Cần cơ chế để 'kéo' chuyên gia đào tạo nhân lực chất lượng cao
Chiều 11-5, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa làm việc với Ban Quản lý Khu Công nghệ cao (KCNC) TP HCM về việc xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và công tác đối với người Việt ở nước ngoài.
Tại buổi làm việc, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho hay Trung ương đã có một nghị quyết về công nghiệp hóa, hiện đại hóa liên quan đến khoa học công nghệ (KHCN) và đội ngũ trí thức. Ban Tuyên giáo Trung ương đang khẩn trương kết hợp với các bộ ngành, đặc biệt là Bộ KHCN và Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), để triển khai các nghị quyết. Cùng với KHCN, giáo dục cũng là một lĩnh vực thuộc ưu tiên hàng đầu, quốc sách, trong đó có việc xây dựng đội ngũ trí thức. Theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa, thời gian tới, Chính phủ cũng sẽ hoàn thiện về luật pháp cùng các cơ chế chính sách đào tạo, hỗ trợ phát triển nhân tài để họ ứng dụng tối ưu kiến thức vào thực tiễn.
Theo ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý (KCNC) TP HCM, hiện các chuyên gia KHCN người nước ngoài và chuyên gia Việt kiều làm việc trong các doanh nghiệp tại KCNC TP HCM khoảng hơn 600 người. "Đây là số lượng không nhiều so với số việc cần phải làm. Vì vậy, cần cụ thể hóa từng chính sách để phát huy được hiệu quả, từng chính sách nên gắn với những ngành phù hợp. Muốn phát triển điện tử vi mạch thì phải phát triển được nguồn nhân lực ở khâu tiềm năng là thiết kế, cần có chính sách cụ thể để thu hút chuyên gia giỏi về nước để họ hỗ trợ khâu đào tạo nhân lực. Chẳng hạn về thuế thu nhập cá nhân, có thể miễn thuế trong vòng 5 năm cho những người có thu nhập từ 5.000 USD trở lên" - ông Thi nói. Ông Peter Huỳnh, chuyên gia lĩnh vực điện tử đã làm việc 30 năm tại Thung lũng Silicon (Mỹ), hiện làm việc tại Trung tâm đào tạo điện tử quốc tế (IETC) thuộc KCNC, cho rằng Việt Nam có nhân lực, nguồn lực nhưng thiếu kinh nghiệm. "Cần có cơ chế hỗ trợ như thuế, chính sách năng động để thu hút các chuyên gia về cống hiến cho quê hương, tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh với các nước, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và truyền lửa cho thế hệ sau" - ông Peter Huỳnh nói.
Đồng quan điểm, GS-TS Đặng Lương Mô, giáo sư Nhật Bản về Việt Nam, cố vấn ĐHQG TP HCM, nhấn mạnh Việt Nam cần có một hướng đi rõ rệt chứ không thể dàn trải. Trong 50 năm qua, chúng ta từng bỏ lỡ nhiều cơ hội để phát triển ngành công nghiệp điện tử. Tuy nhiên, đến nay Việt Nam đã có một trong hai ngành trọng điểm của công nghiệp điện tử vi mạch bán dẫn đó là thiết kế - chế tạo. Để phát triển về lâu dài, đồng bộ thì doanh nghiệp ở KCNC TP HCM cần thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với các trường đại học trên địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận.
IETC được thành lập để cung cấp các chương trình tiêu chuẩn quốc tế cho sinh viên, người lao động trong nước, đứng lớp là những chuyên gia Việt kiều.