Cần có các biện pháp thúc đẩy di cư hợp pháp, an toàn, bảo vệ quyền và lợi ích của người di cư

Thời gian tới, Việt Nam cần xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về di cư, nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác di cư quốc tế, thiết lập các địa chỉ hỗ trợ người lao động Việt Nam ở nước ngoài... nhằm tạo môi trường di cư an toàn, công bằng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người di cư.

Đây là những nội dung chính được đưa ra thảo luận tại Hội nghị nghị rà soát tình hình triển khai Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (Thỏa thuận GCM) do Bộ Ngoại giao phối hợp với Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tổ chức tại Hà Nội ngày 13/12 vừa qua.

Di cư là một phần không thể tách rời của đời sống kinh tế - xã hội

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt cho biết, di cư quốc tế luôn là một phần không thể tách rời của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội thế giới. Bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay đã chứng kiến các dòng di cư quốc tế tăng lên nhanh chóng do những nhân tố thúc đẩy như nghèo đói, thiếu việc làm, áp lực kinh tế, tăng trưởng dân số, già hóa dân số, quá trình công nghiệp hóa và các tác động của môi trường.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt phát biểu tại Hội nghị

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt phát biểu tại Hội nghị

Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, năm 2010, có 220 triệu người di cư quốc tế nhưng đến năm 2020 lên tới 281 triệu người và dự báo sẽ đạt khoảng 405 triệu người vào năm 2050, chiếm 7% dân số toàn cầu.

Ở Việt Nam, chỉ tính riêng số lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong 10 tháng đầu năm 2023, đã đạt trên 132 nghìn người.

Trong bối cảnh đó, việc các quốc gia thống nhất thông qua Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự của Liên Hợp Quốc (gọi tắt là Thỏa thuận GCM) tháng 12/2018 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

"Các quốc gia đã thống nhất nhận định, di cư là một nguồn đem lại thịnh vượng, đổi mới và phát triển bền vững trong thế giới toàn cầu hóa. Di cư quốc tế, nếu được quản lý hiệu quả, sẽ giúp giảm thiểu các tác động tiêu cực của di cư và giải quyết các thách thức đối với di cư, đồng thời tối đa hóa lợi ích của di cư cho sự phát triển kinh tế - xã hội cho mỗi quốc gia, địa phương, cộng đồng và của chính bản thân người di cư", Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhấn mạnh.

Toàn cảnh Hội nghị

Toàn cảnh Hội nghị

Đánh giá kết quả triển khai Thỏa thuận GCM trong năm qua, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt nhận định, các Bộ, cơ quan, địa phương đã nỗ lực, chủ động triển khai thực hiện Kế hoạch và đạt được nhiều kết quả tích cực, trong đó nổi bật và bao trùm nhất là sự phối hợp ngày càng chặt chẽ của tất cả các bộ, cơ quan, địa phương và sự hợp tác tích cực của các đối tác, các tổ chức, cơ quan Liên Hợp Quốc trong triển khai Thỏa thuận GCM.

Để Thỏa thuận đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao đề nghị cần có các biện pháp để tăng cường hơn nữa các kênh di cư hợp pháp, an toàn cho người dân và ngăn chặn các hoạt động đưa người di cư trái phép, mua bán người qua biên giới, bảo vệ người di cư khỏi cạm bẫy di cư thiếu an toàn, giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của họ.

Thúc đẩy di cư hợp pháp, an toàn và trật tự

Bà Park Mi-Hyung, Trưởng Phái đoàn IOM tại Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong triển khai Thỏa thuận GCM thời gian qua nhằm thúc đẩy di cư hợp pháp, an toàn và trật tự

Bà Park Mi-Hyung, Trưởng Phái đoàn IOM tại Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong triển khai Thỏa thuận GCM thời gian qua nhằm thúc đẩy di cư hợp pháp, an toàn và trật tự

Tại Hội nghị, bà Park Mi-Hyung, Trưởng Phái đoàn Tổ chức Di cư quốc tế tại Việt Nam cho biết, trong bối cảnh số lượng người di cư quốc tế ngày càng tăng, các nhân tố lôi kéo và thúc đẩy ngày càng đa dạng cùng tình trạng tội phạm mua bán người nhằm mục đích cưỡng ép thực hiện hành vi phạm tội diễn biến phức tạp trong khu vực thì đối thoại và hợp tác toàn diện về di cư quốc tế trở nên cấp thiết và quan trọng hơn bao giờ hết.

Theo bà Park Mi-Hyung, tuy Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất do những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu - một trong những vấn đề toàn cầu cấp bách nhất hiện nay khiến nhiều người phải rời bỏ nhà cửa và gia đình do điều kiện sống không an toàn hoặc sinh kế không bền vững nhưng Chính phủ Việt Nam đã có những bước đi chủ động hướng tới một tương lai xanh hơn, bền vững hơn.

Vì vậy, bà Park Mi-Hyung đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong triển khai Thỏa thuận GCM thời gian qua nhằm thúc đẩy di cư hợp pháp, an toàn và trật tự đồng thời mong muốn Việt Nam tiếp tục rà soát, cập nhật kết quả triển khai, xác định những vấn đề cần ưu tiên để nâng cao hiệu quả triển khai Thỏa thuận trong thời gian tới.

Các đại biểu thảo luận tại Hội nghị

Các đại biểu thảo luận tại Hội nghị

Tại Hội nghị, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận với 3 phiên chính, tập trung vào các nội dung: rà soát tình hình thực hiện Kế hoạch triển khai Thỏa thuận GCM; thảo luận về thực trạng và giải pháp để giải quyết tình trạng lừa đảo trực tuyến và mua bán người qua biên giới đang nổi lên trong thời gian qua đồng thời trao đổi những biện pháp để nâng cao hiệu quả triển khai Thỏa thuận GCM.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng trao đổi thêm một số vấn đề Việt Nam cần quan tâm thúc đẩy trong thời gian tới như: xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về di cư, nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác di cư quốc tế, thiết lập các địa chỉ hỗ trợ người lao động Việt Nam ở nước ngoài... nhằm triển khai một cách toàn diện, hiệu quả các nhiệm vụ của Kế hoạch, tạo môi trường di cư an toàn, công bằng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người di cư.

Nguyễn Mai

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/can-co-cac-bien-phap-thuc-day-di-cu-hop-phap-an-toan-bao-ve-quyen-va-loi-ich-cua-nguoi-di-cu-172231214151754726.htm