Cần cơ chế cho cộng sinh công nghiệp

Trong Luật Bảo vệ môi trường và các thông tư, nghị định liên quan đều khuyến khích doanh nghiệp (DN) cùng nhóm ngành, khu công nghiệp (KCN) cộng sinh để tiết kiệm chi phí và giảm phát thải. Thế nhưng, vì thiếu cơ chế, quy chuẩn cụ thể, trong khi các luật có độ 'vênh' nhau nên việc cộng sinh công nghiệp vẫn còn hạn chế.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi (phải) kiểm tra hoạt động xử lý chất thải công nghiệp tại Khu xử lý chất thải Tây Hòa (H.Trảng Bom). Ảnh: H.Lộc

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi (phải) kiểm tra hoạt động xử lý chất thải công nghiệp tại Khu xử lý chất thải Tây Hòa (H.Trảng Bom). Ảnh: H.Lộc

Một chính sách cụ thể, ổn định và linh hoạt là điều DN mong muốn để thúc đẩy cộng sinh công nghiệp và hình thành KCN sinh thái.

* Thiếu tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể

Đồng Nai hiện dẫn đầu cả nước về số lượng các KCN, trong đó 1 KCN được chọn thí điểm xây dựng mô hình KCN sinh thái nhưng quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn.

TS Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Quản lý nước và môi trường Công ty CP Đô thị Amata Biên Hòa cho biết, KCN Amata (TP.Biên Hòa) đã hoàn thành đầu tư hạ tầng thoát nước mưa, hệ thống thu gom và xử lý nước thải theo quy chuẩn của Bộ TN-MT. Năm 2020, KCN được Bộ KH-ĐT và Ban Dự án KCN sinh thái toàn cầu lựa chọn thí điểm chuyển đổi sang KCN sinh thái.

Công ty đã phối hợp với Ban Dự án KCN sinh thái toàn cầu tổ chức các hội thảo giới thiệu về KCN sinh thái, cử nhóm chuyên gia hỗ trợ DN tham gia dự án đánh giá sản xuất sạch hơn, đánh giá tiềm năng cộng sinh… Một số cộng sinh được hình thành nhưng việc chuyển sang mô hình KCN sinh thái vẫn còn nhiều khó khăn vì chưa có quy chuẩn, hướng dẫn rõ ràng. Chẳng hạn, việc tái sử dụng nước thải công nghiệp tưới cây, tái sử dụng bùn thải công nghiệp làm phân bón, hợp tác phát triển điện mặt trời bán lại cho DN kế bên…

Cộng sinh công nghiệp là việc các DN cùng hoặc khác nhóm ngành hợp tác để tạo vòng tuần hoàn sinh thái, giảm phát thải và tối ưu hóa tài nguyên. Hiện các mô hình cộng sinh phổ biến là: Hợp tác xử lý nước thải, bùn thải, chất thải công nghiệp không nguy hại. Tuy nhiên, đa phần mới dừng lại ở việc xử lý, còn tái chế và tái sử dụng vẫn thấp.

Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ KCN Nhơn Trạch 6 Cao Việt Chương cho rằng, các quy định hiện hành khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn nhưng công ty 3 lần lập hồ sơ xin tái chế bùn thải chưa được.

“Chúng tôi đầu tư công nghệ xử lý bùn thải, sấy khô, đốt thu hơi để cung cấp hơi cho các DN, nhưng thủ tục quá nhiêu khê” - ông Chương nói.

Cũng theo ông Chương, hiện KCN có trạm xử lý nước thải đáp ứng quy chuẩn của Bộ TN-MT nhưng một số DN phải hợp đồng đưa nước thải ra ngoài xử lý, vì trong nước thải có chất tẩy rửa (nguy hại), công ty không có chức năng xử lý.

Theo Sở TN-MT, bình quân mỗi ngày Đồng Nai phát sinh 144 ngàn m3 nước thải, hơn 500 tấn chất thải nguy hại và gần 1,3 ngàn tấn chất thải công nghiệp thông thường. Nếu các chất thải này được cộng sinh sẽ giảm chi phí xử lý, giảm tác động đến môi trường và tạo ra nhiều nguyên liệu mới.

