Cần có chế tài cụ thể đối với hành vi bỏ cọc trong đấu giá tài sản

Trong thực tế, nhiều người tham gia đấu giá nhưng mục đích của họ chưa hẳn là mua được tài sản đấu giá. Ngoài việc trả giá cao, họ còn có những mục đích khác như: thao túng mặt bằng giá mới, lũng đoạn thị trường, phô trương thanh thế… Vì thế, khi Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, một số đại biểu cho rằng, cần nghiên cứu bổ sung quy định về thời gian và chế tài thực hiện nghĩa vụ tài chính trong trường hợp trúng đấu giá nhằm ngăn chặn tình trạng lũng đoạn, gây rối loạn thị trường.

Ảnh minh họa: Khánh Huy

Ảnh minh họa: Khánh Huy

Đấu giá để phô trương thanh thế?

Ví dụ rõ nhất về việc bỏ cọc diễn ra sau các phiên đấu giá biển số xe. Hành vi này kéo theo không ít hệ lụy, gây tốn kém cả về thời gian và tiền bạc cho những người có nhu cầu thực lẫn cơ quan chức năng và tổ chức liên quan. Bởi để tổ chức một phiên đấu giá biển số xe ô tô được diễn ra một cách nghiêm túc thì cần chuẩn bị rất nhiều khâu và đầu tư về cả nhân lực lẫn chi phí.

Liên quan đến vấn đề này, một số cá nhân đã đấu giá những biển số đẹp như: 51K-888.88 (TP Hồ Chí Minh) 32,340 tỷ đồng; 30K-555.55 (Hà Nội) 14,12 tỷ đồng; 30K-567.89 (Hà Nội) 13,075 tỷ đồng; 36A-999.99 (Thanh Hóa) giá trúng là 7,47 tỷ đồng. Nhưng do không nộp tiền trúng đấu giá, những người này chỉ mất tiền cọc đã nộp trước là 40 triệu đồng.

Trước đó, Công ty Bất động sản Ngôi Sao Việt (đơn vị thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh) đã có văn bản chính thức xin bỏ cọc mua bán quyền sử dụng lô đất số 3-12 tại khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) và bỏ số tiền đặt cọc gần 600 tỷ đồng.

Hiện tại, Luật Đấu giá tài sản chưa có chế tài cho vấn đề này. Do đó, người đấu giá hoàn toàn có quyền bỏ cọc. Luật chỉ quy định người đã trúng đấu giá mà không đóng tiền, thì mất tiền cọc theo Điều 19 Nghị định 39/2023/NĐ-CP của Chính phủ.

Hiện, theo Nghị định số 39/2023/NĐ-CP, nếu người trúng đấu giá không thanh toán số tiền còn lại trong thời gian quy định, kết quả đấu giá sẽ bị hủy. Số tiền đặt cọc sẽ không được hoàn lại và được nộp vào ngân sách Nhà nước.

Ngoài các quy định trên thì hiện tại không có chế tài xử phạt đối với những trường hợp trúng đấu giá nhưng không nộp tiền.

Theo đại biểu Quốc hội - Trung tướng Nguyễn Hải Trung (Giám đốc CATP Hà Nội), trong dự án luật cần có quy định rõ ràng, chi tiết hơn về việc xử lý nhà đầu tư trúng thầu một dự án nhưng lại “bỏ của chạy lấy người”. Bởi nếu khi nhà đầu tư trúng thầu rồi sau đó không đặt cọc mà bỏ thầu thì sẽ gây thất thoát lớn đến việc đầu tư cho dự án, làm mất niềm tin của các nhà đầu tư chân chính khác.

Ngăn chặn tình trạng lũng đoạn thị trường

Đại biểu Dương Ngọc Hải, đoàn TP Hồ Chí Minh cho rằng, trên thực tế, nhiều người tham gia đấu giá nhưng mục đích của họ chưa hẳn là mua được tài sản đấu giá. Ngoài việc trả giá cao, họ còn có những mục đích khác như: thao túng mặt bằng giá mới, phô trương danh thế… Do đó, việc xem xét năng lực và mục đích của người đấu giá cần được làm chặt chẽ.

Quy định yêu cầu người có tài sản đấu giá phải xét duyệt điều kiện của người tham gia đấu giá cũng được đại biểu Dương Ngọc Hải nhận định là chưa phù hợp, không khả thi. Bởi người có tài sản đấu giá có thể là cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân. Nếu cá nhân thì họ không thể có khả năng thẩm tra, xét duyệt năng lực điều kiện của người tham gia đấu giá. Đặc biệt có những tài sản có rất nhiều cơ quan tổ chức tham gia đấu giá. Việc này cần để các cơ quan tổ chức thực hiện đấu giá tài sản thực hiện, vì họ có năng lực, chuyên môn.

Về quy định tiền đặt cọc trước khi tham gia đấu giá tài sản, đại biểu Dương Ngọc Hải cho rằng, từ thực tiễn trong thời gian qua, việc tăng tiền đặt cọc lên 10% để ngăn chặn việc sẵn sàng mất cọc để thực hiện mục đích khác là cần thiết. Tuy nhiên, để đảm bảo tính cạnh tranh, nên quy định rõ biên độ chênh lệch đặt cọc mức tối thiểu và mức đặt tối đa, tùy theo giá trị, vị trí tài sản.

Tại báo cáo thẩm tra về dự thảo luật này, cũng có ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về việc phạt vi phạm nghĩa vụ trong hoạt động đấu giá tài sản. Cụ thể, quy định điều khoản phạt trong trường hợp trúng đấu giá nhưng không mua tài sản bằng 50% giá mà người trúng đấu giá đã trả. Với giải pháp này, số tiền đặt trước có thể thấp nhằm thu hút nhiều người tham gia đấu giá, song số tiền phạt vi phạm nghĩa vụ nếu lớn sẽ ngăn chặn tình trạng trả giá cao bất thường rồi bỏ tiền đặt trước, gây lũng đoạn thị trường.

Các đại biểu Quốc hội cho rằng, việc bỏ cọc diễn ra sau các phiên đấu giá biển số xe kéo theo không ít hệ lụy, gây tốn kém cả về thời gian và tiền bạc cho những người có nhu cầu thực lẫn cơ quan chức năng và tổ chức liên quan.

Ngô Sơn

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/can-co-che-tai-cu-the-doi-voi-hanh-vi-bo-coc-trong-dau-gia-tai-san-359424.html