Cần cơ chế đặc biệt đối với tài sản thi hành án chưa đủ tính pháp lý

Nếu tài sản thi hành án chưa đủ tính pháp lý hoặc là tài sản hình thành trong tương lai thì cần có cơ chế đặc biệt để có thể thực hiện việc thi hành án.

Tại hội thảo “Góp ý sửa đổi Luật Thi hành án (THA) dân sự - Giải pháp xử lý tài sản THA trong các vụ án kinh tế” do báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức vào sáng 14-5, nhiều khó khăn trong quá trình xử lý tài sản THA trong vụ án hình sự kinh tế; đặc biệt là các đại án đã được nêu ra.

Từ đó, các chuyên gia kiến nghị cần một cơ chế đặc biệt để xử lý những tài sản THA chưa hoàn thiện về mặt pháp lý…

 Hội thảo “Góp ý sửa đổi Luật Thi hành án dân sự - Giải pháp xử lý tài sản thi hành án trong các vụ án kinh tế” do báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức vào sáng 14-5. Ảnh: THUẬN VĂN

Hội thảo “Góp ý sửa đổi Luật Thi hành án dân sự - Giải pháp xử lý tài sản thi hành án trong các vụ án kinh tế” do báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức vào sáng 14-5. Ảnh: THUẬN VĂN

Đảm bảo quyền lợi cho người trúng đấu giá

Luật sư (LS) Lê Hồng Nguyên, Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn LS Việt Nam, dẫn chứng chuyện dự án Mũi Đèn Đỏ khi đem đấu giá thì giấy phép đầu tư hết hạn, trong khi đó chủ đầu tư đã bị tước quyền. Vậy cơ quan THA xin gia hạn giấy phép đầu tư được không bởi nếu giấy phép đầu tư không được gia hạn thì việc THA sẽ bị kéo dài?

 LS Lê Hồng Nguyên, Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn LS Việt Nam, đang bắt tay ông Mai Ngọc Phước (bên phải ảnh), Tổng Biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM. Ảnh: NGUYỆT NHI

LS Lê Hồng Nguyên, Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn LS Việt Nam, đang bắt tay ông Mai Ngọc Phước (bên phải ảnh), Tổng Biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM. Ảnh: NGUYỆT NHI

Từ dẫn chứng này, LS Nguyên đưa ra giải pháp nếu tài sản THA pháp lý chưa đầy đủ hay tài sản chỉ có quyền tài sản (tài sản hình thành trong tương lai) thì cần có cơ chế đặc biệt để có thể thực hiện việc THA.

Cơ chế đặc biệt có thể là các tài sản sau khi chuyển qua cơ quan THA thì không phải tuân thủ cơ chế thông thường. Cơ quan THA sẽ đấu giá theo hiện trạng mà không phải chờ để hoàn thiện các thủ tục pháp lý. Sau khi hoàn tất thủ tục đấu giá, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm hợp thức hóa tài sản đó mà không cần qua các thủ tục liên quan đến Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh bất động sản…

Cần xây dựng quy trình thẩm định giá riêng cho tài sản hình thành trong tương lai có tính đến tiến độ dự án, chi phí đầu tư dở dang và các yếu tố khác ảnh hưởng đến giá trị thực tế của tài sản khi hoàn thành.

TS Nguyễn Văn Tiến, Phó Trưởng khoa Luật dân sự Trường ĐH Luật TP.HCM, cũng đặt vấn đề: Cơ quan đấu giá chỉ đấu giá những tài sản ký hợp đồng đấu giá, còn những tài sản chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý thì sao?

 TS Nguyễn Văn Tiến, Phó trưởng khoa Luật Dân sự, Trường ĐH Luật TP.HCM. Ảnh: THUẬN VĂN

TS Nguyễn Văn Tiến, Phó trưởng khoa Luật Dân sự, Trường ĐH Luật TP.HCM. Ảnh: THUẬN VĂN

TS Tiến nêu ra một số vướng mắc dẫn đến trên thực tế người trúng đấu giá dù nộp đủ tiền vẫn không nhận được tài sản:

Thứ nhất, thiếu căn cứ để cơ quan THA cưỡng chế. Điều 70 Luật THA dân sự hiện hành quy định phải có quyết định cưỡng chế; tuy nhiên Điều 102, Điều 103 luật này lại quy định về bán đấu giá tài sản thì không có căn cứ này.

