cho đất nước, dân tộc; Công tác cán bộ trẻ thời gian qua chưa được đồng đều giữa các cơ quan, đơn vị, nhiệm kỳ; chưa tạo sự vững chắc đảm bảo lớp sau tốt hơn trước, sau trẻ hơn trước. Theo bà Trương Thị Mai, hiện 20/22 bộ, cơ quan ngang bộ (91%) không có lãnh đạo chủ chốt dưới 45 tuổi; 63/63 tỉnh, thành phố không có bí thư, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND dưới 40 tuổi.
Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh 6 nội dung cần quan tâm trong thời gian tới đối với công tác cán bộ trẻ. Đó là cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng trong xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ trẻ. Đổi mới công tác quy hoạch, tạo đột phá trong công tác tạo nguồn và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ; gắn với trách nhiệm của cấp ủy Đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc phát hiện, tạo nguồn cán bộ trẻ.
Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ theo hướng chuẩn hóa gắn với quy hoạch; xây dựng một số chính sách đặc thù cho cán bộ trẻ; cần hoàn thiện cơ chế, thu hút, tạo nguồn, tuyển dụng, trọng dụng cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ có triển vọng; giao nhiệm vụ thử thách, rèn luyện lớp cán bộ kế cận. Cấp ủy cũng cần động viên cán bộ trẻ tự giác, tích cực, chủ động phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
T.Ư Đảng hoàn thiện tiêu chuẩn; có kế hoạch, biện pháp đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách đối với Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng theo hướng chỉ lựa chọn cán bộ trẻ, thật sự ưu tú và có cơ cấu hợp lý giữa T.Ư với địa phương, giữa các ngành nghề, lĩnh vực trong hệ thống chính trị.
Quan trọng nhất là người đứng đầu
Tại tọa đàm, đại diện lãnh đạo một số tỉnh, thành ủy, đảng ủy trực thuộc T.Ư đã thảo luận, kiến nghị giải pháp góp phần tháo gỡ các vấn đề đặt ra trong công tác cán bộ, nhất là cán bộ trẻ đáp ứng yêu cầu giai đoạn mới.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, mục tiêu, chỉ tiêu về cán bộ trẻ tham gia các cấp chính quyền của Hà Nội vẫn chưa đạt, chưa thật sự bền vững. Nhiều nơi triển khai bài bản, nhưng cũng có địa phương, đơn vị do thường xuyên thay đổi người đứng đầu cho nên tính bền vững chưa được bảo đảm.
Ông Phong cho biết, năm 2013, HĐND TP Hà Nội ban hành Nghị quyết về trọng dụng nhân tài thuộc các nhóm đối tượng, tuy nhiên, kết quả còn khiêm tốn. Đơn cử như câu chuyện tuyển dụng thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện, đến thời điểm này, Hà Nội đã tuyên dương hơn 2.000 thủ khoa xuất sắc nhưng chỉ tuyển dụng được khoảng 200 bạn về làm việc tại các cơ quan của TP Hà Nội.
Ông Phong cho rằng, để phát triển đội ngũ cán bộ trẻ, điều quan trọng nhất là người đứng đầu. Nếu người đứng đầu có trách nhiệm, quan tâm đến vấn đề này thì sẽ đạt được sự chuyển biến, hiệu quả. Bên cạnh thu hút cán bộ trẻ cán bộ công tác quản lý, ông Phong đề nghị cần quan tâm hơn nữa đến đối tượng là trưởng các nhóm nghiên cứu.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh - cho rằng, muốn có nguồn cán bộ trẻ thì cần tiếp tục coi Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là môi trường để đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện và cung cấp cán bộ cho hệ thống chính trị. “Đối với cán bộ trẻ trong hệ thống chính trị phải có tinh thần dấn thân, chấp nhận nguyên tắc “có vào, có ra, có lên, có xuống”. Đơn cử, nếu một cán bộ trẻ đang ở cấp trưởng, nhưng được điều động, luân chuyển sang cấp phó ở nơi khác thì phải coi đó là sự thử thách, rèn luyện”, ông Tuấn nói.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/can-chuan-bi-lop-can-bo-tre-30-40-tuoi-post1518200.tpo