Cần cơ chế đặc thù cho an sinh xã hội đối với đồng bào các dân tộc thiểu sổ
ĐBQH đề nghị có cơ chế đặc thù ưu đãi trong các chương trình cho những tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn theo hướng được tỷ lệ hỗ trợ cao hơn, để các địa phương này có thêm nguồn lực thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và các chính sách an sinh xã hội đối với đồng bào các dân tộc thiểu số.
Tại cuộc thảo luận sáng 30/10, cho ý kiến về kết quả triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền (Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An) nêu một số vướng mắc trong quá trình triển khai, như tiến độ giải ngân nguồn vốn của chương trình chậm, ban hành văn bản hướng dân chậm…
Đại biểu nhấn mạnh, khó khăn vướng mắc lớn của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là việc làm và thu nhập ổn định trên mảnh đất quê hương, nhưng rất khó có doanh nghiệp nào bất chấp những rủi ro về địa hình, địa lý và thời tiết để có thể đáp ứng mong muốn của người dân địa phương.
Đại biểu đề nghị tập trung tháo gỡ các quy định liên quan đến khoán vào bảo vệ rừng, nâng mức hỗ trợ để thu hút sự quan tâm của người dân cũng như của doanh nghiệp và đưa nhà khoa học tham gia thực hiện dự án.
"Khó khăn lớn nhất là quá trình triển khai trên thực địa đến tận thôn, xóm, bản, hội, nhưng tỷ lệ giải ngân đạt rất thấp. Đại biểu cho rằng, Chính phủ đánh giá thẳng thắn và đưa ra các giải pháp phù hợp, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cấp trong thực hiện chương trình. Đồng thời, Chính phủ cần thiết phải thiết lập hệ thống đánh giá giám sát chương trình thực sự khách quan khoa học để có cơ sở dữ liệu đúng, xác thực tế và minh bạch", nữ đại biểu đoàn Nghệ an nói.
Đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái) cũng đề nghị Chính phủ xem xét giao chung vốn sự nghiệp thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia hàng năm trên cơ sở nguyên tắc, tiêu chí định mức phân bổ vốn đã được ban hành, không thực hiện giao theo lĩnh vực, theo dự án, tiểu dự án thành phần như hiện nay, để tạo sự chủ động linh hoạt cho các địa phương xem xét kinh phí thực hiện cho cấp huyện. Có cơ chế đặc thù ưu đãi trong tổ chức thực hiện các chương trình cho các tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn theo hướng được tỷ lệ hỗ trợ cao hơn, để các địa phương này có thêm nguồn lực thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và các chính sách an sinh xã hội đối với đồng bào các dân tộc thiểu số.
Theo đại biểu Nguyễn Quốc Luận, qua giám sát, khảo sát cho thấy nhiều văn bản hướng dẫn còn chung chung, chưa rõ ràng khó hiểu khó thực hiện không phù hợp thực tế. Việc dẫn chiếu quá nhiều trong một văn bản dẫn đến khó khăn, lúng túng cho cán bộ và người dân đặc biệt là cán bộ cấp xã ở các địa phương miền núi vùng cao địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành khẩn trương rà soát, sửa đổi bổ sung các chính sách các văn bản chỉ đạo hướng dẫn theo hướng chi tiết rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ áp dụng trong thực tiễn. Giải thích từ ngữ đầy đủ, hạn chế tối đa việc dẫn chiếu quá nhiều các văn bản trong cùng một nội dung. Đối với cấp xã nên ban hành dưới dạng Sổ tay hướng dẫn thực hiện; đồng thời bổ sung quy định cụ thể rõ ràng việc phối hợp lồng ghép giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia và giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia với các chương trình dự án khác để thuận lợi cho quá trình giải ngân các nguồn vốn, hạn chế việc chồng chéo trùng lắp vào địa bàn đối tượng nguồn vốn gây thất thoát lãng phí làm giảm hiệu quả của các chương trình.
Cùng với đó, đại biểu Nguyễn Quốc Luận đề nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn ngân sách trung ương năm 2023 của ba chương trình chưa được giải ngân hết chuyển sang tiếp tục thực hiện đến hết ngày 31/12/2024.
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Trần Quang Minh (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình) cho biết, trên thực tế, việc người dân, nhất là người nghèo ở đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận thông tin một cách đầy đủ đối với quyền lợi, nghĩa vụ của mình không đạt như mong muốn. Nhiều người nghèo, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa được tiếp cận thông tin một cách đầy đủ nên khi triển khai bị chậm tiến độ, bị động và gặp rất nhiều khó khăn.
"Tôi cho rằng khâu cán bộ cơ sở hướng dẫn thực hiện và cơ sở vật chất phục vụ cho công tác tuyên truyền chưa được chú trọng, cán bộ làm chính sách rất ít, hay thay đổi, chất lượng không đồng đều, điều kiện kinh tế khi công tác ở miền núi còn khó khăn, trong khi đội ngũ Ban phát triển ở thôn bản chưa được quan tâm đúng mức, chưa có chế độ, năng lực có hạn, chưa phát huy được vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín. Tôi đề nghị, thời gian tới, cần phải tập trung chỉ đạo nhiều hơn nữa công tác tuyên truyền đến tận người dân, nhất là người nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bởi vì, khi người dân nắm được, hiểu được và đồng tình với chủ trương, chính sách thì tâm lý trông chờ, ỷ lại sẽ ít đi, hiệu quả mang lại mới thực sự bền vững, lâu dài, ý chí vươn lên của người dân đóng vai trò rất quan trọng", đại biểu Trần Quang Minh nhấn mạnh.