Cần có bản đồ đánh giá động đất chi tiết hơn cho Hà Nội để phục vụ kháng chấn
Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho rằng cần sớm có bản đồ đánh giá động đất chi tiết hơn cho Hà Nội, từ đó xây dựng những kịch bản đánh giá nguy hiểm động đất ở các quận nội thành.
Liên quan đến dư chấn của trận động đất có độ lớn 4 xảy ra sáng 25/3 tại khu vực huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội, tiến sỹ Nguyễn Xuân Anh - Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho rằng cần sớm có bản đồ đánh giá động đất chi tiết hơn cho Hà Nội.
Thông qua bản đồ đánh giá động đất chi tiết với việc cập nhật các trận động đất mới, các cơ quan chuyên môn sẽ xây dựng những kịch bản đánh giá nguy hiểm động đất ở các quận nội thành để phục vụ cho việc kháng chấn của các công trình xây dựng ở trên địa bàn thành phố.
Thông tin thêm, tiến sỹ Nguyễn Xuân Anh cho biết trận động đất xảy ra sáng nay có độ sâu chấn tiêu khoảng 16 km. Khu vực tâm động đất nằm ở bờ tây sông Đáy trên địa bàn các xã Tuy Lai, An Mỹ, Bột Xuyên... của huyện Mỹ Đức. Vị trí này nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 30 km đường chim bay.
Về nguyên nhân của trận động đất, tiến sỹ Nguyễn Xuân Anh cho biết Hà Nội nằm trong vùng đứt gãy sông Hồng - sông Lô - sông Chảy, các đứt gãy sinh chấn vẫn hoạt động. Khi các đứt gãy này tích tụ đủ năng lượng thì phát sinh động đất. Khi xảy ra động đất, cơ quan chuyên môn ghi nhận và tiếp tục theo dõi.
Theo quy luật tự nhiên, từng khu vực trong vùng đứt gãy thi thoảng vẫn xảy ra những trận động đất, mà nguyên nhân như đề cập ở trên, là các đứt gãy sinh chấn hoạt động và tích tụ đủ năng lượng.
“Việc cơ quan chuyên môn vẫn đã, đang làm là theo dõi và đánh giá độ nguy hiểm của hoạt động này. Vùng đứt gãy sông Hồng - sông Lô - sông Chảy cũng đã từng xảy ra động đất trong quá khứ. Tại Hà Nội, vào thế kỷ 12, một trận động đất mạnh cấp 8 xảy ra đã làm bia chùa Báo Thiên bị vỡ làm đôi,” vị tiến sỹ nhấn mạnh.
Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cũng lưu ý quy luật động đất do các đứt gãy sinh chấn ở vùng đứt gãy sông Hồng - sông Lô - sông Chảy cho thấy thường thì hàng trăm năm, hoặc dăm bảy trăm năm mới xảy ra trận động đất mạnh.
“Ngày trước do chưa có máy móc nên việc nhận diện động đất được thông qua việc phân tích nguyên nhân các hệ quả còn tồn đọng được ghi lại trong sổ sách. Sau này số liệu thống kê càng đầy đủ, việc đánh giá sẽ càng chi tiết hơn,” tiến sỹ Nguyễn Xuân Anh chia sẻ thêm.
Trước thực tế trên, tiến sỹ Nguyễn Xuân Anh đề xuất tới đây cần nghiên cứu phân đoạn đứt gãy sông Hồng để đánh giá nguy hiểm động đất chi tiết hơn đồng thời cần thiết lập một số thiết bị quan trắc ở các nhà cao tầng trên địa bàn thành phố Hà Nội để đánh giá định lượng mức độ rung lắc do các trận động đất gây ra.
“Chúng ta vẫn có bản đồ cảnh báo động đất theo vùng, nhưng với khu vực Hà Nội, trong tình hình kinh tế-xã hội phát triển, nhiều nhà cao tầng, nhiều công trình quan trọng được xây dựng thì cơ quan chuyên môn khuyến cáo là cần phân vùng nhỏ hơn để đánh giá chi tiết hơn về mức độ nguy hiểm do động đất,” ông Xuân Anh nói./.