Cần cơ chế gỡ vướng mắc cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội

Trên địa bàn TP Hà Nội hiện có hơn 1.500 chung cư cũ, được xây dựng trong giai đoạn từ năm 1960 đến 1990. Hầu hết các chung cư đã hết niên hạn sử dụng, nhưng việc cải tạo, xây dựng lại, còn rất chậm, mới đạt hơn 1%. Nguyên nhân là do những vướng mắc trong cơ chế, chính sách, từ đền bù, tái định cư đến quy hoạch, huy động nguồn lực đầu tư.

Nhà G6A tập thể Thành Công xuống cấp nghiêm trọng, bị nghiêng tách rời hai đơn nguyên.

Nhà G6A tập thể Thành Công xuống cấp nghiêm trọng, bị nghiêng tách rời hai đơn nguyên.

Trên địa bàn TP Hà Nội hiện có hơn 1.500 chung cư cũ, được xây dựng trong giai đoạn từ năm 1960 đến 1990. Hầu hết các chung cư đã hết niên hạn sử dụng, nhưng việc cải tạo, xây dựng lại, còn rất chậm, mới đạt hơn 1%. Nguyên nhân là do những vướng mắc trong cơ chế, chính sách, từ đền bù, tái định cư đến quy hoạch, huy động nguồn lực đầu tư.

Theo báo cáo từ Sở Xây dựng Hà Nội, hiện nay, trên địa bàn thành phố có 1.579 nhà chung cư cũ, được xây dựng chủ yếu trong giai đoạn 1960 - 1990, tập trung tại khu vực bốn quận nội thành. Trải qua hàng chục năm sử dụng, không được duy tu, sửa chữa thường xuyên, cho nên phần lớn công trình nhà tập thể cũ đều xuống cấp nghiêm trọng, quá tải về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.

Bên cạnh đó, tình trạng người dân tự ý lấn chiếm, cơi nới không gian chung để tăng diện tích sử dụng gây ảnh hưởng đến kết cấu, khả năng chịu lực, chịu tải công trình, có nguy cơ mất an toàn cao.

Sau khi rà soát, phân loại có 200 nhà cấp C, 137 nhà cấp B và bảy nhà thuộc diện nguy hiểm cấp D. Hơn 10 năm qua, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ là vấn đề được Chính phủ và TP Hà Nội đặc biệt quan tâm.

Tháng 7-2007, Chính phủ thông qua Nghị quyết số 34/NQ-CP về một số giải pháp để thực hiện cải tạo, xây dựng lại một số chung cư cũ bị hư hỏng, xuống cấp.

Trên cơ sở đó, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 48/2008/QĐ-UBND, về quy chế cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ bị hư hỏng, xuống cấp trên địa bàn thành phố, thực hiện trên nguyên tắc đồng thuận, bảo đảm 2/3 tổng số chủ sở hữu nhà ở hợp pháp trong phạm vi dự án đồng tình.

Tuy nhiên, Nghị định số 101/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chủ đầu tư và chủ sở hữu tự thỏa thuận phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, trong khi chưa có khung giá quy định chung. Ngoài ra, khoản 3 Điều 110 Luật Nhà ở 2014, quy định đối với nhà chung cư cũ không phải nguy hiểm cấp D phải nhận được sự đồng thuận của 100% các hộ dân.

Đại diện Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng quận Ba Đình cho biết, bên cạnh những hộ gia đình ý thức được mức độ nguy hiểm của chung cư đã xuống cấp, tự nguyện di dời để thực hiện dự án cải tạo, xây mới nhà, vẫn còn nhiều hộ không chịu hợp tác và có sự đòi hỏi vượt quá so mức giá trị chung trên thị trường. Trong khi đó, trước đây, khi có quy định về việc chỉ cần 2/3 cư dân đồng ý là có thể thu hồi mặt bằng nhưng với quy định mới, các cơ quan chức năng không thể can thiệp được, tất cả đều phải dựa vào thái độ hợp tác từ phía người dân, gây khó khăn cho việc triển khai.

Bên cạnh đó, khối lượng chung cư cũ cần cải tạo, xây dựng rất lớn, nhưng ngân sách nhà nước hạn hẹp. Vì vậy, phương thức xã hội hóa, kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư là phương án khả thi hơn cả. Tuy nhiên, khi tiếp cận các dự án dạng này, nhà đầu tư nhận thấy khó có thể cân đối tài chính bởi trong khu vực nội đô công trình bị giới hạn chiều cao, số tầng. Bên cạnh đó, số lượng hộ dân di dời rất lớn, chủ yếu đều có nhu cầu tái định cư tại chỗ. Phương án đền bù cũng rất khó nhận được sự đồng thuận của 100% hộ dân, nhất là với những hộ đang sinh sống ở tầng 1. Thậm chí, có những chung cư xuống cấp đến mức nguy hiểm, nhưng việc di dời các hộ dân để xây dựng lại cũng không dễ…

Điều này khiến cho ngay cả với các nhà chung cư nguy hiểm cấp D (công trình hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ) tại hai quận Ba Đình và Đống Đa, UBND thành phố đã chỉ đạo di dời khẩn cấp sang nơi tạm cư để cải tạo, xây dựng lại từ năm 2013, đến nay mới có một chung cư hoàn tất xây dựng lại, còn lại vẫn chưa hoàn thành việc di dời.

Từ năm 2016, UBND thành phố cũng đã giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp các sở, ngành xây dựng cơ chế đặc thù và lập kế hoạch cải tạo, xây dựng mới các chung cư cũ trên địa bàn thành phố. Nhiều cuộc hội thảo đã được tổ chức với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành nhằm tìm giải pháp giúp thành phố. Sở Xây dựng đã đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù như: Xem xét, sửa đổi quy định về lấy ý kiến cộng đồng dân cư.

Cùng với đó, UBND TP Hà Nội cũng đã giao Sở Xây dựng lập đề án cải tạo hơn 200 khu chung cư cũ trên địa bàn. Hiện đề án này đã trình lên UBND TP Hà Nội, Bộ Xây dựng để rà soát các luật, gỡ vướng mắc giữa quy định của các luật khác nhau, xây dựng cơ chế rõ ràng, giải pháp tổng thể rồi thực hiện.

Khi góp ý về Đề án này, Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho rằng, trong trường hợp cần thiết, thành phố Hà Nội nên chọn một, hai khu nhà chung cư cũ cần cải tạo, xây dựng lại để đề xuất Thủ tướng cho thí điểm. Trong đó lưu ý, quy định cụ thể phương án bố trí tạm cư tại khu vực dự án hoặc khu vực lân cận, bảo đảm thuận tiện trong sinh hoạt cho người dân; thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại toàn khu theo hình thức "cuốn chiếu"...

Bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân tại những chung cư cũ nguy hiểm là yêu cầu cấp bách đặt ra, do đó rất cần sự vào cuộc khẩn trương, quyết liệt của các cấp, ngành, sự đồng thuận của các chủ sở hữu, chủ sử dụng nhà chung cư thì mới mong đạt hiệu quả.

QUỐC TOẢN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tranghanoi-tin-chung/can-co-che-go-vuong-mac-cai-tao-chung-cu-cu-o-ha-noi-628883/