Cần cơ chế nới 'room' cả trực tiếp và gián tiếp
Giữa mục tiêu và chuyển động cơ chế thu hút vốn ngoại vào thị trường chứng khoán đang có khoảng cách, đòi hỏi phải sớm nới tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài (room) cả trực tiếp và gián tiếp.
Nên mở rộng không gian cho nới room trực tiếp
Về tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam, tại dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán quy định: đối với công ty đại chúng hoạt động trong ngành nghề đầu tư kinh doanh thuộc ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài, hoặc ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài, hoặc ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện mà chưa có quy định cụ thể về sở hữu nước ngoài, thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa là 49%.
Nhìn nhận quy định trên là chưa phù hợp, bà Nguyễn Thị Xuân Dung, Trưởng phòng Pháp chế, Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) cho rằng, đối với những ngành nghề đầu tư, kinh doanh mà điều ước quốc tế và pháp luật trong nước chưa có quy định cụ thể về sở hữu nước ngoài, nên cho phép mức sở hữu nước ngoài tối đa là 100%.
Liên quan đến nghĩa vụ của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài khi đầu tư, giao dịch trên TTCK, dự thảo Nghị định quy định: ngoại trừ quỹ mở, công ty đại chúng, tổ chức kinh doanh chứng khoán, quỹ đầu tư chứng khoán áp dụng điều kiện về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, trình tự, thủ tục đầu tư trên thị trường chứng khoán như nhà đầu tư nước ngoài khi có nhà đầu tư nước ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên trong ít nhất 180 ngày trong 1 năm dương lịch.
Theo góc nhìn của HSC, nếu chỉ dựa trên tổng tỷ lệ sở hữu nước ngoài (>51%) như dự thảo để quyết định địa vị pháp lý của một tổ chức kinh tế, có thể sẽ dẫn đến trường hợp doanh nghiệp đại chúng/niêm yết không có sự chi phối, kiểm soát của nhà đầu tư nước ngoài nhưng vẫn phải tuân thủ quy định đầu tư, kinh doanh chặt chẽ hơn (áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài).
Bởi vậy, cần bổ sung điều kiện để xem xét địa vị pháp lý của công ty đại chúng, tổ chức kinh doanh chứng khoán và quỹ đầu tư chứng khoán, đó là có một nhà đầu tư nước ngoài và/hoặc người có liên quan của nhà đầu tư nước ngoài này nắm giữ từ 35% vốn điều lệ trở lên.
Việc triển khai mô hình bù trừ, thanh toán theo mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP) cũng có ý nghĩa quan trọng trong thu hút vốn ngoại, nên ý kiến từ thị trường cho rằng, gắn liền với triển khai CCP là cần có giải pháp và lộ trình cho việc xóa bỏ yêu cầu nhà đầu tư phải đảm bảo có đủ tiền và chứng khoán trước khi đặt lệnh giao dịch.
Muốn vậy, đề nghị nhà hoạch định chính sách có cơ chế cho phép ghi nhận bảo lãnh thanh toán của công ty chứng khoán, ngân hàng lưu ký không được xem là thanh toán đầu tư dài hạn, mà là biện pháp hỗ trợ thanh toán tạm thời trong giao dịch chứng khoán.
Trường hợp nhà đầu tư không thực hiện thanh toán, thành viên bù trừ sẽ cho vay bắt buộc để thanh toán đủ tiền cho giao dịch chứng khoán.
Cần cơ chế mở room gián tiếp
Nhằm giải tỏa mối lo về nới room trực tiếp sẽ tạo ra rủi ro trong kiểm soát nhà đầu tư nước ngoài, Luật Doanh nghiệp có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 đưa ra quy định về phát hành chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR).
Tuy nhiên, nội dung triển khai giải pháp này không được quy định tại dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán.
“Dự thảo Nghị định quy định, nhà đầu tư nước ngoài được đầu tư không hạn chế NVDR, nhưng việc phát hành, chào bán và quản lý loại chứng chỉ này chưa được quy định tại dự thảo. Chúng tôi đề xuất, Ban soạn thảo cần quy định rõ những nội dung này vào dự thảo Nghị định. Trong đó, nêu rõ thời gian dự kiến triển khai, vì đây sẽ là một loại chứng khoán tiềm năng, thu hút lượng lớn tổ chức và cá nhân nước ngoài tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam”, bà Lê Thị Hồng Thái, Công ty Quản lý quỹ VinaCapital nói.
Đồng quan điểm trên, HSC đề xuất, Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) bổ sung một chương riêng quy định về NVDR trong dự thảo Nghị định.
Đây là giải pháp tối ưu cho sở hữu nước ngoài ở công ty niêm yết tại Việt Nam, vì giúp Chính phủ Việt Nam duy trì được tỷ lệ sở hữu nước ngoài hiện hành, kiểm soát được công ty thông qua cơ chế bỏ phiếu của tổ chức phát hành NVDR, đồng thời nhà đầu tư nước ngoài được đầu tư vào các công ty niêm yết bị hạn chế sở hữu nước nước ngoài.
Một lãnh đạo UBCK cho biết, cơ quan này đang tổng hợp, nghiên cứu các đề xuất trên để tiếp thu hợp lý vào dự thảo Nghị định, dự kiến trung tuần tháng 9 tới sẽ trình Chính phủ xem xét ban hành. Tinh thần sửa đổi chính sách lần này là tạo ra cơ chế thông thoáng cho hút vốn ngoại chảy vào thị trường chứng khoán Việt Nam.