Cần có các quy định, giám sát bảo đảm quyền lợi của người dân bị thu hồi đất trong Luật Đất đai (sửa đổi)

Thực hiện Nghị quyết số 671/NQ-YBTVQH khóa XV về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), ngày 7-3, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại TP Hồ Chí Minh.

Tại hội thảo, đại diện các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, nhà khoa học, người dân ở TP Hồ Chí Minh đã trình bày các tham luận, ý kiến thẳng thắn, tích cực nêu bật sự cần thiết sửa đổi Luật Đất đai và một số hạn chế, tồn tại trong quá trình thi hành Luật Đất đai hiện nay trên địa bàn TP Hồ Chí Minh; góp ý về các nội dung trọng tâm của dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) gồm: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, phát triển quỹ đất, giao đất và cho thuê đất, đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cơ chế chính sách tài chính, giá đất...

Một số đại biểu đã nêu ý kiến về vấn đề thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được dự thảo Luật quy định rõ các điều kiện, tiêu chí, các chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư ở chương VI và Chương VII cần quy định rõ các nội dung về trách nhiệm, nguồn lực, giám sát quá trình bồi thường, tái định cư được thực hiện đúng, bảo đảm cho người dân bị thu hồi đất ổn định cuộc sống. Các quy định này cũng cần công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư.

Theo ý kiến của đại biểu Đặng Tiến Long, thời gian qua, 70% số vụ khiếu kiện, khiếu nại đều liên quan đến đất đai, trong đó phần lớn là người dân khiếu nại, khiếu kiện vì bị ảnh hưởng quyền lợi khi bị thu hồi đất. Mặt khác, trong chương VI và Chương VII, khái niệm thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng rất rộng, dễ bị lạm dụng để thu hồi đất cho các dự án thuần thương mại. Vì thế cần xem xét bỏ điều khoản về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Nếu xem đất đai là tài sản như quy định của Bộ Luật Dân sự thì chỉ cần quy định Nhà nước có quyền trưng mua nhà đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, công cộng. Những trường hợp cần đất làm dự án nhằm phát triển kinh tế - xã hội thì để cho doanh nghiệp tự thương lượng với người dân theo cơ chế thị trường...

Quang cảnh hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

Tại hội thảo, một số đại biểu cho rằng cần khắc phục tình trạng chồng chéo giữa các luật, việc sửa đổi Luật Đất đai lần này là cần thiết, cấp bách, có tác động lớn đến đời sống xã hội, kinh tế và quyền lợi của người dân, tổ chức nên quá trình hoàn thiện dự thảo, trước khi thông qua dự thảo Luật, Quốc hội cần có một kênh phản biện về vấn đề chồng chéo giữa Luật Đất đai với các luật khác, qua đó khắc phục được tình trạng các luật chồng chéo khi triển khai trong thực tiễn, ở cơ sở nảy sinh nhiều vướng mắc.

TP Hồ Chí Minh là địa phương có thị trường bất động sản sôi động, tập trung nhiều giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, có nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản quy mô lớn... Thực hiện nhiệm vụ lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh và UBND TP Hồ Chí Minh cùng các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, địa phương thuộc TP Hồ Chí Minh đã triển khai kế hoạch, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, phân công trách nhiệm, tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc, rộng khắp, bảo đảm tiếp nhận đầy đủ các ý kiến góp ý từ các tầng lớp nhân dân, tổ chức, cơ quan, đơn vị để có đề xuất, kiến nghị đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Tin, ảnh: BẢO MINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phap-luat/cac-van-de/can-co-cac-quy-dinh-giam-sat-bao-dam-quyen-loi-cua-nguoi-dan-bi-thu-hoi-dat-trong-luat-dat-dai-sua-doi-720982