Cần có chế tài nghiêm khắc hơn đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy

Đại biểu Lê Hữu Trí - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa trả lời phỏng vấn Báo Khánh Hòa về một số nội dung của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự.

Đại biểu Lê Hữu Trí - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa.

Đại biểu Lê Hữu Trí - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa.

- Thưa ông, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽ thảo luận và cho ý kiến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, được biết trong dự thảo sửa đổi lần này sẽ bổ sung tội sử dụng trái phép chất ma túy, xin ông cho biết quan điểm của mình về vấn đề này?

Tôi hoàn toàn thống nhất bổ sung tội sử dụng trái phép chất ma túy như một tội phạm hình sự.

Thực tiễn thi hành cho thấy hành vi sử dụng trái phép chất ma túy có tính chất nguy hiểm cho xã hội, có dấu hiệu tội phạm, nhưng chưa được quy định là tội phạm. Qua thực tiễn công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về ma túy thấy rằng, hiện nay, tình hình nghiện ma túy diễn ra rất phức tạp, số người nghiện ma túy đang có xu hướng gia tăng gây ra áp lực về an ninh, trật tự, an toàn xã hội; nghiện ma túy là một trong những nguyên nhân dẫn đến người nghiện gây ra các loại tội phạm khác như trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cưỡng đoạt tài sản, cướp giật tài sản… để có tiền sử dụng ma túy. Người sử dụng trái phép chất ma túy rơi vào tình trạng “ngáo đá”, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng có chiều hướng gia tăng. Thực tế công tác cai nghiện ma túy cho thấy, nhiều người đang trong quá trình cai nghiện hoặc ngay sau khi kết thúc quá trình cai nghiện vẫn tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy nhưng chưa có biện pháp hoặc chế tài để giải quyết đối với những trường hợp này.

Pháp luật hiện hành đang quy định xử lý về tội tàng trữ trái phép chất ma túy và tội danh này chủ yếu hướng tới đối tượng tàng trữ để sử dụng trái phép chất ma túy. Có nghĩa là, một người sau khi mua chất ma túy để sử dụng, nếu chưa kịp sử dụng mà bị phát hiện thì có thể bị xử lý hình sự về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy, còn nếu đang hoặc đã sử dụng thì lại không bị xử lý về hành vi tương ứng. Nghiện ma túy nếu không được quản lý tốt để kéo giảm số lượng người nghiện thì sẽ “lây lan” đối với những người khác. Thực tiễn cho thấy, một bộ phận giới trẻ hiện nay dễ bị rủ rê, lôi kéo vào con đường sử dụng trái phép chất ma túy, tìm tới ma túy để giải tỏa áp lực trong cuộc sống; nhiều người coi sử dụng ma túy như một cách để thể hiện bản thân… Nếu không có biện pháp “giảm cầu” hữu hiệu thì nguy cơ về việc ảnh hưởng đến chất lượng nguồn lao động và giống nòi là vấn đề đặt ra.

Những vấn đề trên đặt ra yêu cầu cần phải nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự cho phù hợp với thực tiễn góp phần tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về công tác phòng, chống tội phạm trong điều kiện xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, hội nhập quốc tế, vừa bảo đảm tính nhân đạo, khoan hồng, vừa bảo đảm tính răn đe, nghiêm khắc, góp phần đắc lực vào việc bảo vệ chế độ, bảo vệ quyền con người, bảo vệ lợi ích của Nhà nước và tổ chức, góp phần bảo vệ trật tự, an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm cho mọi người được sống trong môi trường xã hội và môi trường sinh thái an toàn, lành mạnh.

- Thưa ông, cũng trong dự thảo Luật sửa đổi lần này, cơ quan trình đề nghị bỏ hình phạt tử hình và thay thế bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án đối với 08/18 tội danh có khung hình phạt tử hình ở Bộ luật Hình sự hiện hành, xin ông cho biết quan điểm của mình về vấn đề này?

