Cần chuyển hướng 'gieo mầm tư duy số' cho thanh thiếu niên ngay trên ghế nhà trường

Trong bối cảnh hiện nay, cần chuyển hướng 'gieo mầm' tư duy số cho thanh thiếu niên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Muốn vậy, đòi hỏi có sự vào cuộc của tất cả các cơ quan, Bộ, Ban, ngành, Chính phủ, các tổ chức xã hội, các tổ chức quốc tế.

Chiều nay (23/4), tại ĐH Kinh tế quốc dân, Báo Điện tử Tiếng nói Việt Nam (VOV), Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP - Việt Nam) và Trung tâm Phát triển khoa học công nghệ và Tài năng trẻ - Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức chương trình “Nâng cao năng lực số cho thanh thiếu niên - Skill Our Future".

Toàn cảnh sự kiện

Toàn cảnh sự kiện

Chương trình hướng đến mục tiêu trang bị cho thanh thiếu niên nhận thức đúng đắn, kiến thức và kỹ năng số cần thiết để học tập, làm việc, khởi nghiệp và sáng tạo trong thời đại số, qua đó góp phần nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia.

Việt Nam đang bước vào giai đoạn tăng tốc của công cuộc chuyển đổi số toàn diện, nhằm bắt kịp với làn sóng của Cách mạng công nghiệp 4.0 và xu hướng toàn cầu hóa mạnh mẽ. Theo báo cáo "Tương lai việc làm 2025" của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), đến năm 2030, 92 triệu việc làm sẽ bị thay thế do tự động hóa, nhưng đồng thời sẽ có 170 triệu việc làm mới được tạo ra – chủ yếu trong các lĩnh vực như dữ liệu, AI, công nghệ số và nội dung số. Trong quá trình này, nguồn nhân lực số chất lượng cao đóng vai trò then chốt, quyết định đến năng lực cạnh tranh và sự phát triển bền vững của quốc gia.

Các đại biểu tham gia chương trình

Các đại biểu tham gia chương trình

Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ trong việc thúc đẩy chuyển đổi số gắn với phát triển nguồn nhân lực, việc làm và khởi nghiệp. Chương trình “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” do Thủ tướng Chính phủ ban hành, đặt mục tiêu hình thành nền kinh tế số, xã hội số và chính phủ số. Trong chiến lược ấy, người dân chính là trung tâm của chuyển đổi số. Xây dựng một xã hội số đồng nghĩa với việc hình thành những công dân số và do đó năng lực số của công dân, đặc biệt là của lực lượng thanh thiếu niên phải được nâng cao, đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển nhanh và bền vững. Đại hội toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2022 – 2027 đã xác định nâng cao năng lực số cho thanh thiếu niên được xác định là một trong ba nhiệm vụ đột phá của nhiệm kỳ.

Gần 500 sinh viên tham gia chương trình “Nâng cao năng lực số cho thanh thiếu niên - Skill Our Future".

Gần 500 sinh viên tham gia chương trình “Nâng cao năng lực số cho thanh thiếu niên - Skill Our Future".

Đặc biệt, Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đã mở đường cho việc xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo toàn diện, đồng thời tạo nền tảng chính sách để nâng cao năng lực số, khuyến khích khởi nghiệp số – đặc biệt với lực lượng thanh niên – nhằm tạo ra giá trị mới và thúc đẩy phát triển bền vững. Cùng với đó, các chương trình chuyên biệt như “Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025, tầm nhìn 2030” và dự án “Tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn 2030” hướng đến việc hình thành một thế hệ công dân số năng động – những người có đủ năng lực để thích ứng, dẫn dắt đổi mới và sẵn sàng bước vào thị trường lao động trong kỷ nguyên số.

Phát biểu tại chương trình, PGS.TS Bùi Huy Nhượng, Phó Giám đốc ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng, chúng ta đã nói rất nhiều đến tầm quan trọng của kỹ năng số với quá trình xây dựng và phát triển nền kinh tế đất nước. Khi nền kinh tế thay đổi, có hai lực lượng cần chuyển đổi là lực lượng lao động hiện tại và lực lượng lao động trong tương lai chính là thế hệ trẻ - thanh thiếu niên.

"Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần chuyển hướng “gieo mầm” tư duy số cho các bạn thanh thiếu niên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Muốn vậy, đòi hỏi có sự vào cuộc của tất cả các cơ quan, Bộ, Ban, ngành, Chính phủ, các tổ chức xã hội, các tổ chức quốc tế", Phó Giám đốc ĐH Kinh tế quốc dân nhấn mạnh.

