Cần có cái nhìn khách quan với ngành y
Y tế là lĩnh vực tác động trực tiếp đến đời sống con người. Chính vì vậy, mọi vấn đề liên quan đến lĩnh vực y tế đều nhận được sự quan tâm của cộng đồng. Thời gian qua, lợi dụng những khó khăn của ngành y, các đối tượng xấu đã liên tục chọc ngoáy, xuyên tạc thông tin nhằm gây mất ổn định xã hội.
“Giống như nhiều lĩnh vực khác, lĩnh vực y tế tại Việt Nam cũng có đủ loại scandal liên quan đến đầu tư hạ tầng, mua sắm dược phẩm, trang bị, thiết bị”, “những vấn đề liên quan đến quốc kế, dân sinh chẳng thể giải quyết cho ra hồn”, “Đảng phân công cán bộ không có chuyên môn y tế làm Bộ trưởng Bộ Y tế khiến cho ngành y tế ngày càng rối như mớ bòng bong”, “người bệnh đang chết mòn vì ngành y tế”, “Bộ trưởng Bộ Y tế nên từ chức”… là những luận điệu mà các đối tượng xấu ráo riết tung ra trên các trang mạng xã hội. Lợi dụng những khó khăn của ngành y, các đối tượng xấu đã thổi phồng sai phạm, phớt lờ những thành tựu tốt đẹp mà ngành y đã đạt để tô vẽ ra một bức tranh u ám, tiêu cực về nền y tế của Việt Nam. Và dĩ nhiên, đích đến cuối cùng của các đối tượng này là đổ lỗi cho chế độ, đòi thay đổi thể chế chính trị, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng.
Ngành y tế nước ta đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tại một số bệnh viện cũng như trên thị trường đã xuất hiện tình trạng thiếu thuốc và trang thiết bị, vật tư y tế. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến công tác khám, chữa bệnh. Vậy nhưng nguyên nhân của tình trạng này có phải do sự tắc trách, thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm của cán bộ, lãnh đạo ngành y hay không? Chúng ta cần có cái nhìn hết sức khách quan, công bằng đối với ngành y. Việc để xảy ra tình trạng này có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Một phần nguyên nhân là do chuỗi cung ứng toàn cầu về thuốc và thiết bị y tế bị đứt gãy, ảnh hưởng đến thị trường trong nước. Mặt khác, những quy định liên quan tới mua sắm thuốc, đấu thầu vật tư và trang thiết bị y tế còn nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Đặc biệt, sau đại dịch Covid-19, những bất cập, hạn chế, tồn tại trong không ít cơ chế, chính sách trước đây đã bộc lộ rõ ràng. Trong khi đó, việc mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế được điều chỉnh bởi nhiều văn bản quy phạm pháp luật như Luật Đấu thầu, Luật Giá, Luật Tài sản công, Luật Dược cùng nhiều nghị định, thông tư hướng dẫn… Việc nghiên cứu, ban hành các văn bản hướng dẫn thuộc trách nhiệm của nhiều bộ, ngành khác nhau chứ không phải do Bộ Y tế toàn quyền quyết định. Muốn sửa đổi, bổ sung quy định cần thực hiện theo một quy trình, thủ tục hết sức chặt chẽ, không thể ngày một ngày hai là có thể giải quyết. Bởi vậy, chúng ta cần có sự thông cảm với ngành y.
Liên quan đến việc đổ lỗi, đòi Bộ trưởng Bộ Y tế phải từ chức, đây rõ ràng là giọng điệu thiếu thiện chí của những kẻ xấu tính. Trước đây khi các quan chức của ngành y tế đều là “con nhà nòi”, là chuyên gia đứng đầu của ngành này, các đối tượng tung ra luận điệu cho rằng bác sĩ chỉ nên làm chuyên môn, không nên làm người quản lý. Ấy thế mà giờ đây, khi một chuyên gia về lĩnh vực kinh tế, từng kinh qua nhiều vị trí lãnh đạo, quản lý tại Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tỉnh ủy Bắc Ninh trở thành “tư lệnh ngành” thì chúng lại quay ngoắt 180 độ, cho rằng một người không xuất phát từ ngành y không thể nào làm tốt công tác quản lý đối với ngành y (?!). Thực sự quá khó hiểu!
Thời gian qua, cả hệ thống chính trị đã tập trung năng lực, trí tuệ để bảo đảm sự ổn định của ngành y. Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 80/2023/QH15 ngày 9-1-2023 về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết hiệu lực từ ngày 1-1-2023 đến 31-12-2024. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 144/NQ-CP ngày 5-11-2022 về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Đồng thời, nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác đã được nghiên cứu, đề xuất dự thảo trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để giải quyết những vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của ngành y tế. Đây là những nỗ lực không nhỏ của các cơ quan công quyền.
Bên cạnh những khó khăn, hạn chế, thời gian qua, ngành y tế đã có nhiều nỗ lực và đạt những kết quả đáng ghi nhận. Năm 2022, ngành y tế đã thực hiện đạt và vượt 3 chỉ tiêu chủ yếu được giao. Trong đó, chỉ tiêu số bác sĩ/10.000 dân đạt 9,4 bác sĩ, thực hiện đạt 11,5 bác sĩ, vượt chỉ tiêu được giao; chỉ tiêu số giường bệnh/10.000 dân đạt 29,5 giường bệnh, thực hiện được 31 giường bệnh, vượt chỉ tiêu được giao; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 92% dân số, thực hiện được 92,03% dân số. Công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, y học cổ truyền… tiếp tục được đẩy mạnh.
Như chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà: “Y tế là lĩnh vực đặc biệt nên cơ chế, chính sách phải đặc biệt. Tất cả bộ, ngành phải vào cuộc cùng Bộ Y tế khắc phục khó khăn, vướng mắc”. Trong khi các cơ quan chức năng đang tập trung nghiên cứu để tìm ra giải pháp giải quyết khó khăn thì những “nhà dân chủ” lại nghênh ngang lên mạng xã hội dè bỉu. Thực tế, những kẻ này chẳng có ý kiến đóng góp nào tốt đẹp, những luận điệu được chúng đưa ra chỉ khiến đất nước trở nên xáo trộn, nhiễu loạn, mất ổn định. Chính vì vậy, cần kiên quyết vạch trần những âm mưu, luận điệu xảo trá, núp bóng vì dân nhưng thực chất là chống phá đất nước được chúng đưa ra, để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/33/142077/can-co-cai-nhin-khach-quan-voi-nganh-y