Cần cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ áp dụng tiêu chuẩn

Đại biểu Đỗ Văn Yên đề nghị cần có cơ chế mạnh để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ áp dụng tiêu chuẩn, khuyến khích chuyên gia tham gia xây dựng quy chuẩn.

Cần bổ sung cơ chế mở để thích ứng với công nghệ mới

Phát biểu góp ý tại Quốc hội về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật vào sáng ngày 10/5 tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Đại biểu Đỗ Văn Yên (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng, để đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế, luật cần có cách tiếp cận linh hoạt, tầm nhìn dài hạn và cơ chế hỗ trợ thực chất cho doanh nghiệp cũng như các chủ thể tham gia xây dựng quy chuẩn.

Đại biểu Đỗ Văn Yên - Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: QH

Đại biểu Đỗ Văn Yên - Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: QH

Góp ý vào khoản 3 Điều 1 về đối tượng hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, đại biểu cho rằng dự thảo đã liệt kê khá đầy đủ các nhóm đối tượng như sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường...

Tuy nhiên, ông đề nghị bổ sung cơ chế mở, cho phép Chính phủ quy định chi tiết và cập nhật các danh mục đối tượng áp dụng phù hợp với thực tiễn. Đặc biệt là trong bối cảnh xuất hiện nhiều loại hình sản phẩm công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, dịch vụ kỹ thuật số tại khoản 2 Điều 5 và nghị định. Điều này sẽ giúp cho luật không bị lạc hậu so với tốc độ phát triển của công nghệ và đảm bảo tính thích ứng cao với sự thay đổi của môi trường kinh tế, xã hội.

“Trong bối cảnh xuất hiện nhanh chóng các loại hình sản phẩm công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), dịch vụ kỹ thuật số… thì luật không thể giữ tư duy đóng cứng. Nếu không cập nhật kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng luật đi sau thực tiễn, gây khoảng trống quản lý hoặc thậm chí kìm hãm đổi mới”- Đại biểu Đỗ Văn Yên nhận định.

Cùng với đó, đại biểu cũng đề xuất sửa khoản 4 Điều 1, bổ sung vai trò của tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật không chỉ là công cụ quản lý nhà nước, mà cần được xác định là một cấu phần của hạ tầng chất lượng quốc gia, đây là yếu tố thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh và tạo nền tảng cho hội nhập quốc tế. Đây là cách tiếp cận đã được nhiều quốc gia áp dụng và thể hiện rõ trong các cam kết của Việt Nam khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, khuyến khích chuyên gia xây dựng quy chuẩn

Góp ý cho khoản 5 Điều 1, Đại biểu Đỗ Văn Yên nhận định, dù dự thảo đã đề cập nhiều chính sách khuyến khích, nhưng vẫn thiếu các cơ chế hỗ trợ cụ thể cho nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, lực lượng đông đảo nhưng còn hạn chế về nguồn lực tài chính và kỹ thuật.

Ông đề nghị bổ sung các chính sách ưu đãi về tín dụng, thuế hoặc hỗ trợ tài chính từ ngân sách khoa học và công nghệ cho hoạt động xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn. “Nhiều doanh nghiệp rất muốn chuẩn hóa để nâng cao năng lực cạnh tranh, nhưng chi phí và năng lực kỹ thuật lại là rào cản lớn”- ông phân tích.

Quốc hội thảo luận tại hội trường dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật

Quốc hội thảo luận tại hội trường dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật

Đặc biệt, ở khoản 2 Điều 1 về quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng quy chuẩn kỹ thuật, đại biểu nhấn mạnh: Luật cần bổ sung chính sách khuyến khích như cơ chế khen thưởng, hỗ trợ tài chính hoặc ưu đãi nghiên cứu khoa học đối với các chuyên gia, tổ chức, doanh nghiệp có đóng góp tích cực.

Ông nhấn mạnh: “Nếu không có cơ chế động viên phù hợp, rất khó thu hút được những người có chuyên môn sâu và kinh nghiệm thực tiễn vào quá trình xây dựng quy chuẩn vốn đòi hỏi rất nhiều chất xám và thời gian”.

Một nội dung quan trọng khác được vị đại biểu Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu đề cập là khoản 18 Điều 1 về quy chuẩn kỹ thuật địa phương. Theo đó, dự thảo đã quy định quy chuẩn kỹ thuật địa phương không được đặt ra yêu cầu khác với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (trừ trường hợp được giao quyền), song theo ông, cần quy định rõ ràng hơn về tiêu chí, phạm vi, cơ chế và thẩm quyền giao.

Nếu không làm rõ, sẽ dẫn đến tình trạng mỗi địa phương hiểu và áp dụng một kiểu, gây phân mảnh hệ thống tiêu chuẩn và ảnh hưởng đến tính thống nhất của môi trường kinh doanh quốc gia”, ông cảnh báo.

Đại biểu Đỗ Văn Yên khẳng định, sửa luật lần này không chỉ là chỉnh sửa về kỹ thuật pháp lý mà còn là cơ hội để Việt Nam xây dựng một hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện đại, linh hoạt và hội nhập, phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững trong kỷ nguyên số.

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/can-co-che-ho-tro-doanh-nghiep-nho-ap-dung-tieu-chuan-386967.html