Nhượng bộ bất ngờ của Nga về Ukraine: Món quà 100 ngày cho Tổng thống Trump?
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề nghị dừng chiến dịch quân sự ở Ukraine theo tiền tuyến hiện tại như một phần trong nỗ lực đạt được thỏa thuận hòa bình với Tổng thống Mỹ Donald Trump, các nguồn tin thân cận với vấn đề cho hay.
Nhượng bộ bất ngờ của Tổng thống Putin
Theo 3 nguồn thạo tin, Tổng thống Nga đã nói với Đặc phái viên của ông Trump là ông Steve Witkoff trong cuộc gặp tại St Petersburg đầu tháng này rằng Moscow có thể từ bỏ quyền kiểm soát với một số khu vực thuộc 4 tỉnh ở Ukraine mà Moscow tuyên bố sáp nhập nhưng hiện vẫn nằm dưới quyền kiểm soát của Kiev.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters
Sau đó, Washington được cho là đã đề xuất một phương án dàn xếp tiềm năng, trong đó Mỹ sẽ công nhận quyền kiểm soát của Nga đối với Bán đảo Crimea mà Moscow đã sáp nhập từ năm 2014, đồng thời thừa nhận thực tế rằng Điện Kremlin hiện đang kiểm soát một phần của 4 tỉnh nói trên.
Đây là dấu hiệu chính thức đầu tiên kể từ khi xung đột nổ ra cho thấy Nga có thể sẵn sàng rút lại những yêu cầu tối đa của mình nhằm chấm dứt xung đột.
Tuy nhiên, các quan chức châu Âu được thông báo về nỗ lực hòa giải của Mỹ cảnh báo rằng Tổng thống Putin có thể đang sử dụng đề xuất này như một “miếng mồi nhử” để lôi kéo ông Trump chấp nhận những yêu cầu còn lại của Nga, rồi áp đặt chúng lên Ukraine như một “việc đã rồi”.
“Một áp lực rất lớn đang đè nặng lên Kiev vào lúc này, buộc họ phải nhượng bộ để ông Trump có thể tuyên bố chiến thắng", một quan chức nhận định.
Các quan chức Ukraine dự kiến sẽ gặp các quan chức châu Âu và Mỹ tại London vào 23/4 để thảo luận về các đề xuất mới nhất. Tuy nhiên, ông Steve Witkoff cùng Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã rút khỏi cuộc họp, các quan chức Mỹ và châu Âu cho hay. Trong khi đó, Đặc phái viên của ông Trump về Ukraine, ông Keith Kellogg, vẫn được kỳ vọng sẽ tham dự.
Các hãng tin Nga dẫn lời cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết hôm 22/4 rằng ông Witkoff sẽ tới Moscow vào cuối tuần này.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov trả lời Financial Times: “Hiện đang có các cuộc thảo luận căng thẳng diễn ra. Chúng tôi đang đối thoại với phía Mỹ. Đây là một quá trình khó khăn, đòi hỏi nhiều thời gian, nên không thể kỳ vọng kết quả ngay lập tức và công việc này không thể tiến hành công khai".
Trên mạng xã hội hôm 20/4, ông Trump viết rằng ông hy vọng Ukraine và Nga sẽ “đạt được thỏa thuận trong tuần này” để sau đó “cùng hợp tác làm ăn với Mỹ - quốc gia đang phát triển mạnh mẽ và tạo ra thật nhiều lợi nhuận!”
Tuần trước, tại một cuộc gặp ở Paris với quan chức châu Âu và Ukraine, phía Mỹ đã đưa ra một số ý tưởng mà Nhà Trắng kỳ vọng có thể trở thành nền tảng cho một thỏa thuận tiềm năng.
Lập trường của Ukraine
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 22/4 khẳng định ông chưa nhận được bất kỳ đề xuất chính thức nào từ phía ông Trump về các bước đi cụ thể nhằm kết thúc cuộc xung đột. Tuy nhiên, ông cho biết nếu đạt được lệnh ngừng bắn, ông sẵn sàng đối thoại trực tiếp với Tổng thống Putin.
“Có những tín hiệu, những ý tưởng và cuộc trao đổi nhưng đó chưa phải là đề xuất chính thức. Nếu một đề xuất như vậy được đưa ra, chúng tôi sẽ phản hồi", ông Zelensky nói.
Các quan chức cấp cao Ukraine chia sẻ với Financial Times rằng họ sẵn sàng xem xét một số đề xuất do ông Trump và nhóm cố vấn đưa ra, tuy không nêu rõ cụ thể đề xuất nào.