PGS.TS Bùi Huy Nhượng, Phó Giám đốc ĐH Kinh tế Quốc dân

PGS.TS Bùi Huy Nhượng, Phó Giám đốc ĐH Kinh tế Quốc dân

Với tư cách là cơ sở giáo dục đại học, PGS.TS Bùi Huy Nhượng cho biết, thời gian qua ĐH Kinh tế quốc dân đặc biệt coi trọng sự phát triển của các ngành nghề đào tạo liên quan đến chuyển đổi số, kỹ năng số… như khoa học dữ liệu, phân tích kinh doanh, kinh doanh số, Fintech (Financial Technology - Công nghệ Tài chính). Đặc biệt, trong năm vừa qua, ĐH Kinh tế quốc dân cũng đã thành lập Trường Công nghệ, đào tạo các ngành như công nghệ thông tin, khoa học dữ liệu và công nghệ AI... Điều đó khẳng định sự cần thiết cũng như nhu cầu thị trường lao động về những ngành nghề này là rất lớn.

Bên cạnh đó, hiện nay khi ban hành khu chương trình đào tạo đại học chuẩn, Bộ GD-ĐT cũng xác định một trong những kỹ năng cần trang bị cho thế hệ trẻ chính là kỹ năng số.

Tại ĐH Kinh tế Quốc dân, môn Khoa học dữ liệu trong kinh doanh và kinh tế trở thành môn bắt buộc với tất cả các ngành nghề. Thông qua đó, muốn nói rằng tầm quan trọng của các môn học liên quan đến kỹ năng số nhằm trang bị cho sinh viên để các em có thể tiếp cận tốt nhất với thị trường lao động sau khi tốt nghiệp. Bên cạnh đó, nhà trường cũng đưa ra thuật ngữ chung là số hóa chương trình đào tạo, tức phải tích hợp các nội dung đào tạo số, tích hợp đưa ra các học phần, chương trình đào tạo, học phần liên quan đến đào tạo về kỹ năng số cho sinh viên trong chương trình đào tạo của nhà trường.

Ông Patrick Haverman, Phó trưởng đại diện thường trú, UNDP Việt Nam cũng đồng quan điểm cho rằng, năng lực số đóng vai trò quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới công việc trong tương lai của thanh thiếu niên. Thế hệ trẻ ngày nay đang trưởng thành trong thời đại số, quá trình chuyển đổi số nhanh chưa từng có, đòi hỏi những kỹ năng, tư duy và cách làm việc mới.

Ông Patrick Haverman, Phó trưởng đại diện thường trú, UNDP Việt Nam

Ông Patrick Haverman, Phó trưởng đại diện thường trú, UNDP Việt Nam

Mặc dù Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng, nhưng những người trẻ vẫn đang đối mặt với không ít thách thức. Tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên chiếm 39,4% tổng số người lao động thất nghiệp. Trên toàn cầu, khoảng 1 nửa số nhân viên sẽ cần được đào tạo lại, hoặc nâng cao kỹ năng làm việc do tác động của tự động hóa, AI và những yêu cầu công việc đang thay đổi.

"Thời gian qua, nhận thức rõ tính cấp thiết, Chính phủ Việt Nam đã đặt trọng tâm vào phát triển số và nguồn nhân lực. Chương trình Chuyển đổi số quốc gia (2020–2025, tầm nhìn đến năm 2030) và Nghị quyết số 57 gần đây đã tái khẳng định định hướng chiến lược thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số như những đột phá quốc gia - đặt nền tảng cho các chính sách tăng cường năng lực số của thanh niên, khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp do thanh niên lãnh đạo và bồi dưỡng thế hệ đổi mới cho nền kinh tế tương lai.

Tại UNDP, chúng tôi tin rằng, đầu tư vào con người không chỉ là thu hẹp khoảng cách kỹ năng mà còn là khai mở tiềm năng của con người, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và xây dựng một xã hội toàn diện, công bằng và kiên cường hơn”, ông Patrick Haverman nói.

Nguyễn Trang-Quang Trung/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/can-chuyen-huong-gieo-mam-tu-duy-so-cho-thanh-thieu-nien-ngay-tren-ghe-nha-truong-post1194296.vov