Phó chủ tịch Hiệp hội DN Đồng Nai Châu Minh Nguyện cho rằng, các DN đang đứng trước áp lực giảm phát thải từ các quy định, từ đối tác nhưng thực hiện không dễ. Nguyên nhân vì chủ trương này được thể hiện ở nhiều quy định, văn bản khác nhau; chính sách chưa đồng bộ, thống nhất; nguồn lực để đầu tư vào công nghệ có hạn và thiếu chuyên gia để giải quyết từ khâu thiết kế đến tái sử dụng…

* Cần chính sách cụ thể, linh hoạt

Từ những tồn tại nêu trên, Phó chủ tịch Hiệp hội DN Đồng Nai kiến nghị cần nâng cao nhận thức của các DN về cộng sinh công nghiệp. Cơ quan quản lý nghiên cứu, chọn lọc hình thức cộng sinh phù hợp với điều kiện thực tế. Nhà nước nhanh chóng hoàn thiện các quy định về: trách nhiệm tái chế; có chính sách ưu đãi cụ thể về thuế, mặt bằng, tín dụng để khuyến khích cộng sinh công nghiệp. Yêu cầu các cơ sở sản xuất lớn xây dựng lộ trình thay đổi công nghệ, giảm phát thải…

Doanh nghiệp cùng khu công nghiệp có thể cộng sinh lao động kỹ thuật đặc thù. Trong ảnh: Thợ điện làm việc tại Công ty TNHH Dệt Texhong Nhơn Trạch

Doanh nghiệp cùng khu công nghiệp có thể cộng sinh lao động kỹ thuật đặc thù. Trong ảnh: Thợ điện làm việc tại Công ty TNHH Dệt Texhong Nhơn Trạch

Theo Công ty CP Đô thị Amata, có 3 giải pháp cộng sinh KCN có tiềm năng và các DN có nhu cầu là: nước thải, năng lượng tái tạo, sử dụng cây xanh cắt tỉa và bùn thải. Về tái sử dụng nước thải, cần có quy chuẩn chính thức về chất lượng nước thải sau xử lý cho mục đích tưới cây. Về năng lượng tái tạo, cần giảm bớt các thủ tục và có hướng dẫn cụ thể để phối hợp lắp đặt và chia sẻ nguồn năng lượng mặt trời. Cây xanh cắt tỉa và bùn thải sau xử lý là nguyên liệu để ủ phân compost bón cho mảng xanh, cần có quy chuẩn tái sử dụng bùn thải công nghiệp.

Ngoài các mô hình có lợi thế ở trên, DN trong cùng KCN cũng có thể hợp tác trong đào tạo tay nghề công nhân; sử dụng chung lao động đặc thù như: thợ điện, thợ nước, bảo vệ; xây dựng nhà ở cho chuyên gia, công nhân… Việc này vừa giúp giảm các chi phí, đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu, vừa thúc đẩy mô hình KCN sinh thái.

Trao đổi về vấn đề này, Phó viện trưởng Chiến lược và khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) Chu Thị Hoa cho rằng, quy định và thực tiễn thi hành luật trước yêu cầu phát triển kinh tế tuần hoàn vẫn còn những hạn chế nhất định. Viện đang phối hợp với các tỉnh, thành tổ chức hội thảo đánh giá thực tiễn, phân tích các tồn tại, hạn chế để tổng hợp gửi ban soạn thảo pháp luật để khi quy định mới ra đời đi vào cuộc sống.

Thực tế hiện nay, không ít DN đã và đang thực hiện cộng sinh công nghiệp, xuất phát từ nhu cầu thực tế của DN và yêu cầu của đối tác. Tuy nhiên, việc áp dụng các quy định và hưởng thụ chính sách khuyến khích còn nhiều vướng mắc. Đây là rào cản cần tháo gỡ để nhân rộng hoạt động cộng sinh công nghiệp và thúc đẩy chuyển sang mô hình KCN sinh thái.

Hoàng Lộc

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/moi-nong/202310/can-co-che-cho-cong-sinh-cong-nghiep-98459da/