Cần cơ chế đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng

Chiều 19/3, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng chủ trì thẩm định Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 119/2020/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng chủ trì thẩm định Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 119/2020/QH14.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng chủ trì thẩm định Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 119/2020/QH14.

Hướng tới xây dựng bộ máy chính quyền TP Đà Nẵng gọn nhẹ, hoạt động nhanh nhạy

Trình bày báo cáo tại phiên họp, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ, nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 43-NQ/TW, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 119/2020/QH14 về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là Nghị quyết nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng bộ máy chính quyền TP gọn nhẹ, hoạt động nhanh nhạy, thông suốt, cơ quan hành chính tích cực, chủ động điều hành, giải quyết kịp thời và hiệu quả những vấn đề cấp bách ở địa phương; góp phần tích cực vào việc cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường thu hút đầu tư trong và ngoài nước, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động.

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày tại phiên thẩm định

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày tại phiên thẩm định

Qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị và 03 năm thực hiện Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội, TP Đà Nẵng đã đạt được một số kết quả nổi bật như: Phát huy tốt hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước từ TP xuống phường theo hướng bảo đảm tính thống nhất, thông suốt; đẩy mạnh cơ chế phân cấp, ủy quyền từ chính quyền TP cho chính quyền quận, phường, giảm khâu trung gian, rút ngắn quy trình, thủ tục, thời gian giải quyết công việc của các cơ quan hành chính nhà nước. Tuy nhiên, qua sơ kết, việc thực hiện Nghị quyết số 119/2020/QH14 còn gặp một số khó khăn, vướng mắc về cơ cấu tổ chức của UBND quận, phường; về cơ chế tài chính của UBND quận, phường; về liên thông cán bộ phường và cán bộ, công chức xã, về biên chế công chức phường; thẩm quyền bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của HĐND quận, UBND phường ban hành trước ngày 01/7/2021; thẩm quyền thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND quận, phường theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Bên cạnh đó, quá trình triển khai một số cơ chế chính sách tại Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội còn chậm so với kế hoạch, một số cơ chế tuy đã được thực hiện nhưng hiệu quả còn thấp, một số cơ chế chính sách chưa được quy định cụ thể hoặc đang phải chờ văn bản hướng dẫn nên triển khai chậm, chủ yếu tập trung vào thí điểm mô hình chính quyền đô thị, còn thiếu các chính sách, cơ chế đặc thù mang tính đột phá, có tính động lực, lan tỏa. Bối cảnh thực tế hiện nay TP cần đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020QH14 ngày 19/06/2020 của Quốc hội nhằm khắc phục những thách thức mới đối với sự phát triển của TP trong thời gian tới là cần thiết.

Chú trọng các giải pháp đặc thù phát triển TP Đà Nẵng

Tại buổi thẩm định, các đại biểu cơ bản thống nhất với dự thảo, tuy nhiên để mang lại hiệu quả cao nhất, các đại biểu cho rằng cần tập trung làm rõ các nội dung về cơ cấu tổ chức bộ máy; chính sách, cơ chế đặc thù; chính sách khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; chính sách thu hút, giữ chân các nhà khoa học, nghiên cứu;

Theo đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, các chính sách ưu đãi để phát triển vi mạch bán dẫn chủ yếu tập trung vào Thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân cần nghiên cứu bổ sung thêm những chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển khác như: phát triển nguồn nhân Lực vi mạch bán dẫn qua các chương trình hỗ trợ chi phí đào tạo cho đối tượng học chuyên ngành vi mạch bán dẫn với mức hỗ trợ phù hợp; đơn giản hóa thủ tục cấp thẻ tạm trú cho các chuyên gia, nhân sự cấp cao của các doanh nghiệp vi mạch bán dẫn; ưu đãi tiền thuê đất, tiền sử dụng đất đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, công nghiệp hỗ trợ cho vi mạch bán dẫn; hỗ trợ một phần chi phí mua thiết bị hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất, ví dụ mức hỗ trợ không quá 5% tổng chi phí: hỗ trợ nhà đầu tư một phần chi phí di chuyển tài sản, dây chuyền, thiết bị đối với dự án đầu tư lĩnh vực vị mạch bán dẫn vào Việt Nam...

Đại diện một số đơn vị tham gia đóng góp ý kiến.

Đại diện một số đơn vị tham gia đóng góp ý kiến.

Đối với đề xuất của UBND TP Đà Nẵng về hoàn thiện cơ chế “một cửa tại chỗ” tại Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp TP Đà Nẵng, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định việc tự quyền của UBND như sau ”UBND có thể ủy quyền cho cơ quan chuyên môn thuộc UBND cùng cấp hoặc đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc”, do vậy, trường hợp UBND cấp huyện ủy quyền cho Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp TP Đà Nẵng cấp, cấp đổi, cấp lại, điều chỉnh, thu hồi giấy phép môi trường thì Ban Quản lý tương đương với cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện là chưa phù hợp. Đồng thời, chưa phù hợp với chủ trương phân cấp cho chính quyền cấp huyện giải quyết thủ tục hành chính về bảo vệ môi trường.

Phát biểu kết luận phiên thẩm định, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng ghi nhận và đánh giá cao ý kiến tâm huyết, chuyên môn của các thành viên Hội đồng thẩm định và sự quyết tâm của toàn TP Đà Nẵng vì mục đích phát triển chung của TP.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng phát biểu kết luận phiên thẩm định.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng phát biểu kết luận phiên thẩm định.

Đồng thời, Thứ trưởng đánh giá các chính sách trong đề cương Dự thảo Nghị quyết đã phù hợp với chủ trương đường lối của Đảng và Hiến pháp, tuy nhiên, Thứ trưởng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, TP Đà Nẵng tiếp tục rà soát kỹ các nội dung về khoa học công nghệ, trung tâm đổi mới sáng tạo; công nghiệp – thương mại – tài chính; logistics... để bảo đảm sự phù hợp, thống nhất với Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, bảo đảm tính khả thi trên thực tế và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.

Bên cạnh đó, cơ quan chủ trì soạn thảo cần cân nhắc điều chỉnh tên gọi của Nghị quyết; rà soát các quy định liên quan đến trợ cấp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; bổ sung đánh giá tác động đối với các chính sách mới như khu thương mại tự do; đồng thời, nhanh chóng tiếp thu các ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định và hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết để trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua đúng thời hạn.

T.Oanh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/can-co-che-dac-thu-phat-trien-thanh-pho-da-nang-post506981.html