Cần có chính sách đột phá để phát triển điện lực

Sáng nay, 29.8, tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành hội nghị. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành hội nghị. Ảnh: Hồ Long

Xác định rõ chức năng quản lý nhà nước của từng bộ

Theo các đại biểu Quốc hội, việc sửa đổi Luật Điện lực là hết sức cần thiết để khắc phục những bất cập, hạn chế trong quá trình vận hành điện lực trong thời gian qua, nhất là về vấn đề giá điện, quy hoạch điện, tiêu thụ điện.

Quan tâm đến phạm vi điều chỉnh quy hoạch, từ Điều 9 đến Điều 11 dự thảo Luật, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nhận thấy, đây là nội dung hết sức cần thiết. Tuy nhiên, theo đại biểu, không nên quy định lại những quy định chung mà các luật về quy hoạch đã có. Đồng thời, cũng cần nghiên cứu quy định về thời gian định giá, định kỳ đánh giá thực hiện kế hoạch, quy hoạch để bảo đảm sự hài hòa; rà soát lại, đặc biệt là quy định về thẩm quyền quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

“Chúng ta phải phân định rạch ròi chức năng quản lý nhà nước của từng bộ, đặc biệt, nếu Bộ Công Thương chủ trì thì phải tính toán lại để công tác quy hoạch điện lực sắp tới được an toàn, hoàn chỉnh và đạt hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, mong muốn của người dân”, đại biểu nói.

ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Về tiến độ thực hiện nguồn lực theo Điều 15 dự thảo Luật, đại biểu Phạm Văn Hòa chỉ rõ, có những nội dung về tiến độ thực hiện dự án đã được quy định trong dự thảo Luật, nhưng qua nghiên cứu cho thấy rất cần thiết để Chính phủ quy định chi tiết thì mới giải thích rõ được những nội dung về tiến độ như: thời điểm phê duyệt dự án đầu tư, thời điểm thu xếp xong về mặt tài chính, thời điểm khởi công xây dựng công trình điện...

Đồng thời, đại biểu Phạm Văn Hòa cũng đề nghị cần xem xét kỹ lưỡng, giải thích rõ ràng, cụ thể vì sao đối với những dự án đầu tư công và những dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) thì lại không áp dụng theo các quy định này. “Dự án PPP, dự án đầu tư công không trong phạm vi điều chỉnh của quy hoạch thì đối tượng nào mới được điều chỉnh?”, đại biểu băn khoăn.

ĐBQH Tô Ái Vang (Sóc Trăng) đề nghị, Chính phủ phân công các bộ, ngành liên quan rà soát và bổ sung đầy đủ cơ sở pháp lý, sớm tháo gỡ vướng mắc của các nhà máy nhiệt điện đang triển khai thực hiện còn dang dở ở các địa phương, trong đó có Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1 tại tỉnh Sóc Trăng, theo quy hoạch điện VIII dự kiến đưa vào vận hành năm 2027.

Đại biểu cho biết, Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1 gồm 3 tổ máy có công suất 1.200 MW. Theo kế hoạch, tổ máy số 1 sẽ đưa vào vận hành thương mại năm 2018. Đến nay, tiến độ dự án đạt trên 75% khối lượng công việc hoàn thành so với hợp đồng, nhưng hiện nay dự án dừng triển khai, chậm 6 năm so với dự kiến đưa dự án đi vào vận hành. Việc kéo dài thời gian không chỉ ảnh hưởng lớn đến chất lượng đầu tư, thiết bị tại kho bãi có nguy cơ phải thay thế mới mà còn gây lãng phí, mất thời gian do quy hoạch treo.

Cần bổ sung công trình nguồn điện là công trình có hành lang bảo vệ an toàn

Tại Điều 101 dự thảo Luật quy định về an toàn trong phát điện, đại biểu Tô Ái Vang cho biết, Sóc Trăng có 19 dự án điện gió đã được Chủ tịch UBND tỉnh cấp chủ trương đầu tư.

Khi các dự án điện gió đưa vào vận hành thương mại từ đầu năm 2024 đến nay thì phát sinh nhiều khiếu nại, kiến nghị, tố cáo tập trung đông người đến các cơ quan cấp tỉnh, trụ sở tiếp công dân Trung ương.

Có hai nội dung yêu cầu khiếu nại chủ yếu: một là, bồi thường, hỗ trợ thiệt hại đối với đất, nhà ở, công trình, cây trồng, vật nuôi trong phạm vi hành lang an toàn cột tháp gió do hạn chế quyền sử dụng đất; hai là, bồi thường, hỗ trợ đối với đất, nhà ở, công trình, cây trồng, vật nuôi trong phạm vi 300m tính từ công trình điện gió.

Đại biểu cho biết, các hộ dân dựa vào quy định tại khoản 2 Điều 11 Thông tư 02 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định thực hiện phát triển các dự án điện gió và hợp đồng mua bán điện mẫu cho các dự án điện gió để yêu cầu bồi thường, hỗ trợ vì cho rằng cánh quạt tua bin gió gây ra tiếng ồn làm ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe, sinh hoạt và nuôi trồng thủy sản.

ĐBQH Tô Ái Vang (Sóc Trăng) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Tô Ái Vang (Sóc Trăng) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

"Thực trạng trên gây khó khăn cho các tỉnh Sóc Trăng, Bến Tre và Đắk Nông. Các địa phương đã nhiều lần kiến nghị đến Bộ Công Thương và Bộ Tài nguyên và Môi trường thì đều nhận được văn bản trả lời nhưng chưa đủ cơ sở pháp lý để địa phương làm căn cứ thực hiện", đại biểu Tô Ái Vang nói.

Từ thực trạng trên, đại biểu đề nghị, dự thảo Luật bổ sung thêm đối tượng công trình nguồn điện là công trình có hành lang bảo vệ an toàn, trong đó có công trình điện gió, bao gồm tua bin gió. Đồng thời, Chính phủ có sớm hướng dẫn hoặc quy định rõ việc bồi thường, hỗ trợ hay không bồi thường, hỗ trợ đất đối với đất, nhà ở, công trình cây trồng, vật nuôi tính từ vị trí ngoài cùng hành lang an toàn của cột tháp gió xác định theo khoản 10 Điều 2 Thông tư số 02 của Bộ trưởng Bộ Công Thương đến phạm vi 300m của công trình điện gió xác định theo khoản 2 Điều 11 Thông tư số 02 của Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, các đại biểu Quốc hội nhất trí về sự cần thiết phải sửa đổi Luật Điện lực, thống nhất cần có chính sách đột phá để phát triển điện lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân, bảo đảm an ninh năng lượng. Tuy nhiên, các đại biểu đều bày tỏ băn khoăn về chất lượng dự án Luật, thời gian để tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ dự thảo Luật trình Quốc hội để có thể thông qua tại một kỳ họp và đề nghị nghiên cứu kỹ lưỡng, nên thông qua 2 kỳ họp để bảo đảm chất lượng.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Tổng Thư ký Quốc hội có báo cáo gửi đến các đại biểu Quốc hội, đồng thời gửi đến các cơ quan có liên quan để nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, hoàn thiện dự thảo Luật; các đại biểu tiếp tục nghiên cứu, tham gia ý kiến về dự án Luật này.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan có liên quan nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội nghị và sẽ góp ý để hoàn chỉnh dự án Luật theo đúng quy định, trình Quốc hội thảo luận, xem xét, quyết định.

Minh Trang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/can-co-chinh-sach-dot-pha-de-phat-trien-dien-luc-i386289/