Cần chuyển đổi hàng trăm ha đất rừng để làm dự án
Theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt thì Đồng Nai được chuyển đổi hơn 650ha đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng để thực hiện các dự án của quốc gia, của tỉnh và địa phương. Những dự án sử dụng đất rừng đa số là các dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng giao thông, du lịch.
Theo UBND tỉnh, diện tích đất rừng được chuyển mục đích sang đất phi nông nghiệp để triển khai các dự án có 622ha đất rừng phòng hộ và 29ha đất rừng đặc dụng. Các khu vực có nhiều dự án lấy vào đất rừng nằm ở các huyện: Tân Phú, Định Quán, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc.
* Không dễ thực hiện
Tại Nghị quyết số 74/NQ-CP ngày 9-8-2017, Chính phủ đã phê duyệt cho Đồng Nai chuyển đổi 622ha đất rừng phòng hộ sang đất phi nông nghiệp để triển khai các dự án trên địa bàn. Tuy nhiên, thời gian qua, mới có 27 dự án được chấp thuận chuyển đổi mục đích sử dụng đất với diện tích gần 150ha. Trong đó, diện tích đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép chuyển mục đích sử dụng là 84ha để triển khai dự án Khu dịch vụ hậu cần cảng Phước An (H.Nhơn Trạch).
Diện tích mà HĐND tỉnh thống nhất cho chuyển mục đích sử dụng là hơn 65ha của 26 dự án. Trong quá trình triển khai, HĐND tỉnh đã hủy 5 dự án do quá thời hạn chưa thực hiện với diện tích hơn 1ha. Như vậy, diện tích đất rừng phòng hộ còn lại chưa chuyển mục đích sang đất phi nông nghiệp là hơn 534ha.
Trong 29ha đất rừng đặc dụng được Chính phủ phê duyệt để triển khai gần 10 dự án. Dựa trên phê duyệt của Chính phủ, thời gian qua, HĐND tỉnh đã thông qua 4 dự án, nhưng 2 dự án quá thời gian quy định chưa triển khai đã bị hủy nên chỉ còn 2 dự án cần chuyển mục đích đất rừng đặc dụng với diện tích hơn 8ha.
Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai Lê Việt Dũng cho biết: “Các dự án có sử dụng đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng phải thực hiện đầy đủ các thủ tục mới được triển khai thực hiện. Thủ tục chuyển đổi từ đất rừng sang đất phi nông nghiệp rất phức tạp. Bên cạnh đó, diện tích đất rừng bị mất đi, chủ đầu tư dự án phải tìm nơi trồng rừng để thay thế. Do đó, các dự án lấy vào đất rừng thường mất 1-3 năm để thực hiện các thủ tục và trồng rừng thay thế”.
Thời gian qua, nhiều dự án tại Đồng Nai có liên quan đến đất rừng phải mất rất nhiều thời gian chờ đợi chuyển đổi như: đường liên cảng, khu dịch vụ hậu cần cảng Phước An, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, Khu du lịch sinh thái thác Mai (H.Định Quán), Khu safari (H.Vĩnh Cửu), hồ Đa Tôn (H.Tân Phú)…
Theo các chủ đầu tư dự án, nguyên nhân khiến dự án có sử dụng đất rừng thường triển khai chậm còn do chính sách pháp luật về đất đai có thay đổi các quy định, quy trình thực hiện dẫn đến nhiều dự án phải lập lại thủ tục từ đầu mới có thể tiếp tục thu hồi đất.
* Gỡ khó cho các dự án buộc phải sử dụng đất rừng
Hiện tại, Đồng Nai đang triển khai hơn 20 dự án có sử dụng đất rừng, dự tính những năm tới sẽ có nhiều dự án hạ tầng kỹ thuật phải tiếp tục lấy vào đất rừng. Các dự án trên nếu giải quyết nhanh được các thủ tục liên quan đến đất đai để thi công, sớm đưa vào khai thác sẽ đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tỉnh, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Chủ tịch UBND H.Tân Phú Nguyễn Hữu Ký cho hay: “Trên địa bàn tỉnh có một số dự án quan trọng phải lấy vào đất rừng như: đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, đường tỉnh 774, Khu du lịch hồ Đa Tôn. Huyện phối hợp với các sở, ngành hỗ trợ chủ đầu tư thực hiện nhanh các thủ tục để dự án triển khai nhanh. Các dự án trên hoàn thành đưa vào khai thác tạo thuận lợi cho địa phương trong thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội”.
Một trong những vấn đề gây khó khăn cho các chủ đầu trong thực hiện các dự án có lẫn đất rừng là phải tìm khu vực trồng rừng thay thế. Nếu các địa phương không hỗ trợ đơn vị đầu tư tìm được diện tích trồng rừng khác để bù lại diện tích đã mất đi, dự án sẽ bị chậm lại.
Theo Phó giám đốc Sở NN-PTNT Lê Văn Gọi, trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều diện tích đất lâm nghiệp do các ban quản lý rừng phòng hộ quản lý đang được tiến hành trồng rừng bổ sung hằng năm. Do đó, các chủ đầu tư dự án có sử dụng đất rừng nên chủ động liên hệ với Sở NN-PTNT để được hỗ trợ, giới thiệu những địa điểm để trồng rừng.
Mới đây, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi đã có đợt khảo sát tại một số khu vực tại H.Long Thành, H.Nhơn Trạch và yêu cầu Sở NN-PTNT tổng hợp các diện tích đất lâm nghiệp có dự tính trồng rừng trong những năm tới báo cáo UBND tỉnh. Từ đó, tỉnh sẽ thông báo cho các đơn vị đang và sắp triển khai dự án phải lấy vào đất rừng để giúp họ rút ngắn thời gian đi tìm diện tích đất khác trồng rừng thay thế. Đồng thời, việc này cũng tạo thuận lợi cho các ban quản lý rừng phòng hộ vì có thêm nguồn kinh phí để trồng rừng, giảm áp lực nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Trong 18 dự án đang triển khai có sử dụng đất rừng thì riêng H.Định Quán có 7 dự án. Trong đó, những dự án sử dụng nhiều đất rừng là: Thủy điện Phú Tân 2 thuộc 3 xã Phú Tân, Phú Vinh, Thanh Sơn; điểm du lịch sinh thái bàu Nước Sôi, đường Cao Cang trên địa bàn xã Gia Canh.