Thứ hai, khi đấu giá tài sản, người trúng đấu giá nhận tài sản nhưng không nhận tài sản giống như tài sản đã niêm yết. Đặc biệt, có trường hợp người trúng đấu giá không được cưỡng chế giao tài sản, không được cấp giấy chứng nhận do vướng các luật liên quan như Luật Công chứng, Luật Đấu giá tài sản... Thực tế có trường hợp có người trúng đấu giá hơn 10 năm nhưng chưa nhận được tài sản.

TS Nguyễn Văn Tiến cho rằng song song với việc thi hành theo pháp luật thì cần có cơ chế mềm dẻo, cần có ban chỉ đạo đủ sức điều chỉnh vấn đề giao tài sản cho người trúng đấu giá.

Lập trung tâm thông tin về tài sản

Theo tôi, cần có trung tâm thông tin về tài sản để cập nhật cơ sở dữ liệu về tài sản.

Luật sư Nguyễn Thành Công, Ủy viên Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM. Ảnh: THUẬN VĂN

Người mua, nhà đầu tư quan tâm đến tài sản THA thì chỉ cần liên hệ trung tâm để nắm thông tin, họ sẽ tự tin quyết định đầu tư.

Trung tâm này sẽ thông tin mọi loại tài sản, là cơ sở dữ liệu cho tài sản nói chung. Khi đó, mọi thông tin về tài sản đều được minh bạch.

LS NGUYỄN THÀNH CÔNG, Ủy viên Ban Chủ nhiệm Đoàn LS TP.HCM

Cơ sở pháp lý cho đấu giá tài sản hình thành trong tương lai

LS Lê Văn Hoan, Đoàn LS TP.HCM, đánh giá rằng việc bán đấu giá tài sản hình thành trong tương lai là việc phức tạp nhất là trong các vụ án hình sự.

 Luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP.HCM. Ảnh: NGUYỆT NHI

Luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP.HCM. Ảnh: NGUYỆT NHI

BLDS 2015 cho phép tài sản hình thành trong tương lai được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ (khoản 3 Điều 295). Điều này ngầm hiểu rằng tài sản này có thể là đối tượng của các giao dịch, bao gồm cả bán đấu giá. Luật Đấu giá tài sản 2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành không có quy định cụ thể cấm đấu giá tài sản hình thành trong tương lai…

Theo LS Hoan thì việc đấu giá tài sản hình thành trong tương lai cần đảm bảo các điều kiện về tính xác định của tài sản tại thời điểm đấu giá hoặc có khả năng xác định trong tương lai. Pháp luật điều chỉnh giao dịch về tài sản hình thành trong tương lai hiện cũng đã có, đặc biệt đối với bất động sản hình thành trong tương lai.

“Theo tôi, cần quy định chi tiết về đấu giá tài sản hình thành trong tương lai. Luật Đấu giá tài sản và các văn bản hướng dẫn cần có các điều khoản cụ thể, rõ ràng về quy trình, điều kiện, thẩm định giá, quản lý rủi ro và trách nhiệm của các bên liên quan đối với tài sản hình thành trong tương lai. Ngoài ra, cần có cơ chế phối hợp liên ngành để thông tin về tài sản được đầy đủ, chính xác, việc xử lý tài sản được đồng bộ” - LS Hoan nói.

Bên cạnh đó, LS Hoan cho rằng cần có quy trình thẩm định giá đặc thù: Xây dựng quy trình thẩm định giá riêng có tính đến tiến độ dự án, chi phí đầu tư dở dang, rủi ro thị trường và các yếu tố khác ảnh hưởng đến giá trị thực tế của tài sản khi hoàn thành. Đây là công đoạn mang tính quyết định đến việc bán đấu giá để THA đối với loại tài sản “đặc biệt” này.

 Ông Ngụy Cao Thắng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TP.HCM. Ảnh: NGUYỆT NHI

Ông Ngụy Cao Thắng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TP.HCM. Ảnh: NGUYỆT NHI

Ông Ngụy Cao Thắng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TP.HCM, nêu giải pháp để xử lý đối với những dự án chưa hoàn thiện về mặt pháp lý này là tạo cơ chế để cho phép chuyển nhượng tổng thể dự án để phát huy hết giá trị của tài sản; cho phép chủ tài sản/người phải THA tham gia phối hợp xử lý…•

Cần có các tiêu chí để phân loại án, tài sản mang tính đặc thù

Thực tế cho thấy nhiều tài sản thi hành án (THA) đang bị thế chấp hoặc chưa hoàn thiện pháp lý. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tiến trình xử lý tài sản THA.