Các đề xuất từ Mỹ bao gồm việc triển khai một lực lượng gìn giữ hòa bình châu Âu tại Ukraine cùng với một lực lượng quân sự phi NATO độc lập có nhiệm vụ giám sát lệnh ngừng bắn dọc theo vùng phi quân sự kéo dài hơn 1.000km trên toàn tiền tuyến.
Lực lượng này sẽ phối hợp với quân đội Ukraine và Nga giám sát việc tuân thủ thỏa thuận đình chiến ở hai phía của giới tuyến.
Theo một thỏa thuận tiềm năng, Ukraine sẽ cam kết không sử dụng vũ lực để giành lại các vùng lãnh thổ đang bị Nga kiểm soát, trong khi Nga đồng ý ngừng tiến hành các cuộc tấn công như hiện nay.
Hiện chưa rõ liệu ông Trump có yêu cầu Ukraine chính thức công nhận việc Nga sáp nhập Bán đảo Crimea hay không.
Tuy nhiên, Tổng thống Volodymyr Zelensky một lần nữa nhấn mạnh lập trường kiên định về bán đảo này vào 22/4 rằng: “Ukraine sẽ không công nhận việc chiếm đóng Crimea. Đó là lãnh thổ của chúng tôi, là lãnh thổ của người dân Ukraine, không có gì phải bàn cãi ở đây”.
Về phía Nga, Moscow cũng bác bỏ một số đề xuất từ Mỹ, trong đó có việc bố trí lực lượng quân sự của các nước NATO tại Ukraine.
Món quà của Nga cho Tổng thống Trump?
Tuy nhiên, theo những người nắm rõ tình hình, Tổng thống Putin có thể sẵn sàng nhượng bộ phần nào các yêu cầu trước đây về việc giành toàn quyền kiểm soát 4 tỉnh tiền tuyến của Ukraine là Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia nếu Washington chấp thuận những nhượng bộ địa chiến lược lớn hơn, chẳng hạn như công nhận quyền kiểm soát Crimea của Nga và đảm bảo Ukraine không được gia nhập NATO.
Mặc dù Tổng thống Nga Vladimir Putin đã sửa đổi Hiến pháp vào năm 2020, theo đó cấm nước này từ bỏ bất kỳ phần lãnh thổ nào mà họ tuyên bố chủ quyền, nhưng ông Konstantin Remchukov - Tổng biên tập một tờ báo thân Điện Kremlin cho rằng, Moscow có thể chấm dứt xung đột nếu quân đội Ukraine bị đẩy lùi hoàn toàn khỏi vùng Kursk của Nga.
Kiev từng tiến hành một đợt đột kích vào Kursk hồi năm ngoái, nhưng vào ngày 19/4 vừa qua, Điện Kremlin tuyên bố khu vực này hiện đã “thuộc quyền kiểm soát 99,5%” của Nga.
“Ngay khi họ giải phóng nốt 0,5% còn lại, quân đội có thể dừng lại bất cứ nơi nào khi nhận được tin tức”, ông Remchukov viết trên tờ Nezavisimaya Gazeta.
“Dường như ông Trump đã nắm được điều này, nhờ vào vai trò của ông Witkoff. Hy vọng rằng mọi việc sẽ được hoàn tất trước ngày 30/4 để ông có thể tự hào tuyên bố đã hoàn thành sứ mệnh hòa bình trong 100 ngày đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống", ông Remchukov cho hay
Tổng thống Putin đã tuyên bố sáp nhập 4 tỉnh phía Đông Nam Ukraine trong một buổi lễ long trọng tại Điện Kremlin vào tháng 9/2022, dù vào thời điểm đó Nga chưa kiểm soát hoàn toàn bất kỳ tỉnh nào trong số này.
Dù Nga đã rút khỏi một phần lãnh thổ chiếm được vào mùa thu năm 2022, nhưng Tổng thống Putin tuyên bố vào năm ngoái rằng ông sẽ không chấp nhận bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào nếu Ukraine không rút quân khỏi tiền tuyến và trao cho Moscow toàn quyền kiểm soát 4 tỉnh, bao gồm cả thành phố công nghiệp Zaporizhzhia với khoảng 700.000 dân.
Trong các yêu cầu trước đây nhằm đạt được thỏa thuận hòa bình, Moscow từng đưa ra các điều kiện bao gồm: Ukraine cam kết trung lập và từ bỏ tham vọng gia nhập NATO, công nhận quyền kiểm soát của Nga đối với các vùng lãnh thổ bị sáp nhập, phương Tây dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và giảm hiện diện quân sự của NATO tại các quốc gia thành viên giáp biên giới Nga.
Cho tới nay, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối bình luận về “nội dung của các cuộc đàm phán”.