Dự thảo Luật dự kiến bỏ hình phạt tử hình và thay thế bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án tại 08 tội danh có khung hình phạt tử hình của Bộ luật Hình sự hiện hành, gồm các tội: (1) Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 109); (2) Tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 114): (3) Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 194): (4) Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (Điều 421), (5) Tội gián điệp (Điều 110); (6) Tội vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250); (7) Tội tham ô tài sản (Điều 353) (8) Tội nhận hối lộ (Điều 354).

Tôi tán thành chủ trương tiếp tục xem xét bỏ hình phạt tử hình tại các tội danh còn hình phạt này trong BLHS. Tuy nhiên, trong bối cảnh quốc tế diễn biến khó lường, suy thoái kinh tế, xung đột vũ trang, chiến tranh thương mại và các yếu tố bất ổn khác đang tác động rất lớn đến kinh tế - xã hội trong nước; diễn biến tình hình tội phạm rất phức tạp, có chiều hướng gia tăng, thì mức độ điều chỉnh chính sách hình sự cần được cân nhắc thận trọng, việc bỏ hình phạt tử hình ở tội danh nào cần được xem xét, đánh giá kỹ lưỡng, tránh gây tác động bất lợi tới hiệu quả răn đe, phòng ngừa và xử lý tội phạm. Tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong hồ sơ dự án Luật cho thấy, nhiều nước phát triển cao nhưng vẫn giữ số lượng tội có hình phạt tử hình nhiều hơn Việt Nam.

Theo tôi, cơ quan trình cần cân nhắc không bỏ hình phạt tử hình đối với những tội đặc biệt nguy hiểm như: Tội phá hoại hòa bình gây chiến tranh xâm lược; Tội gián điệp; Tội vận chuyển trái phép chất ma tuy. Theo chủ trương của Đảng và Nhà nước ta hiện nay là đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy với mục tiêu “giảm cung, giảm cầu, giảm thiểu những hệ lụy của ma túy”. Nếu bỏ hình phạt tử hình đối với tội danh này sẽ làm giảm tính răn de, tạo kẽ hở để tội phạm ma tuy phát triển phức tạp và nguy cơ Việt Nam có thể sẽ trở thành điểm trung chuyển ma túy quốc tế.

Đồng thời, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc việc bỏ hình phạt tử hình đối với Tội sản xuất buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh bởi đây là hành vi trục lợi trên nỗi đau của người bệnh (nhất là hành vi sản xuất), có thể dẫn đến chết người, gây ảnh hưởng đến giống nòi và nhất là trong bối cảnh Nhà nước ta đang rất cương quyết chống sản xuất, buôn bán hàng giả. Đồng thời, trong dự thảo Luật sửa đổi lần này, cơ quan soạn thảo cũng cần xem xét đưa tội sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, đặc biệt việc sản xuất, chế biến các nguyên liệu thực phẩm, thức ăn có chứa độc tố mạnh, những hóa chất độc hại gây nguy hiểm cho con người cũng được coi là tội phạm hình sự. Trong Bộ luật Hình sự, chúng ta chưa đề cập, thời gian qua chúng ta chỉ xử lý hành chính, đề nghị phải đưa hành vi này như một tội phạm hình sự để bảo đảm tính răn đe.

Tôi cũng thống nhất với Dự thảo Luật khi bổ sung 2 trường hợp không thi hành án tử hình, gồm: người mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối và người nhiễm HIV đã chuyển giai đoạn AIDS đang có nhiễm trùng. Quy định này thể hiện được tính nhân đạo của Đảng, Nhà nước ta.

- Xin cảm ơn ông!

TRÍ NGHĨA (Thực hiện)

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/chinh-tri/202505/can-co-che-tai-nghiem-khac-hon-doi-voi-hanh-vi-su-dung-trai-phep-chat-ma-tuy-60474a9/