ThS HỒ QUÂN CHÍNH

Thứ nhất, đối với “tài sản THA đang bị thế chấp”, đây có thể nói là một loại tài sản THA đặc biệt, mới phát sinh gần đây trong các vụ đại án về kinh tế, tham nhũng. Ví dụ, trong vụ án Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, tòa tuyên giao ngân hàng phối hợp với cơ quan THA dân sự (DS) có thẩm quyền để tiếp tục quản lý, xử lý đối với 1.120 mã tài sản đang được thế chấp để bảo đảm cho 1.243 khoản vay, hợp đồng tín dụng...

Vấn đề khó khăn lớn nhất ở đây chính là các hợp đồng tín dụng, thế chấp tài sản này là hợp pháp và vẫn còn hiệu lực; cơ quan THADS chưa thể xử lý ngay tài sản này để THA mà phải chờ ngân hàng xử lý theo hợp đồng thế chấp đã ký kết. Do vậy, thời gian xử lý đối với loại tài sản này còn phải phụ thuộc vào thời hạn của hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp và đặc biệt là sự chủ động của ngân hàng.

Các đại biểu tham dự Hội thảo “Góp ý sửa đổi Luật Thi hành án dân sự - Giải pháp xử lý tài sản thi hành án trong các vụ án kinh tế” do báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức sáng 14-5. Ảnh: THUẬN VĂN

Thứ hai, đối với các tài sản là bất động sản hoặc tài sản phải đăng ký mà chưa hoàn thiện về mặt pháp lý. Đây là loại tài sản rất khó xử lý để THA. Vì về nguyên tắc, cơ quan THADS chỉ được kê biên, xử lý tài sản khi tài sản đó đủ điều kiện để tham gia giao dịch dân sự theo quy định.

Do vậy, nếu tài sản chưa hoàn thiện về mặt pháp lý thì chủ tài sản phải tự mình tiếp tục thực hiện các thủ tục để xác lập quyền sở hữu, sử dụng hợp pháp thì cơ quan THADS mới xử lý được (cơ quan chức năng không có trách nhiệm phải hoặc được làm thay thủ tục này).

Ngoài ra, trong quá trình thực hiện thủ tục pháp lý, chủ tài sản còn có thể phải nộp các khoản phí, thuế cho Nhà nước, trong khi họ đang phải THA thì lấy tiền đâu để nộp các khoản này. Vì vậy, để xử lý đối với tài sản chưa hoàn thiện về mặt pháp lý thì còn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức THA.

Hiện công tác thu hồi tài sản tham nhũng và tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế còn gặp nhiều rào cản, chủ yếu là về mặt thể chế.

Việc xử lý tài sản để THA chỉ có một trình tự, thủ tục chung cho tất cả loại án. Do vậy, muốn tháo gỡ được những vướng mắc trong việc xử lý tài sản THA nói chung và tài sản THA trong các vụ án kinh tế, tham nhũng nói riêng (là loại án có ảnh hưởng lớn đến Nhà nước và thường có nhiều bị hại) thì trước hết cần có các tiêu chí để phân loại án, tài sản mang tính đặc thù…; để từ đó xây dựng một cơ chế đặc thù, hiệu quả để giải quyết đối với loại án, tài sản này.

Đặc biệt, cần xây dựng cơ chế phối hợp giữa cơ quan điều tra, TAND, VKSND, THADS và cơ quan quản lý, đăng ký tài sản trong việc xác minh, cung cấp thông tin, giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản trong các loại án này. Quy chế cần cụ thể hóa trách nhiệm và cộng đồng trách nhiệm giữa các cơ quan.

ThS HỒ QUÂN CHÍNH, Trưởng bộ môn Đào tạo các chức danh THADS
tại Cơ sở TP.HCM của Học viện Tư pháp

NGUYỄN CHÍNH

SONG MAI

HỮU ĐĂNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/can-co-che-dac-biet-doi-voi-tai-san-thi-hanh-an-chua-du-tinh-phap-ly-post849984.html